Một mình nuôi con vừa chăm lo cho sự nghiệp chưa bao giờ là điều dễ dàng...
*Dưới đây là những lời tâm sự của chị Nguyễn Kim Ngọc - Co-Founder chuỗi nhà hàng Baozi về hành trình làm single mom.
Mình luôn mong muốn xây dựng một gia đình và rất vui vì khi ấy mình từng có một gia đình…
Nhưng có lẽ do cái số của mình khó, hoặc do người đàn ông mình chọn chưa đủ kiên nhẫn ở bên cạnh nên mình rơi vào hoàn cảnh "bất khả kháng" là một bà mẹ đơn thân. Thật ra ban đầu, mình cũng khó chấp nhận chính bản thân vì mình luôn cố vun vén cho cái gọi là gia đình. Ai cũng thấy mình giỏi, nhưng mình cũng đã phải trả giá rất nhiều để có hôm nay.
Tại sao tôi không được hạnh phúc? - từng là câu hỏi mà mình gào thét trong tâm can suốt quãng thời gian tuổi thơ. Cho đến cách đây 2 năm, mình rơi vào trầm cảm và phải tự mình tìm lối thoát.
Những lời chia sẻ này của mình, thông qua , trong Ngày của Mẹ, hy vọng sẽ như một cái nắm tay, cái ôm dành cho những người mẹ, những người từng/đang gặp phải hoàn cảnh giống mình được vỗ về, an ủi.
Nội dung liên quan
"28 ngày viết ra 28 lời cảm ơn đã làm mình trở lại quá khứ và nhận ra điều đang có là gì"
Bố mẹ ly dị khi mình còn nhỏ. Lớn lên trong hoàn cảnh thiếu tình cảm của bố đã khiến mình trở thành một người luôn khát khao tình cảm, luôn yêu như lần yêu đầu, vì mình muốn có một gia đình thực sự của riêng mình.
Trước khi được biết đến là một người hoạt động trong lĩnh vực FnB, mình là DJ, mình yêu thích công việc này và đó là khoảng thời gian rất thú vị của tuổi trẻ. Gia đình tuy không trọn vẹn nhưng cũng gọi là khá giả nên mình đi diễn kiểu thích thì đi, tiền bạc không phải là vấn đề.
Khoảng 7 - 8 năm trước, mình bắt đầu chán công việc DJ và đang mất phương hướng. Đang không biết sẽ làm gì thì gia đình mình có chuyện, dẫn theo toàn bộ nguồn tiền của mình bị cắt hết, khi đó mình chỉ còn giữ được 1 chiếc xe hơi và 100 triệu đồng. Anh - cũng là người duy nhất ở bên cạnh mình.
Nội dung liên quan
Hai đứa bắt đầu khởi nghiệp FnB cùng mong muốn xây dựng thương hiệu Baozi tại Việt Nam. Nhưng kiến thức về ngành không có, mình chỉ có tình yêu và sự nhiệt huyết.
Baozi đầu tiên ở Trần Đình Xu, có 8 cái bàn thuê mặt bằng 12 triệu đồng/ tháng, nhưng tự sơn nhà, sơn tường, sửa chữa, tự chạy quảng cáo. Cũng gọi là "Hữu xạ tự nhiên hương" nên quán mình đông khách.
Được mấy tháng thì chủ nhà lại lấy mặt bằng.
Lúc ấy đã có một lượng khách nhất định, không dư dả mấy nhưng nó cho mình thấy mình có khả năng thành công. Định tìm nơi nào cỡ giá tiền cũ nhưng toàn giá 2-30 triệu đồng. Mình cứ đi tìm mãi cho đến khi tìm được một căn ở Nguyễn Thái Học có giá 7000 USD.
Lúc đó không hiểu sao mình rất muốn thuê nơi này. Mình bán xe hơi, vay thêm để thuê. Năm đó là 2016.
Xong, mình mở tiếp bên Hai Bà Trưng vào khoảng 2018. Cũng trong thời điểm này mình sinh Hana, anh và mình chia tay sau đó 1 năm. Mình rơi vào trầm cảm 2 năm khi vừa chia tay, nhưng vẫn phải làm việc điều này khiến mình bị nặng hơn nữa.
Mỗi ngày mình phải đối diện với mọi người, mọi việc và đều phải giữ một năng lượng tốt, nhưng khi về nhà thì lại là chuyện khác. Mình mở kem đánh răng, nó rớt xuống chân, mình cũng có thể khóc. Mình khi đó như một bà điên vậy, nhìn thì ổn nhưng bản thân tự biết mình đang không ổn chút nào.
Đến giữa năm 2020 có dịch, trước đó không lâu, mình vừa mở Hồ Tùng Mậu, chi nhánh này chưa kiếm được nhiều tiền mà mình phải đóng cửa mất 6 tháng, phải gồng mình chống đỡ, bỏ tiền ra để trả mặt bằng, 1 tháng mất khoảng 600 triệu đồng. Mình hết sạch tiền. Mình stress.
Áp lực - Stress - Trầm cảm đối với mình đó là khoảng thời gian cực kỳ kinh khủng. Nhưng vì mình biết xung quanh còn nhiều người cần đến mình, có nhiều chuyện cần mình gánh vác nên mình đã lùi lại một chút, đọc nhiều sách để tự chữa lành. Có khi mình phải gọi đến người bạn từng bị trầm cảm của mình để cầu cứu vì ngày nào cũng nghĩ đến cái chết. Nhiều đêm mình ngủ mà nước mắt giàn giụa. Mình đi chơi với bạn bè, nhưng không cảm thấy vui.
Cũng có đoạn, mình bay ra Hà Nội liên tục, có khi tối mình khóc, sáng đặt vé đi trong vòng 1-2 ngày để mình vui một chút xíu rồi lại về. Từ từ nỗi đau nào cũng vơi bớt, mình cũng phải học thôi, dần mọi thứ ổn lại.
Mình tin rằng mình đang sống sai. Nhưng may mắn mình nhận thức được nên luôn tìm cách để sống cho hạnh phúc.
Thời điểm dịch bùng phát, mình nghĩ mình tiêu rồi. Và mình mới bắt đầu xem clip của cô Quỳnh Hương về sự cảm ơn, biết ơn. Bắt đầu ngày nào mình cũng xem và viết ra 10 điều cảm ơn, trong đó có cả liệt kê ra người nào có mối quan hệ xấu với mình và tìm ra những điểm mình muốn cảm ơn người ta.
Hầu như từ lúc sinh Hana ra mình không hề thấy vui, mặc dù mọi người thấy mình là 1 người phụ nữ quá đầy đủ: Có tiền, có con, xinh đẹp… nhưng bản thân mình không cảm thấy được hạnh phúc 1 ngày nào hết. Mình bắt đầu nhận ra việc khiến mình đau khổ vì luôn nhìn vào những thứ mình không có! Sau khi tập về cảm ơn và biết ơn, mình nhận ra chuyện nên trân trọng điều đang có hơn.
Bao nhiêu năm qua, từ khi sinh Hana, đây mới là giây phút mình thật sự hạnh phúc khi ngồi bên mẹ, quây quần ăn uống, thật sự tập trung vào câu chuyện mẹ kể, nhìn vào mẹ và nhận ra bà đã già hơn rồi.
Mình có thời gian để nhìn và cảm nhận được con trưởng thành qua từng phút từng giây. Có đôi lúc mình bị cuốn vào những bộn bề của cuộc sống, mình đâu có tâm trí để ý những điều nhỏ nhặt như vậy.
Thì ra hạnh phúc nó vốn dĩ rất mong manh, đó là ranh giới của sự lựa chọn, mình chọn nhìn vào những thứ mình đang có hay mình luôn bám vào những thứ mình đã mất đi trong quá khứ. Bao nhiêu năm nay mình không hạnh phúc vì mình mình sống cho người khác xem, sống để người khác phải ngưỡng mộ chứ không phải vì để chính mình cảm thấy hạnh phúc.
Mình cứ hướng cái tầm mắt của bản thân đến những điều xa xôi để tìm kiếm niềm vui, thỏa mãn cái tôi mà không nhận ra được rằng kế bên mình còn có những điều tuyệt vời hơn vậy nhiều là mẹ và con.
Thật ra hạnh phúc là một môn học đó, người càng biết cách tìm niềm vui từ việc nhìn và cảm nhận những điều nhỏ nhặt xung quanh cuộc sống thì điểm sẽ càng cao. Mình chọn nhìn vào những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày, mình tập cảm ơn những điều dễ thương mà cuộc sống mang lại, tập để tâm vào những điều mình nhận lại để thấy rằng những điều mình mất đi nó chả là cái đinh gì cả.
Ví dụ như hồi xưa mình cứ có suy nghĩ đơn giản là mình trả tiền cho nhân viên, nên mình phải nhận lại được giá trị cho đồng tiền mình bỏ ra. Mình nhìn vào đồng tiền mình mất mà mình không thấy được rằng nên cảm ơn bạn nhân viên đã bỏ ra thời gian, công sức, tâm huyết, tình cảm của bạn đó dành cho mình và thương hiệu. Rõ ràng là bạn ấy có quyền lựa chọn một nơi làm việc khác với mức lương cao hơn như vậy mà nhưng bạn vẫn tin mình đấy thôi.
Sau dịch, mình trở lại con số 0. Mình đâu có cái gì gọi là tài sản trừ Baozi và bé Hana. Nhưng may mắn Baozi luôn có lượng khách nhất định, cho nên mình vẫn đang phát triển và chuẩn bị mở thêm chi nhánh mới. Khi mở thêm chi nhánh, mình mới biết chuyện mở một quán với mở một chuỗi khác hoàn toàn. Nguồn động lực của mình bây giờ ngoài gia đình là các bạn nhân viên vẫn gắn bó và hỗ trợ hết lòng nên khiến mình không bao giờ muốn ngừng lại.
"Sâu trong thâm tâm, mình vẫn muốn có 1 gia đình. Mình vẫn cần đàn ông, cần tình yêu vì mình cũng là một người phụ nữ rất phụ nữ"
Tuy mang bầu Hana là "sự cố" và mình lẫn bạn trai cũ chưa có sự chuẩn bị về tinh thần, nhưng mình hạnh phúc vì đã có Hana. Mình chưa từng nghĩ vì Hana mà bản thân không vui. Vì mình đã chọn sự nghiệp ở cái thế buộc phải như vậy thì mới tồn tại được.
Mình cũng chẳng có bí quyết gì để dạy con. Chỉ là bản thân cảm thấy nên chuẩn bị hành trang cho con vào đời từ những điều nhỏ nhất. Chẳng hạn như biết từ chối những gì không phù hợp; biết cảm ơn những gì con được nhận; biết xin lỗi khi làm sai; không được có tính tham.
Ngược lại, Hana là nguồn động lực vô cùng lớn với mình. Hana là đứa trẻ rất đặc biệt, con bé vô tư, thông minh và nhạy cảm. Con cho mình cảm giác phải cố gắng đứng dậy, cân bằng cuộc sống. Mình tự hào vì con bé hiểu chuyện, tự lập, chủ động. Ví dụ nếu con muốn mình chơi chung nhưng mình bận quá, con kêu một hai lần mà không được thì tự động chơi một mình.
Mình mua cho quần áo, giày dép cho con đều là những món đồ giá trị nhất trong khả năng mình có. Một tháng mình mình cho Hana đâu đó cũng tầm 40 triệu đồng, có tháng đi du lịch thì sẽ còn nhiều hơn nữa. Nhưng mình dạy con hiểu vật chất là thứ "cần" nhưng không "khát", mẹ và ba đều có thể lo được cho con. Con đầy đủ để không cảm thấy cần đánh đổi điều gì vì vật chất. Con mình 4 tuổi đã hiểu ngày Tết là dịp mặc đồ đẹp, sum vầy, đi chúc Tết gia đình, chứ không phải là đi nhận lì xì xem trong đó có bao nhiêu.
Mình cũng chẳng có bí quyết gì để dạy con. Chỉ là bản thân cảm thấy nên chuẩn bị hành trang cho con vào đời từ những điều nhỏ nhất. Chẳng hạn như biết từ chối những gì không phù hợp; biết cảm ơn những gì con được nhận; biết xin lỗi khi làm sai; không được có tính tham.
Chưa biết cuộc đời sau này sẽ như thế nào nhưng mình luôn biết rằng mình cần làm người chính trực, chân thật và sống hết mình, làm hết sức. Và mình dạy cho con những điều như thế. Con sẽ biết nói thật trong mọi tình huống. Nếu con làm đổ bể thì mình không la mắng mà chỉ dạy con không được như vậy, điều này là sai. Vậy thì con sẽ không giấu diếm vì sợ bị mẹ la.
Mình tôn trọng, luôn hỏi ý kiến con, không so sánh và không bao giờ cho con cảm giác tiêu cực… Và con cần biết giá trị ở mỗi người không phải vật chất mà là cách đối nhân xử thế như thế nào. Dù là con của chủ nhưng mình không muốn tạo cho con cảm giác đang ở vị trí khác người ta.
Đối với mình, nếu tham tiền là đi kiếm tiền. Việc mình lao động có tiền sẽ khác với phải đánh đổi để có tiền. Mình vẫn dạy con theo hướng mình cho con những cái tốt nhất nhưng không nói điều này cao cấp hơn người khác, kiểu như đi máy bay ngồi ghế thương gia nhưng đây là cái ghế. Và cho Hana biết được giá trị thực sự của từng món đồ mà Hana có không nằm ở số tiền, giá trị thật sự là ở tình cảm, tâm huyết và công sức của người đã mua cho con. Mình thường nói chuyện với con về những niềm vui trong cuộc sống, không phải tiền bạc, giàu nghèo. Đó là điều mà đâu phải mình có tiền mới có thể dạy được con.
Nhiều khi mình rất lo lắng vì không có thời gian cho Hana vì mình đang chạy đua để đưa Baozi vào guồng trước khi Hana đủ nhận thức rằng mình không dành thời gian cho con. Mình lường được hết những gì có thể xảy ra khi con bé bắt đầu nhận thức, nhưng bây giờ nếu con thiếu thốn về tình cảm mà còn thiếu về vật chất nữa thì mình thấy thật sự có lỗi.
Điều tiếc nuối lớn nhất là mình đã đánh mất gia đình của bé. Đôi khi mình trăn trở, nếu lúc đó mình kiên định và kiên nhẫn hơn thì biết đâu mình đã giữ được một gia đình cho Hana. Dẫu sao, người đó vẫn là lựa chọn đúng. Nhờ anh ấy, mình trưởng thành hơn rất nhiều. Mình cũng chưa cho con biết chuyện bố mẹ chia tay, nhưng có lẽ Hana hiểu nhưng chưa đủ lớn để đặt những câu hỏi. Ở hiện tại, anh ấy vẫn là một người cha có trách nhiệm.
Sâu trong thâm tâm, mình vẫn muốn có gia đình. Mình không phải người phụ nữ mà có thể nói mình không cần đàn ông, ai cũng cần tình yêu và ai cũng xứng đáng có quyền được yêu. Mình là người khi yêu sẽ rất mãnh liệt, nếu yêu lại lần nữa thì mình vẫn sẽ yêu "đập đầu vào tường".
Càng ngày mình càng nhạy cảm. Nhiều người nhìn vào nói mình đa tài vì có thể cân bằng ở nhiều vai trò, nhưng thật sự mình muốn có một người thấu hiểu, có thể khiến mình vì họ mà làm những công việc nội trợ hoặc khi đi bên cạnh người đó, mình sẽ được sống thật - khác với con người mình không được sống trong cả một ngày. Vì mình yếu đuối lắm, mình là một người phụ nữ rất là phụ nữ, thèm nhõng nhẽo và sẽ khóc nếu đôi lúc bị down mood.
Có lẽ lúc này chưa phải thời điểm thích hợp để mình yêu.
Đến giờ mình không tin được Baozi đang lớn đến độ như vậy. Công ty được định giá hơn cả trăm tỷ, nhiều người muốn mua, bao nhiêu tập đoàn muốn nhảy vào. Mình đang ở vị trí như vậy nên mình phải chấp nhận cái cảm giác mà không ai có thể hiểu được mình. Mình phải chịu cô đơn, vậy thôi.
Sắp tới mình sẽ mở rộng chi nhánh Baozi với nhiều mô hình khác nhau, mình còn muốn phát triển theo nhiều hướng với hy vọng mang tới sự phong phú cho nền ẩm thực Việt Nam. Hơn hết, mình thật sự mong muốn tạo ra thật nhiều công ăn việc làm cho mọi người, đào tạo cho họ về tư duy, truyền cho họ cái lửa mình luôn mang theo từ những ngày mới bắt đầu từ con số 0.
Nguồn: TH&PL