Nhật ký tình nguyện của mẹ đơn thân 38 tuổi, 2 con nhỏ: "Hết 5 lần bị chủ trọ dọa đuổi đi!"

Nhưng cũng vì thương 3 mẹ con ở Sài Gòn nên chủ nhà mới nghiêm khắc như vậy khi chị "trốn" đi tình nguyện.

Chị Anh Thư đã kể cho tôi nghe như thế khi được hỏi về những câu chuyện nhỏ dễ thương trong thời gian đi xông pha làm tình nguyện. Chị năm nay đã 38 tuổi, làm mẹ đơn thân của 2 đứa con nhỏ. Nhưng đôi chân của chị thì không chịu ở yên, chị cứ thích "trốn" đi làm tình nguyện với khí thế hăng say của một người trẻ.

Đi làm tình nguyện mà phải "trốn" để được đi? Nghe cũng lạ! Nhưng kể ra mới biết, mới nể, mới thương những người phụ nữ chịu thương chịu khó như chị. Người ta có câu "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", đặt câu tục ngữ đó vào hoàn cảnh thời bình nhưng dịch bệnh ngày nay thì chị chính là đại diện cho câu nói phi thường ấy!

nhat ky tinh nguyen cua me don than 38 tuoi 2 con nho het 5 lan bi chu tro doa duoi di - anh 0

"Mình không có tiền thì mình góp sức người"

Công việc của chị Thư thuộc ngành dịch vụ tại Sài Gòn nên cũng đóng cửa 2 tháng nay vì ảnh hưởng dịch bệnh, đã thế chị còn phải nghỉ việc không lương. Chính vì không muốn phí thời gian mỗi ngày nên chị cứ "guồng chân" đi đây đi đó làm tình nguyện, ở đâu cần gì thì chị giúp đó.

Nói về lý do, chị tâm sự: "Vì mình cũng muốn góp chút sức nhỏ nhoi thôi, mình không có tiền thì mình góp sức người. Làm được điều gì đó ý nghĩa cho đời và mỗi ngày trôi qua đều không vô nghĩa". Nghe được tâm sự của chị một người trẻ như tôi cũng chợt chạnh lòng vì ở độ tuổi giàu có về sức trẻ như này chưa chắc gì mình góp sức được nhiều giống như chị.

nhat ky tinh nguyen cua me don than 38 tuoi 2 con nho het 5 lan bi chu tro doa duoi di - anh 0

Chị tham gia tình nguyện tại những nơi khá nguy hiểm và dễ dàng tiếp xúc với những ca dương tính bất kỳ lúc nào. Từ trực chốt khu cách ly, nhập liệu, lấy mẫu cộng đồng đến kết hợp y tế phường để điều phối người dân. Có ngày từ Quận 3 chị chạy lên Thủ Đức, rồi Quận 10, Quận 5,... để làm nhiệm vụ và công việc khác nhau. Nói chung, ở đâu cần thì chị đăng kí để chạy việc và quan trọng là chị "thích đi".

"Khi đi tình nguyện từ xa lạ không quen biết khi gia nhập team thì cũng thân như là đã từng biết nhau lâu rồi. Vì tinh thần ai cũng đồng lòng muốn làm điều gì đó có ý nghĩa" - chị Thư chia sẻ về tinh thần đồng đội khi tham gia làm tình nguyện cùng nhau.

Có lần tôi suýt bị "dương tính"

Chia sẻ về những kỉ niệm khó quên khi tham gia tình nguyện chống dịch tại Sài Gòn, chị Thư cũng hồi hộp kể lại có lần mình suýt thì bị dương tính. Lần đó chị trực khu cách ly ở hẻm 241, Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3 để lấy mẫu cộng đồng. Cuối ca trực chị test thì mẫu gộp lại của chị bị dương tính.

nhat ky tinh nguyen cua me don than 38 tuoi 2 con nho het 5 lan bi chu tro doa duoi di - anh 0

"Mới sáng sớm khoảng 6h30 anh phụ trách bên phường gọi 'Chị Thư ơi mẫu gộp của chị hôm qua dương tính nên chị lên TTYT (Trung tâm Y tế) phường để lấy mẫu đơn kiểm tra xem ai bị. Nghe xong cũng bình tĩnh chạy 1 mạch đi lấy mẫu đơn. Nghe tin báo cũng sợ vì mình chưa chích ngừa" - Chị Thư kể lại.

Vì chưa được chích ngừa nên chị cũng sợ mình dễ lây nhiễm, nhưng chị đã tự trấn an mình rằng "không sao nè, mình rất kỹ và đã thực hiện tốt về việc bảo vệ bản thân nên lúc đó không còn lo lắng nữa. Nghe kết quả âm tính lúc đó cảm giác mừng giống như vừa được tiền thưởng" - chị Thư chia sẻ kỷ niệm một lần thoát "dương tính" không thể nào quên được.

nhat ky tinh nguyen cua me don than 38 tuoi 2 con nho het 5 lan bi chu tro doa duoi di - anh 0

Bên cạnh đó, trong lúc làm tình nguyện chị cũng nhận được sự yêu thương, ấm áp từ người dân trong khu cách ly. Chị kể có lần trực chốt ở CMT8 quận 3, chị được một nhà dân nướng cho hộp khoai mời ăn: "Con ăn đi, sáng chắc chưa ăn gì đúng không, ăn đi cho nóng". Lúc đó mới 8h sáng, cũng đang đi phát bánh bao ăn sáng cho dân.

Vậy đó, có những điều nhỏ bé khiến người ta ấm lòng giữa cơn dịch lạnh lẽo này. Chỉ là vài phần bánh trao tay, những củ khoai nướng vội được cho đi nhưng nó làm người ta nhớ! Nhớ về sự tử tế của những con người Sài Gòn, ai bảo Sài Gòn giãn cách đâu vì tấm lòng người ta luôn gần nhau sát rạt.

Đi tình nguyện nhưng phải "trốn đi" vì sợ cô chủ nhà không cho ở nữa…

Kể cho tôi nghe về câu chuyện này, chị cũng cẩn thận dặn dò: "Thật ra bà thường hay dặn vậy chứ cũng không có ý đuổi chị đâu, cũng vì thương nên bà mới lo…".

Chị Thư tâm sự, hơn nửa tháng đi tham gia tình nguyện chống dịch thì hết 5 lần bị chủ nhà ra "tối hậu thư": "Nếu con đi nữa thì không về nhà trọ thời gian này và 3 mẹ con đi tìm chỗ ở khác". Cứ mỗi lần như vậy, chị trốn ở nhà được một ngày rồi lại tìm bài chuồn đi tiếp.

nhat ky tinh nguyen cua me don than 38 tuoi 2 con nho het 5 lan bi chu tro doa duoi di - anh 0

Chị Thư cũng nói thay tâm sự của chủ nhà, "chỉ là do bà lớn tuổi nên mới lo lắng như vậy, bà cũng chỉ dọa chứ không có ý đuổi đi. Chưa kể hàng xóm xung quanh cũng sợ khi có người tham gia chống dịch. Vì hoàn cảnh mình cũng là mẹ đơn thân nuôi 2 đứa con, sống xa gia đình nên bà chủ nhà lo lắng lỡ mình có gì ba mẹ con khổ thôi. Cũng vì thương nên bà mới nghiêm khắc như vậy".

Có thể nói, giữa dịch bệnh khó khăn như vậy, người ta mới càng thấy quý nhau hơn ở tấm lòng. Ở Sài Gòn, người ta thường nói "mạnh ai nấy sống", "nhà ai nấy ở" khó có chuyện tối lửa tắt đèn có nhau dù nhà sát nhà, tường sát tường trên từng con hẻm. Nhưng khi "đụng chuyện" rồi mới thấy, không đâu ấm tình người như Sài Gòn.

Người ta sẵn sàng xông pha vào tâm dịch mặc kệ bản thân có thể là đối tượng F0 bất kỳ lúc nào. Người ta cũng san sẻ nhau từng củ khoai, chiếc bánh, cọng rau, con cá,... chỉ để ai cũng được trọn vẹn một bữa no trong dịch bệnh. Và người ta cũng dành cho nhau những lời quan tâm và lo lắng, tất cả cũng vì một chữ "thương".

''Chờ ngày Sài Gòn… kẹt xe trở lại'' là mong muốn của nhiều người trẻ ở TP.HCM lúc này, cũng là tên tuyến bài được khởi xướng. Trong tuyến bài này, ghi nhận những chia sẻ, những câu chuyện và kỷ niệm về Sài Gòn. Có thể là của một người nổi tiếng, cũng có thể đến từ một bạn trẻ bình thường. Nhưng tất cả cùng gặp nhau ở tình yêu dành cho Sài Gòn và niềm tin thành phố sẽ sớm đẩy lùi được dịch bệnh để đường phố đông vui trở lại!

Nhật ký tình nguyện tại Sài Gòn: "Chỉ uống nước cầm hơi để giải tỏa cái nóng ở lớp đồ bảo hộ"

Nhật ký tình nguyện mùa Covid: "Một ngày giãn cách, bao nhiêu người nhịn đói"

Tuyến đầu chống dịch: Những người đến để thấy, nhìn lại để thương!

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ