Khi áp lực không tạo ra kim cương

Trước những sự việc đau lòng trong thời gian gần đây, phải chăng đã đến lúc chúng ta cần định nghĩa lại "áp lực".

Khi áp lực không tạo ra kim cương

Tự tử: Triệu chứng cuối cùng của trầm cảm

Năm 2018, dư luận xã hội bất ngờ xôn xao bởi thông tin nam sinh lớp 10 tại trường nội trú N.K tự tử cùng bức thư tuyệt mệnh. Theo bức thư, em lựa chọn ra đi vì phải chịu áp lực học tập cùng những kỳ vọng của bố mẹ. Đáng nói, học sinh này có học lực giỏi cùng điểm số cao nhưng bố mẹ lại muốn em phải là người đứng hạng nhất của khối.

Tưởng chừng như đó là hồi chuông cảnh tỉnh về việc chú trọng đến sức khỏe tâm lý của trẻ em ở độ tuổi dậy thì, lứa tuổi dễ gặp phải những áp lực vô hình từ gia đình và xã hội. Tuy nhiên, sau đó lại có không ít sự việc đau lòng khác liên tiếp xảy ra chỉ trong thời gian ngắn khiến ai cũng phải đau xót.

khi ap luc khong tao ra kim cuong - anh 0
Thành tích tốt liệu có xứng đáng để đánh đổi sức khỏe tinh thần và thể chất? (Ảnh: Internet)

Tối ngày 31/3/2022, cô bé lớp 8 tại Bắc Ninh đã treo cổ tự tử. Theo chia sẻ từ nhà trường, em có học lực tốt và cũng không có bất kỳ biểu hiện tâm lý bất ổn nào. Trong thư, nữ sinh này viết rằng: "Lời đầu tiên con muốn nói là việc con thành ra như vậy không phải lỗi do ai cả. Chỉ là do con không xứng đáng, vậy thôi, thế nên xin mọi người đừng dằn vặt hay nhận hết lỗi về mình, nó chỉ khiến con cảm thấy tội lỗi hơn thôi".

Chưa dừng lại ở đó, rạng sáng ngày 1/4/2022, nam sinh lớp 10 tại một trường chuyên ở Hà Nội đã nhảy xuống từ tầng 28 của chung cư. Cũng giống như hai trường hợp trên, em để lại thư tuyệt mệnh được ghi vội vào quyển vở đặt trên bàn học với lý do phải chịu áp lực học tập rất nặng nề trong thời gian qua.

Để việc tự sát không trở thành "hiệu ứng dây chuyền", đã đến lúc chúng ta cần thừa nhận rằng đôi lúc áp lực không tạo nên "kim cương" như những gì người lớn vẫn hay giảng giải khi con trẻ gặp thất bại trong học tập.

Áp lực không tạo ra kim cương

Để một đứa trẻ có thể vào được ngôi trường Đại học danh tiếng, chúng đã phải nỗ lực gấp đôi người khác từ khi còn rất nhỏ. "Nhà - trường học - nơi học thêm" từ lâu đã trở thành vòng lặp mà có lẽ bất kỳ ai cũng đã từng gặp phải. Dần dần, một số học sinh đã đánh mất đi tuổi thơ, thời cấp 3 thanh xuân chỉ vì cuộc chạy đua thành tích mà ở đó người muốn dành chiến thắng có lẽ còn không phải là họ.

Không chỉ có áp lực điểm số hay kỳ vọng từ gia đình, thế hệ trẻ ngày nay còn mang theo cả nỗi sợ bị bỏ lại và áp lực đồng trang lứa. Điều đó đồng nghĩa mọi thứ xảy đến với họ đều nhân đôi sức nặng, đủ sức khiến con người ta muốn tìm kiếm một lối giải thoát.

khi ap luc khong tao ra kim cuong - anh 0
Áp lực không hoàn toàn xấu cũng không hoàn toàn tốt (Ảnh: Kent Scarborough)

"Có áp lực mới tạo ra được kim cương", câu nói này chẳng khác gì con dao hai lưỡi. Một mặt, nó thúc đẩy con người tiến về phía trước. Nhưng mặt khác, họ lại bị áp lực đè nén, ngày càng lún sâu vào những trạng thái tiêu cực.

Trong học tập, áp lực không phải là đòn bẩy duy nhất để tạo nên động lực thúc đẩy phát triển. Điểm số thấp không đồng nghĩa với việc bạn là người thất bại, thay vì tự trách hay buồn bã, hãy cho phép bản thân được sai và sửa chữa để hoàn thiện từng ngày.

Vết sẹo tâm lý khó lành cho người ở lại

"Người lớn đã từng là trẻ con nhưng trẻ con chưa bao giờ làm người lớn. Người lớn thấy vấn đề như miệng giếng nhưng trẻ con coi đó là cả bầu trời". Đối với sự ra đi của con cái, bố mẹ chắc chắn là những người cảm thấy ân hận và đau khổ nhiều nhất. 

Trong vụ nam sinh lớp 10 nhảy lầu ở Hà Nội, ngay sau khi bức thư tuyệt mệnh cùng đoạn clip cuối cùng bị phát tán trên mạng xã hội. Hàng trăm nghìn người đã lao vào chỉ trích, hướng mọi mũi rìu vào bố mẹ và những thành viên khác trong gia đình.

khi ap luc khong tao ra kim cuong - anh 0
Gia đình nên là chỗ dựa tinh thần để những đứa con trở về sau một ngày dài chứ không phải là nơi khiến chúng muốn rời bỏ (Ảnh: Internet)

Nhưng dư luận đã quên rằng, từ giây phút tận mắt nhìn thấy con trai nhảy từ ban công, người bố của nam sinh sẽ phải chịu vết sẹo không thể lành này suốt phần đời còn lại của ông.

Bố mẹ luôn muốn dành điều tốt nhất cho con, đầu tư toàn bộ thời gian, tiền bạc để con sống trong điều kiện và môi trường học tập xứng đáng. Tuy nhiên, khoảng cách thế hệ đang dần đẩy những thành viên trong gia đình ngày một xa nhau. Sự kỳ vọng của bố mẹ vô hình tạo nên thứ áp lực khiến những đứa con chán nản và mệt mỏi. 

Thay đổi trước khi quá muộn

Cứ vài ngày trôi qua, mạng xã hội lại xuất hiện thêm tin tức về một học sinh nào đấy tự tử vì chịu quá nhiều áp lực học tập. Đã đến lúc gia đình, nhà trường và xã hội phải thay đổi để "tự sát" không trở thành một trong số những lựa chọn khi con người rơi vào bước đường cùng.

Không thể hoàn toàn phủ nhận rằng năng lực và thành tích học tập tốt sẽ giúp trẻ thành công trong tương lai. Tuy nhiên, trẻ em cũng cần không gian để tìm kiếm đam mê, khám phá cuộc sống xung quanh và trau dồi các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

khi ap luc khong tao ra kim cuong - anh 0
"Mong rằng mọi người dù gặp phải khó khăn gì đi chăng nữa, cũng sẽ không chọn cách rời bỏ cuộc sống này" (Ảnh: Weibo Việt Nam)

Ngoài áp lực, thang đo mức độ thành công của một con người cần được xã hội tái định nghĩa. Bởi, không phải điểm cao, học trường nổi tiếng hay đạt giải nhất nhì trong các cuộc thi lớn mới là giỏi. Quá đặt nặng vào kết quả cuối cùng khiến chúng ta đang dần quên đi những nỗ lực vượt bậc, đáng khen ngợi của mỗi cá nhân trong cả hành trình dài theo đuổi sự học.

Suy cho cùng, mục đích cuối trong cuộc đời con người chính là tìm kiếm hạnh phúc. Vậy nếu thứ hạng trong cuộc đua thành tích không mang lại niềm vui thì chiến thắng để làm gì? Bố mẹ hãy trò chuyện, tâm sự cùng con, hiểu chúng cần gì và muốn gì bởi yêu thương sai cách có thể dẫn tới những hậu quả không thể lường trước.

Nói nghe nè: Không cần 'áp lực học tập' mới có động lực đâu!

Liên tiếp những vụ tự tử vì áp lực học hành: Đừng xem học tập là cuộc đua thành tích

Có phải áp lực nào cũng hoá thành kim cương?

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ