Một lời nói đùa trong lúc vô ý hay một câu nói vô tình nhưng lại có thể để lại tổn thương rất lớn.
Body shaming đã tồn tại từ lâu và trở thành cơn ác mộng khiến nhiều người phải đôi ba lần ra tín hiệu "ét o ét" để cầu cứu. Đó là việc tiếp nhận những lời nói mang hàm ý cười đùa, mỉa mai về cơ thể bản thân, điều đáng lưu ý là ai cũng có thể là nạn nhân: Một người nổi tiếng hay cá nhân bình thường.
Trò đùa vô cớ, những câu nói kém duyên tưởng chừng là vô nghĩa nhưng chúng lại để lại những tổn thương nặng nề đến nạn nhân, và có thể trở thành nguyên nhân cho nhiều căn bệnh tâm lý khác.
Ranh giới giữa trò đùa và miệt thị ngoại hình
Trong ồn ào của Will Smith sau hành động tát đồng nghiệp trên sân khấu lễ trao giải Oscar 2022, nhiều người chỉ trích Will vì có hành động bạo lực trong khi câu nói của MC chỉ là đùa. Trò đùa không sai, nhưng nó cần đến từ sự tôn trọng và có duyên, chứ không phải mang khuyết điểm cơ thể, ngoại hình, giới tính… của một người để "bán lời đùa – mua tiếng cười".
Nội dung liên quan
Sinh ra với cơ địa da ngăm, và lông trên cơ thể T.H. (Sinh viên năm nhất, Đai học Sư phạm TP.HCM) đã nhiều lần trở thành nạn nhân của Body shaming, cô bạn chia sẻ: "Ngày còn đi học trung học, mình hay bị trêu ghẹo con gái lông nhiều 'như khỉ', khoảng thời gian đó mình tìm đủ mọi cách để tẩy sạch. Nhưng một số bạn lại chuyển sang tấn công vào làn da của mình.
Với mình mỗi ngày đi học phải đối diện với nỗi sợ ngoại hình khiến bản thân không thể tập trung học. Có nhiều lần vì tủi thân phải chạy trốn vào nhà vệ sinh để khóc. Mình biết đó có thể chỉ là trò đùa bọn trẻ con ngày đó, nhưng thật sự nó đã để lại cho mình rất nhiều sự tổn thương và ám ảnh".
Ranh giới trò đùa và sự miệt thị chỉ cách nhau ở việc con người diễn đạt, có thể với ai đó chỉ là câu nói bình thường, nhưng với họ - những người đang chịu đựng sự miệt thị sâu sắc lại chính là những tổn thương và ảnh hưởng nặng nề về mặt tinh thần.
Nếu không có sự nhắc nhở hay lên án, rất có thể những lời nói mang tính xúc phạm, miệt thị sẽ trở thành một thói quen trong cách ăn nói. Bất kể khi nào cần được chú ý, tạo không khí hay đơn giản là giao tiếp, ai đó cũng có thể vô cớ mang người khác ra làm trò cười.
Nội dung liên quan
Trêu tí thôi làm gì đã căng...
Thay vì lên tiếng, nhiều nạn nhân lại có thái độ chần chừ và ngại khi đối diện trực tiếp. Chính sự lảng tránh này đã tạo điều kiện cho vấn nạn miệt thị ngoại hình được diễn ra. Tuy nhiên, điều này có thể được hiểu đến từ việc chưa hiểu hết về bản chất của Body shaming và sợ việc bản thân bị cho là "làm quá".
Một số người cũng có những phản ứng nhất định, điển hình là câu chuyện của N.V.A. (Sinh viên năm 2, trường ĐH KHXH&NV) chia sẻ: "Mình có bày tỏ thái độ không đồng ý khi bị trêu ghẹo về cân nặng, nhưng một số người vẫn làm ngơ, thậm chí còn chỉ trích lại mình là không vui tính, mới trêu tí làm gì đã căng và tiếp tục xem cơ thể mình là trò mua vui".
Việc sợ hãi, im lặng sẽ vô tình thúc đẩy hành vi tiêu cực của những kẻ soi mói, bình phẩm về cơ thể người khác. Cái đáng sợ ở đây là chúng dường như không thể mất đi, đối tượng mà vấn nạn này có thể hướng đến là bất kỳ ai. Một người tưởng chừng là bình thường nhưng vẫn sẽ có những khuyết điểm, các chuẩn mực về cái đẹp có thể bị áp đặt vô cớ, khuyết điểm trở thành trò mua vui…
Có những người biết dùng những lời nói tiêu cực từ người khác để biến chúng thành động lực giúp bản thân hoàn thiện. Nhưng không phải ai cũng đủ mạnh mẽ để có thể đối diện và tìm cách giải quyết, nhiều nạn nhân phải âm thầm chịu đựng sự dày vò bằng những lời nói, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và tâm lý, nguy hiểm hơn chính là làm tổn thương chính mình.
Cơ thể mỗi người là một "vùng đất" tươi đẹp, có thể chưa hoàn hảo nhưng đang dần hoàn thiện, không một ai có thể vô cớ hủy hoại chúng.
Nguồn: TH&PL