Việc chi tiêu bất hợp lý của nhiều sinh viên đang khiến các bạn dễ rơi vào tình trạng... úp mì ăn vào cuối tháng.
Câu chuyện về chi tiêu hàng tháng luôn là chủ đề muôn thuở đối với nhiều thế hệ sinh viên. Bằng chứng là các bạn luôn phải đau đầu để "cân đo đong đếm" làm sao cho mọi thứ được "đủ".
Tuy nhiên, điều này dường như quá khó đối với nhiều người khi liên tục rơi vào vòng lặp lại của việc đầu tháng thì chi tiêu thoải mái, cuối tháng... hết tiền.
Nội dung liên quan
Chia sẻ với về vấn đề trên, Vân Anh (sinh viên) cho biết: "Mình đã liên tục rơi vào tình trạng tương tự. Tháng vừa rồi mình hầu như dành số tiền chi tiêu cho việc mua sắm, săn sale. Đến cuối tháng thì phải nhờ mẹ 'ét o ét'. Mình biết là vấn đề này thật sự không tốt nhưng bản thân không thể nào tránh vòng lặp chi tiêu quá đà - hết tiền - chi tiêu quá đà - hết tiền".
Vậy, đâu là nguyên nhân chính khiến nhiều sinh viên rơi vào tình trạng trên?
Chi tiêu thỏa mãn cảm xúc
Những mặt hàng đắt đỏ, những vật dụng mới mẻ… luôn có một sức hút mãnh liệt đối với nhiều người và sinh viên cũng không ngoại lệ. Thấy bạn bè mới mua món đồ nào đó, điều này dễ tác động đến tâm lý rằng: Bản thân mình cũng muốn có nó. Nhưng, lại quên hỏi chính mình: Có thật sự cần không?
Nhiều người chi tiêu cho những mong muốn nhất thời của bản thân mà chẳng có việc suy tính đến chất lượng, khả năng sử dụng của chúng. Khi có được một số tiền vào đầu tháng, các bạn lại lao vào shopping như con thiêu thân. Đôi khi không phải mong muốn thật sự, mà chỉ là thỏa mãn "cơn khát" mua sắm.
Không có kế hoạch chi tiêu
"Mình thường không lập ra bất kỳ kế hoạch nào, hầu như việc chi tiêu của bản thân đều dựa vào việc cứ thấy thiếu là mua. Chắc có lẽ đây cũng là một trong những lý do khiến việc chi tiêu của mình trong hàng tháng luôn mất ổn định", Vĩnh Khang chia sẻ với .
Câu chuyện của cậu bạn cũng là sai lầm của vô số sinh viên trong việc chi tiêu mỗi tháng của bản thân.
Khi có được những kế hoạch cụ thể, ta sẽ có được sự tính toán thiệt hơn, từ đó có thể cân bằng lại mọi thứ trong các nhu cầu của cuộc sống. Có thể chúng ta sẽ phải hy sinh một số sở thích nào đó của bản thân, nhưng ít ra điều này sẽ giúp ta có được trạng thái ổn định trong cuộc sống, bản thân cũng không phải rơi vào tình trạng cứ cuối tháng là ăn mì gói.
Nội dung liên quan
Sàn thương mại điện tử là nguyên nhân khiến chi tiêu bất ổn
Với sinh viên, mua sắm online là một nhu cầu không thể thiếu. Những cơn "chốt đơn" vì: "Rẻ quá", "đang giảm giá kìa", "cái này mình chưa có nhỉ"... khiến tiền không cánh mà bay. Để rồi, cuối tháng lại ngậm ngùi nhìn đống đồ trên kệ vừa ăn mì gói vì lỡ chi tiền quá tay.
Minh Vy (sinh viên) cũng là một "nạn nhân" của mua sắm online: "Mình từng nghĩ việc mua sắm online với những đợt giảm giá, freeship sẽ giúp bản thân được tiết kiệm. Tuy nhiên, chi tiêu hàng tháng của mình bị 'đội' lên rất nhiều. Không phải mua sắm là tiêu cực nhưng quan trọng là biết 'tém tém cái nết của mình' để bớt mua linh tinh".
Những mối quan hệ khiến tiền bạc "đi ra"
Lên đại học, ta sẽ có vô số những mối quan hệ rộng lớn khác nhau, không còn gói gọn trong một không gian lớp học nữa. Chúng ta sẽ gặp người này người kia để 'tà tưa' chém gió, hay những cuộc hẹn đi ăn cuối tuần không mục đích. Thoạt nhìn, những buổi gặp gỡ ấy sẽ rất vui, cho đến khi... về nhà mở ví ra thấy trống rỗng hoặc cạn cả thẻ thì khóc không ra nước mắt.
Mặc dù biết đó cũng có thể là việc "đầu tư" cho những tình bạn, tình yêu. Nhưng khi hết tiền sẽ dẫn đến vay mượn, rồi từ vay mượn có thể ảnh hưởng mối quan hệ vì bạn đổ tiền vào để xây dựng. Đáng không?
Nội dung liên quan
Chưa trân trọng thành quả lao động
Việc nhận tiền từ sự hỗ trợ của bố mẹ đôi khi cũng khiến nhiều sinh viên chưa nhận ra giá trị của đồng tiền, khiến ta không có được sự trân trọng chúng. Việc nhận thức được điều này sẽ giúp chúng ta biết quý trọng những giá trị từ sự nỗ lực, biết được để tạo ra những đồng tiền là một quá trình khó khăn, có thể sẽ phải đánh đổi nhiều thứ.
Vì vậy, cuộc đời sinh viên vẫn nên có những khoảng thời gian dành cho việc làm thêm, có thể sẽ khiến thời gian chúng ta không còn nhiều nhưng chắc chắn sẽ là cách giúp mỗi sinh viên trưởng thành. Không dừng lại ở việc tạo ra thêm một nguồn thu nhập để trang trãi cuộc sống, mà còn là bài học về giá trị thật sự của đồng tiền để không phải chi tiêu phung phí và dành chúng cho những thứ thật sự mang đến lợi ích cho chính mình.
Nguồn: TH&PL