Để có thể “chung sống hòa thuận” và làm việc có hiệu quả, mỗi 2k3-ers phải biết tự “giắt túi” những bí kíp sống còn.
"Tôi là một cô sinh viên năm nhất mới trải qua kì học đầu tiên trên trường đại học. Là một người có học lực không tệ, tôi tự tin sẽ kiếm được những con A để đạt học bổng. Đời không như mơ, tôi bị con quái vật mang tên teamwork (làm việc nhóm) hạ gục.
Ở trường đại học, hầu hết các môn đều có bài nhóm, bài thuyết trình. Ban đầu, tôi tưởng làm bài nhóm là dễ dàng hơn bởi có nhiều người làm, việc sẽ nhẹ hơn và hiệu quả hơn. Nhưng không, tôi đã được trải qua vài kiểu teamwork khiến tôi ám ảnh".
Những dòng chia sẻ này chắc hẳn không phải là nỗi lòng của riêng ai.
Ở môi trường đại học, bạn phải làm việc nhóm để giải quyết đống bài tập lớn mà thầy cô giao cho. Ở một công ty, nếu không làm được việc nhóm, bạn sẽ bị đào thải và ngày càng đi lùi.
Teamwork quan trọng. Nó giúp bạn trau dồi nhiều kỹ năng, mở rộng nhiều kiến thức và mở ra nhiều cơ hội trong tương lai. Nhưng với nhiều người, teamwork lại là một cơn ác mộng.
Không phải ai cũng may mắn tìm được những người làm việc "hợp gru". Với những 2k3-ers đang chuẩn bị hành trang để bước vào cánh cổng đại học, cần "đút túi" cho mình một vài tips nhỏ để có thể dễ dàng bắt nhịp với những người "không thương".
Mềm mỏng trong giao tiếp
Cách phản ứng của một người chính là tấm gương phản chiếu điều bạn đã làm với họ. Nếu bạn cư xử gay gắt và cộc cằn với họ thì đương nhiên họ sẽ không thể nhẹ nhàng với bạn và ngược lại.
Do đó, việc đầu tiên bạn cần làm để có thể teamwork "hoà thuận" với nhau đó là làm việc với thái độ nhẹ nhàng, hoà nhã để tìm đến câu trả lời chung cho sự việc, đừng thể hiện sự khó chịu, cau có sẽ làm cuộc thảo luận đi xa vấn đề nhiều hơn,…
Cách cư xử của bạn không những mang năng lượng tích cực cho đối phương mà còn có thể "hóa giải", tăng thêm sự gần gũi với teammate của mình. Hãy để lại ấn tượng cho thầy cô và người "không thương" về sự chuyên nghiệp của bạn, chính điều này sẽ nói lên con người bạn.
Thẳng thắn bày tỏ quan điểm, khúc mắc
Để một vấn để được giải quyết nhanh chóng, ắt hẳn cần có những cái nhìn đa chiều, nhiều quan điểm và tranh cãi. Điều này khiến vấn đề trở nên sôi nổi, hiệu suất công việc cũng như khả năng tư duy của bạn sẽ được tăng lên không ít.
Nhưng chắc chắn rằng sẽ không bao giờ tránh khỏi vấn đề bất đồng quan điểm. Bạn nên nhớ, nam châm cùng dấu thì đẩy nhau. Nếu đã chọn cho mình một teammate thông minh thì chắc chắn sẽ phải đối mặt với những lần tranh cãi gay gắt. Thậm chí, họ có thể trở thành người thách thức, là những tiếng chuông đồng hồ tích tắc nhắc nhở chúng ta những sai sót hay những công việc còn dang dở chờ bạn.
Để giải quyết tình trạng này, bạn cần thẳng thắn trình bày khúc mắc của bản thân cũng như khúc mắc với mọi người để tìm ra hướng giải quyết. Bên cạnh đó, tích cực mở rộng góc nhìn về sự việc hay tình huống phát sinh, góc nhìn càng rộng thì sẽ càng thu hẹp những hiểu lầm không đáng có.
Tìm điểm chung để dễ hòa hợp
Trong cuộc sống lẫn công việc chắc chắn việc "thêm bạn bớt thù" là điều ai cũng mong muốn. Như vậy để "bốn bể" đều là anh em thì chúng ta cần có một cuộc nói chuyện chính thức để giải đáp mọi khúc mắc trong lòng, đặc biệt bạn cần lưu ý về thời gian thích hợp để làm điều đó và phải giữ bình tĩnh nhé.
Ai cũng có những đặc điểm, tính cách đã "ăn vào máu" – yếu tố quyết định phần lớn phản ứng của họ. Cả hai phải cùng tạo ra môi trường làm việc mà chúng ta cảm thấy tự tin, thoải mái, các đồng đội phải lắng nghe và hỗ trợ nhau để đạt mục tiêu đã đặt ra.
Ai cũng có những hiểu biết giới hạn ở lĩnh vực nào đó, do vậy bạn cần tin tưởng lẫn nhau và lắng nghe ý kiến từ đối phương, biết đâu bạn sẽ nạp được một kho kiến thức mới.
Hơn thế nữa, khi có sự việc đột xuất cần xử lý hoặc một công việc duy trì theo thời gian, teamwork phải có lịch trình thống nhất, phân bổ việc người việc ta rõ ràng, minh bạch và tổ chức họp thường xuyên để cùng nhau bổ sẻ và tìm hướng khắc phục nhanh nhất.
Điều quan trọng ngay lúc này là cả hai phải luôn ở trạng thái cân bằng để luôn nhắc nhau rằng sự cống hiến, đóng góp của đối phương sẽ giúp cho tập thể được đánh giá đúng đắn và nhận được sự khen thưởng xứng đáng.
Nội dung liên quan
Với những mẹo nhỏ kể trên, teamwork chắc chắn sẽ không còn là "nỗi lo chung chạ" với đối tượng bạn không thương nữa. Thay vào đó là nâng nhau và thúc đẩy nhau cùng phát triển. Cả hai sẽ là điểm bù trừ cho nhau để cùng nhau chạm đến thành công.
Đừng để suy nghĩ sai lệch về làm việc nhóm giết chết chính khả năng và tầm nhìn của chính mình, biết đâu sau "sự cố" này chúng ta lại có thêm một vài "người thương" để cùng đồng hành trong chặng đường chinh chiến sắp tới.
Nguồn: TH&PL