Sự việc cháu gái 8 tuổi nghi bị mẹ kế bạo hành đến mức tử vong đang gây xôn xao dư luận, điều này cũng đặt ra vấn đề về việc dùng đòn roi để dạy trẻ của nhiều phụ huynh.
Vào ngày 25/12, Công an quận Bình Thạnh cho biết đang tạm giữ nghi phạm Tr (SN 1995) để điều tra về hành vi hành hạ, đánh đập cháu A (SN 2013,) dẫn tới tử vong. Cụ thể, trong sự việc thì bé gái là con riêng của anh Th, còn Tr là vợ sắp cưới, cả 3 sống cùng tại một căn hộ. A được cho là tử vong trước khi đến bệnh viện với nhiều vết thương, qua xét nghiệm thì nghi ngờ có dấu hiệu bị bạo hành, tại cơ quan điều tra thì bước đầu bạn gái của bố bé A thừa nhận hành vi.
Chưa kể đến mối quan hệ bên trong đó, nhưng ta có thể nhận ra rằng trong cách dạy con của nhiều người đang có vấn đề, song là việc dùng đòn roi để dạy trẻ trong văn hóa của nhiều gia đình tại nước ta. Chính điều này đã tạo điều kiện để khiến những hành vi dùng đòn roi của nhiều cá nhân trở thành việc bạo hành, đôi khi lại là cái cớ dung túng cho tội ác của những kẻ vô lương tâm.
Nội dung liên quan
Hãy dừng lại quan điểm "Thương cho roi cho vọt"
Câu nói vốn được dùng trong nhiều gia đình để thấy rằng việc đánh một đứa trẻ là sự răn dạy, để giúp chúng có thể nhận ra lỗi sai của mình, tuy nhiên nó đang dần trở nên biến tướng trong cách nghĩ của nhiều người để trở thành hành vi bạo hành. Chính những tư tưởng vô tình được ăn sâu đó đã khiến tiếng khóc than của những đứa trẻ trở nên bình thường trong cách tiếp nhận của người xung quanh.
Sự vô tâm của con người cũng bắt nguồn từ tư tưởng trên, họ vẫn chưa thể kịp nghĩ đứa trẻ đó đang bị bạo hành hay cách dạy dỗ của gia đình người khác. Trong khi hành vi dùng đòn roi còn được thực thi trong nhiều ngôi nhà, được chấp nhận trong dư luận như cách để uốn nắn con cái, thì những sự việc bạo hành trẻ em sẽ vô tình được nuôi lớn từng ngày.
Chúng ta nên có những sự thay đổi trong cách nhìn nhận để tiếng khóc của những đứa trẻ không chỉ dừng lại ở từ thương, đôi khi sự thờ ơ của người xung quanh cũng có thể khiến một tâm hồn hay cuộc đời bị hủy hoại. Đôi khi chỉ cần sự để ý nhỏ của người hàng xóm, sự quan tâm trong những lần gặp cô bé hay mạnh dạn nhờ vào sự hỗ trợ từ các bên… thì sự việc đau lòng đã không xảy ra.
Bên cạnh đó, việc dùng bạo lực trong cách dạy con chỉ đơn giản là cách khiến chúng sợ hãi và ngừng lại những sai phạm, không thực sự là khiến một đứa trẻ nhận định được những việc làm hay hành vi của mình. Lợi thì ít, nhưng điều này lại đang hình thành cho chúng những tư tưởng dùng những tác động vật lý để giải quyết vấn đề, không dừng lại ở sự tổn thương tâm hồn non nớt, đó còn là sự méo mó và lệch lạc trong cách ứng xử.
Trách nhiệm của người bố ở đâu trong sự việc?
Điều mà dư luận không khỏi bức xúc là lý do tại sao người bố không đứng ra để bảo vệ chính đứa con gái ruột của mình, mà toàn quyền cho người vợ sau có thể quyết định. Bởi lẽ đó là một phần trách nhiệm khi đã chấp nhận quyền được nuôi dưỡng con cái sau khi đã ly hôn với vợ, nếu từ đầu đã xác định không thể chăm sóc tử tế cho đứa trẻ thì có thể hướng đến nhiều giải pháp khác, ít ra sẽ cho cô bé được một cuộc đời tươi mới hơn.
Cũng đừng nhìn nhận việc bạo hành là thương con, chúng chỉ đang là cái cớ cho những suy nghĩ tiêu cực và con trẻ trở thành phương tiện gián tiếp để người lớn có thể phát tiết, trút giận lên. Nếu người cha trong sự việc đủ yêu thương, sự quan tâm và bảo vệ con gái mình thì chắc chắn mọi thứ đã không phải trả giá cho một cuộc đời mãi ngủ yên,
Người "dì ghẻ" gây nên hành vi sai trái cũng đồng nghĩa với việc người bố trong sự việc cũng có tội khi đã dung túng, bênh vực và làm ngơ trước sự việc. Đó không chỉ dừng lại ở sự xót thương bình thường của tình phụ tử, nó đã đặt ra vấn đề về lương tâm của một con người khi một đứa trẻ vẫn chưa hiểu sự đời, nay phải sống từng ngày trong sự giày vò cả về thể chất, lẫn tinh thần.
Trẻ em không có tội, nhất là trong một cuộc hôn nhân đổ vỡ, bố mẹ nào cũng muốn dành thật nhiều những lợi ích về mình hay tìm kiếm lại hạnh phúc mới, nhưng đã bao giờ hỏi một đứa trẻ đó đã muốn gì. Trước khi chấp nhận một cuộc sống mới, đừng ích kỷ mà tước đoạt đi của các em một tuổi thơ trọn vẹn, hãy suy nghĩ về trách nhiệm để phần nào bù đắp cho sự mất mát, thay vì những hành vi tội ác.
Bạo hành trẻ em không còn là "chuyện riêng của nhà người ta"
Giống như rất nhiều những sự việc thương tâm tác động đến các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, thì im lặng đồng nghĩa với tội ác. Hãy cứ tiếp tục lên tiếng khi nhận thấy hành vi bạo hành vì biết đâu sự quan tâm nhỏ của chúng ta có thể cứu sống cả một cuộc đời, trao đi hy vọng với những điều tốt đẹp hơn cho những đứa trẻ.
Trách nhiệm về một môi trường sống không có bạo lực và hành vi dung túng cho tội ác là của mỗi công nhân trong xã hội, đó mới thực sự là điều văn minh và tốt đẹp mà con người vẫn nên hướng đến. Đây là "câu chuyện chung" của mọi người và thủ phạm chắc chắn không dừng lại ở kẻ gây ra tội ác nên hãy nhìn nhận mọi thứ trên nhiều khía cạnh khác nhau.
Đừng vì sự ích kỷ của người lớn mà vô tình cướp đi sự hồn nhiên hay một cuộc đời của đứa trẻ vô tội, tội ác thì chắc chắn sẽ bị trừng trị theo đúng quy định của pháp luật và tòa án lương tâm, chỉ duy nhất một cuộc đời đã mãi nằm yên bởi sự hẹp hòi của lòng dạ con người. Việc bảo vệ trẻ em không là trách nhiệm của riêng ai, khi chính chúng đang là những thế hệ mầm non của mai sau.
Ngoài việc lên án hành vi tội ác trên, thì sự việc cũng như một hồi chuông cảnh tỉnh tất cả chúng ta về trách nhiệm trong việc chăm sóc trẻ em, cũng như có cái nhìn đúng hơn về hành vi dùng đòn roi để răn dạy. Bởi có những điều chỉ đúng ở một thời điểm nào đó, nhưng hiện tại thì lại đang vô tình dung túng, bao che cho cái ác.
Nguồn: TH&PL