Bộ ảnh Gia đình là nơi để trở về, không phải là nơi để trốn chạy, lời thức tỉnh cho tất cả chúng ta!
Gia đình luôn được xem là điểm tựa vững chắc đối với mỗi người, dù là trẻ nhỏ hay những cô cậu gen Z, người lớn ai ai cũng chọn về nhà, về với tổ ấm bên người thân khi khó khăn. Nhưng suốt thời gian vừa qua, lần lượt những câu chuyện về bạo hành trẻ em, bạo lực gia đình, các vụ án "kinh hoàng" chẳng thể ngờ đến được lại xảy ra.
"Thương cho roi cho vọt" giờ đây như một lời bao biện cho những hành vi sai trái của người lớn, như một lời chối bỏ cho tất cả những sự độc ác mà người lớn, người cha người mẹ hành xử với con mình. Những ngày qua, lần lượt những câu chuyện về bạo hành trẻ em được phơi bày, nó cũng là lúc những người đã lớn, chưa lớn cần nhìn lại giá trị của gia đình, trẻ con là thế hệ chỉ đơn thuần "biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan".
Gia đình là nơi để nương tựa vào khi yếu lòng, gia đình là nơi để được lắng nghe và chia sẻ, đó là nơi có tình thân và sự yêu thương. Đừng biến gia đình trở thành nơi đáng sợ trong tâm hồn của mỗi đứa trẻ. Đòn roi sẽ mãi là những vết thương lòng khó xóa bỏ, phai mờ trong kí ức của trẻ em. Trẻ con khác với người lớn, chúng nhỏ bé và yếu ớt hơn nhiều. Chúng chỉ có thể răm rắp nghe theo, chỉ có thể lặng im chịu đựng chứ không thể phản kháng. Im lặng và phải chịu đựng những cảnh đòn roi, mắng nhiếc, sống bất an, lo sợ,...
Người lớn cũng thường bảo "thương cho roi cho vọt", có thương thì mới đánh mắng để dạy dỗ, uốn nắn. Nhưng liệu rằng điều đó có giúp những đứa trẻ lớn khôn, trưởng thành hay dần dà là khoảng cách, nỗi sợ hãi. Bức tường của sự dè chừng ngày càng trở nên lớn hơn trong tâm thức của những đứa trẻ. Vết xẹo bên ngoài có thể mờ dần, thẩm mỹ để "quên đi" nhưng sự ám ảnh, tổn thương trong tận đáy lòng thì sẽ theo mỗi đứa trẻ đến hết cuộc đời.
Những ngày gần đây, câu chuyện bằng tranh của hoạ sĩ Nguyễn Đạo Nhất Đan và CMC Parenting Hub như truyền tải thông điệp đừng mãi "thương cho roi cho vọt" với con trẻ, đã đến lúc tất cả chúng ta cần thay đổi.
Câu chuyện kể về một cô bé Tiểu học luôn sống trong nỗi sợ hãi vì những việc được mặc định là sai. Là những lần bị ba đánh với những chuyện nhỏ nhặt mà bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể gặp như vì điểm kém, vì làm vỡ chậu cây,chơi đùa làm hỏng đồ... Và đến khi bị điểm kém tiếp theo, cô bé đứng trước quyết định làm chuyện dại dột, cô bạn nhỏ có ý định tự tử. Rất may người ba đã nhận ra những khác thường, nhìn thấy con mình qua livestream, kịp mang con gái trở về và nhận ra sai lầm trong cách dạy con của mình.
Cô bé trong tranh của tác giả Nhất Đan may mắn có được cái kết có hậu, nhưng liệu rằng tất cả trẻ em đều được như thế? Có bao đứa trẻ được đưa vòng tay cứu giúp, được đứng lên đấu tranh và được bảo vệ?...Những câu hỏi, những trường hợp rất ít ỏi, và nhiều câu hỏi lớn vẫn được đặt ra, liệu đòn roi, bạo lực có thật sự dạy con trẻ lớn khôn.
Bộ tranh cùng câu chuyện nhỏ mà tác giả thể hiện, như một lời cảnh tỉnh đến tất cả mọi người. người lớn cần nhìn nhận lại vấn đề, thay đổi bản thân để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra. Trong một giây phút trẻ con hành động dại dột, nếu cha mẹ ở bên cạnh, tâm sự với con cái đúng lúc chắc chắn sẽ khác. Dạy con lớn khôn có rất nhiều cách, đừng mãi dạy con bằng đòn roi, chưa thấy con lớn đã thấy mất con trong phút chốc.
Nguồn: TH&PL