Việc những cô gái ngày nay chạy theo đồng tiền một cách mù quáng đến từ thực tế phũ phàng của cuộc sống hay sự thực dụng trong tư duy?
Những ồn ào tình ái "anh em nương tựa" vẫn đang là chủ đề nhận được sự quan tâm từ dư luận, có vô số những bằng chứng lần lượt đưa ra như chứng minh mối quan hệ bất chính của cô ca sĩ Gen Z.
Thứ mà dư luận nhìn nhận không đơn giản là có liên quan đến người thứ ba trong câu chuyện, mà là việc một cô gái trẻ ở tuổi đôi mươi đang hướng bản thân đến những giá trị vật chất một cách mù quáng, bất chấp mọi thứ.
Trước những tranh cãi về việc các cô gái chạy theo giá trị đồng tiền, nhiều ý kiến cho rằng đó đến từ thực tế cuộc sống bởi thời nay chẳng ai có thể sống theo cách "một túp lều tranh hai quả tìm vàng". Trong khi nhiều người nhận định đó là sự thực dụng, vì nếu muốn trở nên giàu có, nhiều tiền bạc và nhà cửa thì nên dựa vào công sức, sự nỗ lực của chính bản thân mình.
Nội dung liên quan
Người thứ ba – chạy theo "túi tiền" người đàn ông
Nếu trước kia người thứ ba chỉ là những cá nhân vì cảm xúc bản thân mà chen chân vào hạnh phúc gia đình người khác. Thì ngày nay nhiều cô gái vì đồng tiền của một người đàn ông mà không ngần ngại đặt tên cho một mối quan hệ bất chính, mặc dù biết người đó đã có gia đình riêng.
Thứ họ mong muốn có được không phải một tình yêu trọn vẹn, mà là khối tài sản anh ta sẽ chi cho bản thân mình là bao nhiêu. Không cần đến một danh phận rõ ràng, chỉ cần là những khoản tiền nhất định, các món đồ hiệu đắt đỏ, vài chuyến du lịch sang chảnh… cũng là đủ cho một mối quan hệ lén lút.
Người thứ ba dù sai nhưng họ vẫn có những lý lẽ của riêng mình, nhưng chúng phải đến từ cảm xúc chân thành dành cho nhau và đặt đúng hoàn cảnh, đối tượng. Với việc nhận thức được hành động sai trái của bản thân, cùng với mục đích về vật chất và xem nhẹ giá trị hạnh phúc gia đình người khác thì rất đáng để lên án.
Có thể với một số cô gái, tình cảm là một điều gì đó không quá cần thiết, nhưng với nhiều người đó là cả một quá trình vun đắp và xây dựng, mà không phải cứ bỏ một số tiền lớn ra thì có thể mua bán hay trao đổi được.
Áp lực đồng tiền khiến giá trị nhiều người dần "xuống cấp"
Tiền bạc có một ma lực rất ghê gớm tác động đến mỗi người. Ta có thể không hạnh phúc khi có nhiều tiền nhưng chắc chắn sẽ không thể sống nếu thiếu tiền. Chúng được hiểu như một nhu cầu cần thiết của mỗi cá nhân trong xã hội, nên việc có những mục tiêu xa hơn liên quan đến giá trị này chẳng bao giờ là sai, ngược lại còn vô cùng chính đáng.
Tuy nhiên, điều đáng sợ chính là nó có đủ sức mạnh để làm thay đổi con người, ai cũng có những lòng tham nhất định khi đã "được voi đòi tiền". Chính lẽ đó, mà nhiều người bất chấp hết thảy mọi giá trị, không từ thủ đoạn, thậm chí khiến ai đó phải đau khổ để đạt được những mục đích về danh vọng, tiền bạc của bản thân.
Đôi khi ngay cả những giá trị về mặt danh dự, nhân phẩm mà nhiều người còn không biết trân trọng, nói cách khác là họ đang "bán rẻ" để đổi lấy những đồng tiền không mấy trong sạch. Tất cả đều đang cho thấy ta đang sống trong một thời đại mà đồng tiền mới là thứ quyết định tất cả.
Không còn là câu chuyện "chân dài đại gia", ở đó còn là sự biến tướng của những trào lưu trái ngược với văn hóa như: quay clip nóng để kinh doanh, phô trương cơ thể… hay thực tế hơn là người thứ ba chen chân vào hạnh phúc của người khác. Vì đồng tiền, họ có thể đánh đổi nhân cách, kể cả là dẫm đạp lên nhau vì lợi ích cá nhân.
Không còn là tình yêu, ở đó là sự tính toán ai nhiều tiền hơn ai
Sugar Daddy, anh trai mưa, anh họ nương tựa… đều có thể là những mối quan hệ bất chính và không lành mạnh với mục đích cuối cùng là đôi bên cùng có lợi. Kẻ có được những cảm xúc thăng hoa trong tình yêu đôi lứa, người thì nhận được một khoản tiền cao chót vót mà chẳng phải bỏ quá nhiều công sức để có được.
Rất nhiều cô gái cũng dần xem nhẹ những thứ thuộc về cảm xúc, tất cả đều nhường chỗ cho một mối quan hệ bao nuôi – nơi mà họ chẳng cần phải nỗ lực vẫn có được một cuộc sống sung túc mà nhiều người mơ ước. Cũng chẳng còn là sự lựa chọn của con tim, mà mọi thứ là sự tính toán về mức độ giàu có mà đối tượng mình sẽ nương tựa.
Có thể bản thân họ vẫn đủ lý trí để đặt ra giới hạn về giá trị cho bản thân, nhưng trước các khoản tiền lớn, có khi cả đời họ vẫn chưa thể có được thì rõ ràng rất khó để giữ vững quan điểm. Và cứ thế hàng loạt những câu chuyện lùm xùm về tình ái cũng phát triển từ đây, mà nguyên nhân sâu xa đến từ tư duy "không làm mà vẫn muốn có ăn" của nhiều người.
Thừa nhận rằng, đó là sự lựa chọn trong cuộc sống mỗi người và chúng ta cần tiền để tồn tại nhưng đó hoàn toàn không phải việc ta biến bản thân trở thành một kẻ thực dụng. Cuộc sống là thực tế phũ phàng, cần mỗi cô gái nhìn nhận để không ngừng phấn đấu, thay vì cứ nhìn vào túi tiền của ai đó mà bất chấp mọi thứ để nương tựa.
Nguồn: TH&PL