Bạn cùng phòng luôn là câu chuyện gây tranh cãi muôn thuở, một là cuộc đời sẽ “nở hoa”, hai là cuộc sống bế tắc.
Cuộc đời sinh viên sẽ rất khó để tránh khỏi những rắc rối đối với bạn cùng phòng. Họ là những người hoàn toàn xa lạ và đến từ nhiều nơi khác nhau nhưng cùng chung sống một phòng trọ hay ký túc xá. Nếu "trộm vía" gặp được những người bạn hiểu chuyện và lịch sự, cuộc sống xa nhà sẽ bớt đi những khó khăn, song ngược lại cũng có thể khiến ta phải "đau đầu".
Nội dung liên quan
Những tranh cãi có thể được sinh ra từ cuộc sống chung, nhưng cũng có người lựa chọn âm thầm chịu đựng để sống qua ngày. Đằng sau cuộc sống tại ký túc xá mà nhiều người vẫn luôn mong đợi, chính là những sự thật không phải ai cũng có thể hiểu được, đặc biệt với những câu chuyện tế nhị và những người bạn không phép tắc.
*Bài viết tường thuật trải nghiệm của T.L. (sinh viên năm 2, trường ĐH KHXH & NV) về một người bạn cùng phòng… chỉ biết "lắc đầu"!
"Sau thời gian trở lại học trực tiếp do ảnh hưởng của dịch bệnh, mình buộc phải chuyển đi vì người bạn cùng phòng đồi trụy và không tôn trọng. Mình cảm thấy may mắn khi rời khỏi căn phòng đó, bản thân là một người hướng nội, ít quan tâm hay chia sẻ gì về cuộc sống người khác, nên trước những khó chịu trong lòng mình thường giữ chúng cho riêng bản thân và tìm cách tự giải quyết.
Tuy nhiên, khoảng thời gian đó mình rất khó chịu vì thái độ và cách sống của bạn cùng phòng. Đồng ý mỗi người có một cách sống khác nhau và ta nên chấp nhận chúng để dung hòa. Nhưng thử hỏi, việc xem phim 'người lớn' trong phòng và bật loa lớn thì ai có thể chịu được.
Vấn đề nhu cầu mình chẳng nói, nhưng rõ ràng đây là không gian riêng. Bình thường xem phim, chơi game ồn đã rất phiền phức. Đằng này là những thước phim người lớn với những âm thanh với mình là vô cùng nhạy cảm.
Mình còn nhớ có lần, bạn ấy còn nói chuyện điện thoại với ai đó và kể về những câu chuyện người lớn, đúng là độ tuổi này thì nhìn nhận điều đó bình thường. Nhưng cách nói chuyện lại với những từ ngữ không có sự tôn trọng bạn cùng phòng khác, thậm chí là vô cùng tục tiểu và vô văn hóa.
Một lần khác, trong lúc họp thông qua Google Meet với nhóm bạn, mình đã phải ngượng đỏ cả mặt vì âm thanh lọt vào nhóm là âm thanh, hơi thở vô cùng phản cảm mà người bạn cùng phòng xem. Dù nhanh chóng tắt tiếng đi, nhưng lần đó khiến mình khá ngại ngùng.
Những người xung quanh đã nhiều lần nhắc nhở bạn nên hạn chế những âm thanh 'lạ', dành không gian cho mọi người xung quanh và biết đặt giới hạn cho những hoạt động sống cá nhân vì đây là môi trường tập thể. Tuy nhiên, thứ chúng mình nhận lại là thái độ dửng dưng và phó mặc cho những góp ý từ người xung quanh.
Mình hiểu mỗi người có một cách sống khác nhau, nhưng với một môi trường tập thể thì hãy dành cho nhau những sự tôn trọng nhất định. Phòng ký túc xá không dành cho bất kỳ cá nhân nào, chúng là không gian chung nên đừng có thái độ 'chiếm dụng' một cách tiêu cực".
Đây cũng chỉ là một trong số rất ít những câu chuyện về bạn cùng phòng, trên thực tế những drama trong cuộc sống chung đôi khi còn nhiều và đáng sợ hơn thế nữa. Chính vì vậy, một khi chấp nhận cuộc sống chung với người khác, hãy chuẩn bị trước những rủi ro có thể xảy đến. Song cũng nên dành cho nhau những sự tôn trọng nhất định trước khi nhận sự tôn trọng đến từ người khác.
Nguồn: TH&PL