Gen Z kể về bạn cùng phòng KTX: Đồ cả tháng không giặt, chơi 'đâm sau lưng'

Nhưng những người bạn cùng phòng chính là một phần tạo nên thanh xuân có chút ngắn ngủi ấy vậy nên hãy chủ động để có những người bạn tốt và dứt khoát với những mối quan hệ "độc hại".

Ký túc xá – một môi trường học tập và sinh hoạt "đặc trưng" khi nhắc đến sinh viên và 4 năm đại học. Những người bạn cùng phòng là một phần thanh xuân đặc biệt, có người muốn nhớ cũng có người chỉ muốn quên đi vì có bạn may mắn gặp gỡ được với những mảnh ghép "hết nước chấm", có bạn lại không may va phải những mối quan hệ "đổ vỏ".

Bạn cùng phòng, cũng chỉ là bạn cùng phòng!

Tất nhiên là sẽ có người này người kia với đủ kiểu thể loại tính cách và thói quen nếu xác định ở trong môi trường tập thể thì ít nhất bạn cũng sẽ được trải qua một vài lần. Bạn cùng phòng chỉ là bạn cùng phòng mà thôi, trước khi hiểu rõ đối phương là ai thì nên chầm chậm cân nhắc trước khi tiến đến những mối quan hệ khăng khít hơn.

Xã hội ngày càng xô bồ này, nên cẩn thận trước khi tin tưởng ai vì bạn chẳng thể ngờ người ta có thể "đâm sau lưng" bạn bất cứ lúc nào hoặc ít nhất thì cũng sẽ đánh tan những "màu hồng" mà bạn suy nghĩ bấy lâu nay về những người bạn cùng phòng thân thiện.

gen z ke ve ban cung phong ktx do ca thang khong giat choi dam sau lung - anh 0
Những người bạn cùng phòng không tôn trọng không gian chung (Nguồn ảnh: The New Yorker)

Thanh Thủy (sinh viên năm 2, ĐH Giao thông vận tải Hà Nội) chia sẻ rằng đúng là có nhiều thứ khi sống chung ở tập thể mới ngộ ra: "Gần 20 năm rồi mình mới biết thế giới có nhiều loại người thật sự, hồi năm nhất từ quê lên Hà Nội học đại học, mỗi đứa mỗi quê, 6 đứa ở chung một phòng.

Mình ở quê nhà cửa sạch sẽ, áo quần tươm tất, thơm tho quen rồi, lên đến đây có đứa ở bẩn cả tháng không giặt quần áo, những đôi vớ hôi rình bừa bãi khắp nơi, có đứa mời bạn qua phòng quậy cả đêm không cho ai ngủ, không gian riêng tư không có, không gian chung cũng bị quấy rầy, một mớ hỗn độn và thực sự thành phố lớn chẳng màu hồng như mình hồi ở quê vẫn nghĩ".

gen z ke ve ban cung phong ktx do ca thang khong giat choi dam sau lung - anh 0
Những người bạn cùng phòng không có ý thức giữ gìn vệ sinh chung (Nguồn ảnh: The New Yorker)

Những cô cậu sinh viên tuổi mười tám đôi mươi đủ lớn để có cho mình không ít những mối quan hệ riêng và chung. Thực sự để kiếm một người bạn thân ở môi trường này và thời điểm này khá khó khăn khi những "drama" bạn thân đi nói xấu nhau không hiếm để thấy.

Điều bất di bất dịch không nên làm khi sống tập thể mà nhiều người "phạm phải" là đừng nói xấu bạn cùng phòng với một bạn cùng phòng khác. Bạn nói càng nhiều người ta sẽ càng thấy nhân phẩm của bạn chẳng ra gì. Một khi những lời bạn nói bị truyền ra ngoài, bạn sẽ trở thành đối tượng bị mọi người trong phòng công kích.

"Thực sự thì mình đã thực sự sốc khi hay tin nhỏ em cùng phòng trông hiền lành, nhân hậu như thế lại có thể đi nói xấu các chị sau lưng một cách quá đáng đến vậy. Trong khi chuyện chẳng có gì thì nó lại thêu dệt lên như một bộ phim kinh dị vậy. Kết quả chắc các bạn cũng đoán ra, sai thì phải nhận lỗi, tụi mình đã tha thứ nhưng không cách nào đối xử lại bình thường với em nó được, một thời gian thì em nó chắc cô đơn vì bị cô lập nên chuyển ra trọ cùng bạn khác" – chia sẻ của Thu Thảo, sinh viên năm hai.

gen z ke ve ban cung phong ktx do ca thang khong giat choi dam sau lung - anh 0
Cuộc sống sinh viên cũng nhiều "drama" (Nguồn ảnh: Columbia Daily Spectator)

Học thầy không tày học bạn

Học đại học 4 năm thì cũng phải đến 3 năm ở ký túc xá nếu không muốn ở trọ hay nhà người thân, với nhiều người đó mãi là những kỷ niệm vui vẻ trong trẻo nhất trong cuộc đời. 

"Đến bây giờ vẫn còn giữ liên lạc với mọi người. Mình học ở Hà Nội, ở ký túc xá 4 năm, gần như năm nào cũng thay đổi người ở cùng. May mắn mình đều được ở cùng những người bạn tốt. Biết nhịn biết nhường biết thương biết thay đổi để hoà hợp nhau hơn. Năm nào cũng có rất nhiều kỉ niệm vui vẻ, nhưng 2 năm cuối là đặc biệt nhất, được ở cùng những người mà mình có thể sống chân thật nhất con người của mình.

Một ngôi nhà lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười, tiếng nhạc, tiếng hát, tiếng yêu thương. 4 năm đại học mình đánh mất nhiều thứ, mình bỏ lỡ nhiều điều nhưng những người bạn trong ngôi nhà đó là điều duy nhất ở Hà Nội mình không muốn đánh mất, dù bất cứ giá nào. Gửi đến 301C, mấy người mà đọc được vài dòng này cũng đừng nghĩ là mấy người tuyệt vời lắm nha, chỉ là trong mắt tôi, nơi nào có mọi người nơi đó là nhà thôi" – đôi lời chia sẻ của bạn Bích Phương, một nhân viên văn phòng.

gen z ke ve ban cung phong ktx do ca thang khong giat choi dam sau lung - anh 0
Những người bạn cùng phòng "đáng đồng tiền bát gạo" (Nguồn ảnh: The Daily Cal)

Những người bạn cùng phòng cũng dạy chúng ta nhiều thứ: Ở nhà thì tùy ý, sống chung với nhau thì phải chú ý trước sau, tôn trọng và lắng nghe mọi người, đôi khi là nghiêm túc và kỷ luật hơn trong nếp sống sinh hoạt hằng ngày,…

Sống trong tập thể, cái tôi không thể quá lớn, chúng ta thay đổi những gì riêng tư và cá nhân một chút để sống hòa hợp với nhau hơn. 4 năm đại học, không ngắn cũng không dài, chớp mắt một cái là thoáng qua ngay. Nhưng những người bạn cùng phòng chính là một phần tạo nên thanh xuân có chút ngắn ngủi ấy vậy nên hãy chủ động để có những người bạn tốt và dứt khoát với những mối quan hệ "độc hại".

Những người bạn cùng phòng ở kí túc xá quan trọng đến mức nào?

"Ngày về" Kí túc xá: Sinh viên "bận rộn" với nhiều chuyện dở khóc dở cười

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ