Tìm hiểu về lịch sử, ý nghĩa Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, hay còn gọi là Ngày Nhà báo Việt Nam 21/6 hàng năm là ngày dành riêng để kỉ niệm, tôn vinh, tri ân các nhà báo đã cống hiến trí tuệ và công sức để mang lại cho độc giả những bài báo hay, những tin tức mới nhất.

Lịch sử Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Những năm đầu thế kỷ 20, người Việt Nam xuất bản hàng loạt tờ báo thuộc nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau. Lúc này, nhiều nhà văn, nhà báo, nhà trí thức không thể tập hợp vào chung một tổ chức thống nhất.

Đến ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra tờ báo "Thanh niên" và cho ra mắt số đầu tiên. Đây là sự kiện đánh dấu việc hình thành dòng báo chí cách mạng Việt Nam. Cũng từ đó, Báo chí Việt Nam đã giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam. Đồng thời chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam là vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

tim hieu ve lich su y nghia ngay bao chi cach mang viet nam - anh 0
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Người sáng lập ra Báo Thanh niên ra số đầu tiên

Tháng 2/1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra quyết định số 52 ngày 5/2/1985 lấy ngày ra số đầu tiên của báo Thanh Niên làm ngày Báo chí Việt Nam (21/6/1925) nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí.

Ngày 21/6/1985, lần đầu tiên giới báo chí cả nước tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam và kỷ niệm 60 năm Báo Thanh Niên xuất bản số đầu tiên. Ðây là ngày lễ không chỉ của riêng giới báo chí mà là ngày lễ của nhân dân cả nước, vì báo chí là sự nghiệp của toàn dân.

Và đến ngày 21/6/2000, nhân kỉ niệm 75 năm Ngày báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Ý nghĩa Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Với nhiều người, ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 có ý nghĩa quan trọng và to lớn. Nhìn lại tiến trình phát triển của nền báo chí nước nhà, có thể thấy nền báo chí vẫn đang phát triển khá nhanh cả về chất lượng lẫn số lượng.

Theo Chỉ thị số 08 CT/TW ngày 31-3-1992 của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về tăng cường năng lực lãnh đạo và quản lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác báo chí, xuất bản, Đảng ta đã khẳng định: "Báo chí vừa là tiếng nói của Đảng, của nhà nước, của đoàn thể, vừa là diễn đàn của nhân dân".

Người làm báo phải luôn giữ "Mắt sáng - lòng trong - bút sắt" để phản ánh chân thực nhất đời sống, mang đến những thông tin chính xác, đa chiều tới độc giả - xã hội.

tim hieu ve lich su y nghia ngay bao chi cach mang viet nam - anh 0

Báo chí đã đi sâu vào thực tiễn đời sống, phát hiện, giới thiệu, cổ vũ các mô hình kinh tế mới, cách làm ăn mới, nêu gương người tốt việc tốt. Báo chí cũng đã thể hiện rõ quan điểm bảo vệ và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, tuyên truyền cổ vũ toàn dân phát huy có chọn lọc nền văn hóa tiên tiến của các nước trên thế giới, góp phần nâng cao dân trí, ngăn chặn văn hóa xấu len lỏi vào Việt Nam.

Ngày 21/6 cũng là dịp để những người làm báo nhớ về lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng và tác động to lớn của báo chí, Người coi "Văn hóa là một mặt trận", "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ". Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng, phẩm chất đạo đức, năng lực của người làm báo là yêu cầu không thể thiếu để báo chí xứng đáng với vai trò vị trí quan trọng trong công cuộc cách mạng chung của đất nước.

Đồng thời, đây cũng là dịp để toàn thể nhân dân tôn vinh, tri ân những nhà báo đã đóng góp tâm sức vì một nền báo chí nước nhà vững mạnh, đưa đến độc giả những bài báo phản ánh chân thực các vấn đề đời sống, văn hóa, xã hội, những câu chuyện truyền cảm hứng và những tấm gương đáng tôn vinh.

Vi quyển - một làn gió "ĐỘC" cho giới sưu tầm sách trên thế giới

Don't Believe Everything You Think - Sách bán chạy nhất Amazon

Bộ GD&ĐT yêu cầu không viết, vẽ vào sách giáo khoa

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ