Ông Tạ Quang Chiến, người cận vệ cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã qua đời hôm 11/6, hưởng thọ 98 tuổi.
Ông Tạ Quang Chiến tên khai sinh là Nguyễn Hữu Văn, sinh năm 1925 ở Thanh Hóa, quê gốc ở Hải Dương. Năm 10 tuổi, ông theo gia đình ra Hà Nội.
Sớm giác ngộ cách mạng, ông tình nguyện tham gia tổ chức Thanh niên Cứu quốc, trước khi được tuyển vào Đội Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu.
Nội dung liên quan
Năm 1945, ông được nhà cách mạng Nguyễn Lương Bằng tuyển chọn vào tổ thư ký giúp việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với các ông Võ Chương, Vũ Long Chuẩn, Nguyễn Văn Lý, Văn Lâm, Ngọc Hà, Nguyễn Quang Chí và Trần Đình. Ông được bố trí bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm các vị nhân sĩ, trí thức Hà Nội, bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh dự kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I và những chuyến đi kinh lý các tỉnh như: Thái Bình, Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình…
Đến năm 1947, sau ngày Toàn quốc kháng chiến, các cơ quan Trung ương Đảng rút lên Việt Bắc. Khi đến xã Cổ Tiết (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ), tổ bảo vệ gồm 8 người được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lại tên thành khẩu hiệu: "Trường Kỳ Kháng Chiến Nhất Định Thắng Lợi". Người cận vệ Nguyễn Hữu Văn được đổi tên thành Tạ Quang Chiến từ thời điểm này.
Đặt xong, Bác lại hỏi: "Các chú có biết tại sao Bác lại đặt tên cho các chú như vậy không?" Rồi Bác tiếp tục giải thích: "Nhiệm vụ của Bác cháu ta hiện tại vừa là trước mắt, vừa là lâu dài cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đưa cuộc kháng chiến này đi đến thắng lợi. Vì vậy, đặt lại tên cho các chú để các chú trở thành khẩu hiệu sống bên Bác, nhắc nhở mọi người hằng ngày phải hoàn thành nhiệm vụ của mình".
Sinh thời, ông Tạ Quang Chiến thường nói: "Được Bác Hồ đặt lại tên là một kỷ niệm không thể nào quên và đó là niềm hạnh phúc lớn khi tôi được Bác khai sinh ra lần thứ hai".
Suốt 12 năm, ông Tạ Quang Chiến cùng 7 thành viên khác của đội cận vệ hết lòng phục vụ và bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau khi vinh dự bảo vệ và phục vụ Bác Hồ, năm 1957, ông Tạ Quang Chiến được cử đi học chương trình lý luận cao cấp tại Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương và sau đó đi nghiên cứu sinh về khoa học xã hội tại Trường Đảng cao cấp ở Liên Xô.
Về nước, ông được cử giữ nhiều chức vụ quan trọng như Vụ trưởng vụ Nghiên cứu Lịch sử Đảng, Bí thư Trung ương đoàn thanh niên, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao (giai đoạn 1981 - 1992). Ông cũng là Đại biểu Quốc hội khóa VII (1981 - 1987).
Nguồn: TH&PL