Tiến sĩ, nguyên giảng viên Đại học: "Các ông bố, bà mẹ hãy tỉnh ngộ đi"

Trước thực trạng học sinh áp lực vì trượt Đại học năm nay, Tiến sĩ Phí Hồng Minh đã có những chia sẻ và lời khuyên gửi đến các bạn học sinh.

Những ngày qua, khắp trên các trang mạng xã hội ngập tràn những dòng tâm sự đau buồn từ kết quả "trượt Đại học" của các bạn thí sinh trên khắp cả nước. Điểm chuẩn tăng vọt, chỉ tiêu tuyển sinh thì eo hẹp so với số lượng nguyện vọng khổng lồ, chưa bao giờ người ta chứng kiến một "cơn mưa" rớt Đại học đau lòng đến thế!

đã liên hệ với Tiến sĩ Phí Hồng Minh - Nguyên Giảng viên khoa Kinh tế và Phát triển Nông thôn - Đại Học Nông Lâm Thái Nguyên để trao đổi về vấn đề trượt Đại học năm nay. Được biết, cô đã có đến 20 năm kinh nghiệm giảng dạy Đại học, năm 2010 cô đi học Tiến sĩ Quản trị Kinh Doanh ở Đại học Southern Luzon, Philippines. Đến 2018 cô nghỉ dạy Đại học và chuyển hướng sang công việc kinh doanh. 

tien si nguyen giang vien dai hoc cac ong bo ba me hay tinh ngo di - anh 0
Tiến sĩ Phí Hồng Minh với 20 năm giảng dạy tại Đại học

Từng là một giảng viên đại học và cũng là một phụ huynh có con thi Đại học năm nay, Tiến sĩ Phí Hồng Minh đã có những chia sẻ vô cùng thiết thực về tầm quan trọng của học Đại học, cũng như vai trò của bố mẹ trong chuyện học tập của con cái như thế nào. 

18 tuổi trở đi, đừng để bản thân phải trượt dài theo những kỳ vọng của người lớn

Thưa cô, dưới góc nhìn của một giảng viên Đại học 20 năm, cô nghĩ sao về tầm quan trọng của việc học Đại học thời buổi hiện nay?

Với góc nhìn là một giảng viên 20 năm tại Đại học, tôi thấy rất nhiều những bạn sinh viên của tôi, thậm chí là những bạn sinh viên xuất sắc trong quá trình học Đại học nhưng ra trường đa số không làm công việc mà mình đã học. Hầu như là các bạn đi làm những công việc khác thậm chí là quay trở lại làm công nhân thế thì nó lại lãng phí hết 4 năm học Đại học. Mặc dù các bạn ấy cũng tốt nghiệp loại xuất sắc.

Tôi thấy rằng Việt Nam mình đã quá kỳ vọng vào vấn đề học Đại học, thế nhưng ít ai nhận ra được chuyện học Đại học thì có giúp được gì được cho những mục tiêu trong cuộc sống của mình? Nếu nói không nên học đại học thì cũng không đúng, mà nói là bắt buộc học Đại học thì cũng không đúng. Thế nên vấn đề ở đây cần phải bắt đầu từ mục tiêu của các bạn: "Muốn như thế nào?".

tien si nguyen giang vien dai hoc cac ong bo ba me hay tinh ngo di - anh 0
Cô Phí Minh Hồng - Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh - từng giảng dạy tại Đại học Nông lâm Thái Nguyên chuyên ngành Marketing

Nếu như học Đại học xong lại chẳng làm công việc mình đã được học thì theo cô cái lợi của việc học Đại học ở đây là gì ạ?

Đúng là trên thế giới cũng có rất nhiều người thành công và giàu có nhưng người ta cũng không nhất thiết phải tốt nghiệp đại học. Tôi cũng đã học và có một bằng tiến sĩ rồi thì tôi thấy rằng việc học vẫn là một nền tảng quan trọng. Rất nhiều sinh viên của tôi sau khi ra trường rất nhiều năm và quay lại nói với tôi rằng: "Cô ơi cô, em không lấy được một chút kiến thức gì từ Đại học để mà vận dụng vào công việc hằng ngày, nó hoàn toàn khác lạ".

Tôi có nói với các em rằng: "Việc học của các em không phí, nhưng nó như một cái móng nhà của các em vậy. Tức là khi em xây nó tốt bao nhiêu, vững vàng bao nhiêu thì em có thể xây được nhà cao tầng bấy nhiêu. Và cái nhà cao tầng đó nó sẽ giống như cuộc đời của em vậy, nó thành công như thế nào, nó bao nhiêu tầng và được tô vẽ như thế nào thì tất cả là do sự trải nghiệm, do sự hiểu biết xã hội và do sức chịu đựng để vượt qua khó khăn của các em".

Đối với một bạn đã tốt nghiệp Đại học, một bạn mới tốt nghiệp phổ thông và với một bạn chưa tốt nghiệp phổ thông thì khi ba bạn này tiếp cận cùng một vấn đề chắc chắn cái bạn đã tốt nghiệp đại học họ sẽ tiếp cận tốt hơn và nhanh hơn. Tuy nhiên để nói về độ thành công thì người ta sẽ không đánh giá qua việc bạn đã tốt nghiệp Đại học hay chưa tốt nghiệp Đại học.

tien si nguyen giang vien dai hoc cac ong bo ba me hay tinh ngo di - anh 0
Cô cho biết tại Việt Nam có không ít bạn trẻ ra trường và không làm công việc mà mình đã học

Với những bạn trượt Đại học năm nay, các bạn nên chọn "học đại" một trường nào đó hay thi lại theo nguyện vọng mình mong muốn nhưng cũng có nhiều rủi ro, thưa cô?

Điều đó rất là khó và phải tùy vào mục tiêu của từng bạn. Tại Việt Nam có rất nhiều bạn trẻ ra trường và không làm công việc mình học là phần lớn. Vì tôi đã dạy trường Đại học 20 năm và tôi hiểu rằng đôi khi các bạn ấy đi học cũng chỉ vì ba mẹ mình muốn thế và các bạn cũng không biết mình cần đi học để làm gì?

Vì thế lời khuyên của tôi vẫn là mỗi bạn cần phải vạch ra mục tiêu trong cuộc sống của mình là gì, để mình có được hướng đi cụ thể. Khi đã có hướng đi, các bạn mới bắt đầu chọn phương tiện để đi. Suy cho cùng việc học hay không học Đại học cũng chỉ là phương tiện thôi. Ví dụ bạn chọn một đích đến là Vũng Tàu, và nơi xuất phát là Thành phố Hồ Chí Minh, thì bạn cần phải biết đi về Vũng Tàu trong thời gian bao lâu? Thì khi đó mình mới lựa chọn được phương tiện để đi. Xác định được điểm đến mới là điều quan trọng chứ không phải việc bạn chọn phương tiện gì trước.

tien si nguyen giang vien dai hoc cac ong bo ba me hay tinh ngo di - anh 0

Nhưng phần lớn chúng ta lại lựa chọn phương tiện trước! Vấn đề này rất nhiều bạn trẻ mắc phải điều đó, đến khi ra trường rồi các bạn lại loay hoay trong cuộc sống của mình rất nhiều năm. Hầu như các bạn không có đích đến gì cho cuộc sống của mình cả mà cứ chọn hết phương tiện này đến phương tiện khác… và cứ như thế, như thế thì các bạn sẽ trượt hoài trong cuộc đời của mình. Không đạt được mục tiêu gì và không biết sống vì cái gì.

Bố mẹ không nên lấy chuyện con cái đỗ đại học làm niềm hãnh diện của mình nữa!

Là một phụ huynh có con thi Đại học năm nay, theo cô phụ huynh nên đóng vai trò gì trong quyết định đặt nguyện vọng của con cái ạ?

Vài bữa trước tôi có thấy tin về một bạn trẻ khi không đỗ Đại học và bạn ấy đã tự tử. Tôi đã rất xót xa trước sự việc đó. Các ông bố bà mẹ tại Việt Nam cần "tỉnh ngộ" và đừng bắt ép hay đặt quá nhiều kỳ vọng vào con mình về việc đỗ đại học. Bằng chính trải nghiệm trong cuộc sống của tôi, tôi nghĩ phụ huynh chỉ cần là một người tư vấn tốt nhất cho con mình thôi. 

tien si nguyen giang vien dai hoc cac ong bo ba me hay tinh ngo di - anh 0

Thật ra bọn trẻ đều như con của tôi, và điểm chung của tụi nó đều có những ước mơ rất ngây thơ dù đã 18 tuổi. Ví dụ như con của tôi, nói rằng nó thích học Luật, nhưng khi hỏi ra tại sao thích học Luật thì nó lại bảo rằng tại vì con thích biện luận cho người khác thắng kiện. Nghĩa là chúng có những ước mơ rất là trẻ con và cảm hứng bất tử.

Vậy mình phải làm gì để kìm hãm sự trẻ con trong những ước mơ ấy mà không phải là ép buộc con theo ý mình ạ?

Những lúc này, nếu là một người cha, người mẹ thì cần phải hiểu đích đến của con là gì để mình định hướng cho con một cách tốt nhất. Nhưng thực tế có không ít ông bố bà mẹ bắt con mình rằng: Hãy đi học đi, có tấm bằng, rồi về xin cho con một vị trí công chức nhà nước, vào đây ổn định này! Nhưng họ không hỏi lại rằng liệu con mình có muốn làm công việc đó không? Và rồi cuộc đời của các bạn ấy sẽ trôi qua khá là… tẻ nhạt và không có mục tiêu trong cuộc sống. 

Tôi là người không muốn áp lực từ chính bản thân mình, tôi luôn đặt mình vào trường hợp của con tôi là: "Nếu mình học áp lực thế thì mình có học được hay không? Mình có muốn như thế hay không?" thì bản thân tôi trả lời là không muốn. Nếu mình không muốn mà con mình cũng không muốn thì không nên áp lực với con. 

tien si nguyen giang vien dai hoc cac ong bo ba me hay tinh ngo di - anh 0

Nhắc đến chuyện có không ít bạn chọn tự tử vì trượt Đại học, cô nghĩ phần lớn lý do là gì ạ?

Chuyện bạn học sinh không đỗ Đại học và quyết định tự tử có thể là do bạn ấy kỳ vọng vào bản thân mình quá là cao. Những bạn này đã tự ép mình vào hai con đường: Một là phải đỗ đại học, hai là… chết!

Việc bị áp lực quá khiến chúng ta trở thành một người tiêu cực và khi các bạn ấy cảm thấy mình không đỗ đại học thì mọi cánh cửa đều đóng lại. 18 tuổi, các bạn vẫn còn bé lắm và ngây thơ khủng khiếp nên các bạn sẽ không có những cái gọi là bản lĩnh của một người trưởng thành. Việc các bạn nghĩ đến cái chết là điều đơn giản và bình thường thôi.

Rất nhiều bố mẹ đặt kỳ vọng vào con mình, chuyện tốt nghiệp và học đại học tại một ngôi trường danh giá sẽ làm bố mẹ tự hào,... Nhưng từ những cái rất là bình thường đó thôi thì đã vô tình gây những áp lực cực kỳ lớn cho bọn trẻ. Đến một lúc nào đó chúng cảm thấy rằng mình không còn là niềm tự hào của bố mẹ thì nó sẽ nghĩ đến cái chết thôi. Đó là điều tôi nhìn thấy từ các bạn trẻ. 

tien si nguyen giang vien dai hoc cac ong bo ba me hay tinh ngo di - anh 0

Càng bị gò bó, con cái càng tìm cách nói dối, khi đó bố mẹ cũng không kiểm soát được chúng nữa

Phụ huynh khi có con vào Đại học cần thay đổi cách quản lý và giáo dục con như thế nào so với thời trung học phổ thông ạ?

Vai trò của phụ huynh lúc này chỉ nên dừng lại ở việc định hướng cho con đừng đi vào những con đường sa ngã. Giống như con của tôi, khi đỗ đại học rồi thì bắt đầu đi chơi. Trước đó, bố của cháu cũng giám sát khá nhiều nhưng kể từ khi tốt nghiệp THPT thì cháu mới bảo rằng: "Bây giờ con phải được đi chơi vì con lớn rồi". Dù muốn dù không, khi con cái đến độ tuổi này thì bố mẹ dù muốn giữ cũng khó mà giữ vì con đã lớn rồi.

Nếu con muốn đi thì mình cho đi nhưng phải tâm tình với con rằng cái gì con cần, cái gì con nên. Chúng ta phải để cho con mình hiểu được rằng chúng nên như thế nào để biết cách kiềm chế mọi thứ trong cuộc sống của mình. Chứ trẻ con chẳng ai lại thích bị giám sát quá chặt. Đặc biệt khi con ở độ tuổi 18 trở lên là giai đoạn chúng bắt đầu muốn chứng minh mọi thứ, ví dụ như: "Tôi là một công dân rồi, tôi được quyền này quyền nọ rồi". Thế nhưng, khi phụ huynh quá gò bó con cái thì con cái sẽ tìm cách để nói dối mình, mà khi con đã nói dối thì bố mẹ không thể kiểm soát con được nữa. 

Vậy dưới góc nhìn của một giảng viên, cô đã từng chứng kiến những trường hợp "sa ngã" nào từ các bạn tân sinh viên ạ?

Phụ huynh có con em phải lên thành phố học đại học thì giai đoạn này chẳng có bố mẹ nào giám sát được con cái cả. Chắc chắn luôn! Rất nhiều những bạn trẻ khi tôi còn dạy ở trường Đại học - nơi có rất nhiều con ông cháu cha đi học. Đây là những ví dụ điển hình cho việc khi ở với gia đình chúng bị bao bọc quá nhiều và khi lên Đại học chúng bắt đầu được "sổ lồng". Đó là những bạn dễ bị sa ngã hơn rất nhiều so với những bạn trẻ bình thường đã nghịch ngợm từ thời cấp 3. 

tien si nguyen giang vien dai hoc cac ong bo ba me hay tinh ngo di - anh 0

Rất nhiều những đứa con ngoan và không biết gì gọi là va vấp cuộc đời thì đi vào đại học thậm chí còn tìm đến cái chết. Đó là những điều tôi chứng kiến trong gần 20 năm giảng dạy ở trường Đại học. Chính vì thế một người cha, người mẹ phải trở thành người tâm tình với con như một người bạn. Ví dụ con trai của tôi, yêu ai cũng tâm sự với tôi, có yêu hay không yêu cũng tâm sự với tôi, bị bạn gái phản bội thì cũng tâm sự với tôi. 

Như cô đã chia sẻ, 18 tuổi các bạn còn rất ngây thơ và dễ mắc sai lầm, vậy cô có mong muốn như thế nào để giúp các bạn thay đổi tư duy từ sớm ạ?

Con tôi cũng là khóa 2k3 thi Đại học năm nay, tôi có tham gia vào các group học sinh, sinh viên đôi khi cũng sẽ giúp các bạn có được chút tư duy gì đó để định hướng sớm cuộc sống của mình để tránh bị trượt dài theo một lối mòn cùng những suy nghĩ của người lớn. 

Thật ra các bạn trẻ ngày nay cần được hiểu những điều đó và tôi cũng có một mong ước trong tương lai là khi tôi đã có được sự thành công nhất định trong cuộc sống của tôi rồi thì tôi cũng sẽ đến tất cả các trường Đại học để gặp các bạn trẻ và trao đi tư duy của mình cho các bạn một cách "miễn phí". Vốn dĩ cuộc đời này cần sự trải nghiệm, các bạn phải va vấp trong cuộc sống thì các bạn mới biết cái gì đúng, cái gì sai. Đó là ước mơ của tôi, một vài năm nữa thôi tôi cũng sẽ thực hiện điều đó!

Cảm ơn những chia sẻ của cô ạ!

Bộ Giáo dục công bố giải pháp cho trường hợp điểm cao nhưng vẫn trượt Đại học

Có đến 61 thí sinh dù đạt 29,5 điểm vẫn không đỗ nguyện vọng nào

Không sao đâu, bạn có thể ôn thi lại và cho bản thân thêm một cơ hội nữa!

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ