Dạy online qua góc nhìn giảng viên: "Nếu xem học trò là kẻ thù, nên làm cai ngục chứ đừng chọn sư phạm"

Chọn sư phạm, hơn bất cứ nghề nào khác người thầy, người cô cần có sự bao dung và tiềm tĩnh trước những lỗi sai của học trò.

Những câu chuyện ồn ào về chuyện học online suốt mấy ngày qua khiến mọi thứ dường như đảo lộn về giá trị tôn sư trọng đạo và mối quan hệ thuần khiết giữa thầy - trò. Mọi thứ phơi bày trên khắp mạng xã hội về những đoạn clip drama, tiêu cực khiến những người ngoài cuộc chợt có cái nhìn không còn tốt đẹp về môi trường giáo dục. 

day online qua goc nhin giang vien neu xem hoc tro la ke thu nen lam cai nguc chu dung chon su pham - anh 0
Giáo dục online hoá đang có rất nhiều thách thức với giảng viên và sinh viên trong quá trình học. (Ảnh minh hoạ)

Mối quan hệ thầy cô, sinh viên và nhà trường cũng đã có những ranh giới, những mặt xấu đang trong hồi chuông báo động về việc dạy và học online. Giáo dục online hóa gây rất nhiều khó khăn cho thầy và trò, từ yếu tố khách quan đến chủ quan đã tác động nhiều vấn đề trong quá trình giảng dạy và học tập. 

Cùng trò chuyện với những giảng viên đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM để hiểu hơn về câu chuyện giảng dạy online trong mùa dịch.

Giảng viên và sinh viên cùng cho nhau thời gian để thích nghi, làm quen với giáo dục "online hóa"

Việc giảng dạy online là một bước chuyển mình đối với cả thầy và trò trong công tác giáo dục trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Từ nhu cầu quản lý, kiểm tra, thanh tra và giám sát trong việc dạy online, đây được xem là sự gắn kết giữa nhà trường, giảng viên và sinh viên. 

Giảng dạy online sẽ có nhiều yếu tố khác chi phối, gây ảnh hưởng đến việc giảng dạy như: không gian học, chất lượng thiết bị học của sinh viên, đường truyền Internet… Người làm thầy làm cô phải hiểu được nhu cầu của người học phải hiểu mình, phải dành cho nhau sự thấu hiểu và sẻ chia, cả thầy và trò đều gặp khó khăn trong việc thích nghi với chuyện dạy online cùng thực hiện mục tiêu của buổi học.

day online qua goc nhin giang vien neu xem hoc tro la ke thu nen lam cai nguc chu dung chon su pham - anh 0
Thạc sĩ Đoàn Khuyên - Phó Trưởng khoa Báo chí & Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn

Khi được hỏi về việc dạy online và thích nghi trong suốt quá trình giảng dạy trong hai năm dịch bệnh vừa qua, Thạc sĩ Đoàn Hữu Hoàng Khuyên - Phó Trưởng khoa Báo chí và Truyền thông - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, đã có những chia sẻ: 

"Cô đã có một khoảng thời gian dài để thích nghi với các nền tảng để giảng dạy và truyền đạt kiến thức đến các bạn sinh viên. Cô nghĩ việc quan trọng nhất trong dạy online là cho nhau thời gian để thích nghi. Khi làm quen được, việc triển khai lớp sẽ thuận lợi và sinh viên học cũng khá hiệu quả. 

Cô thấy khó khăn của giảng viên là phải soạn lại bài giảng vì nó tốn nhiều thời gian so với bài giảng trực tiếp. Phải sắp xếp, cắt khúc cho bài giảng thêm sinh động và linh hoạt, nó rất là hao chất xám và hao tốn thời gian, cô muốn giảng một bài giảng 1 buổi với sinh viên thì cô mất ít nhất 3 bữa trước đó để cô làm lại bài giảng.

day online qua goc nhin giang vien neu xem hoc tro la ke thu nen lam cai nguc chu dung chon su pham - anh 0
Việc dạy và học online đặt ra nhiều thử thách cho cả thầy và trò trong thời gian vừa qua

Giảng viên phải hình dung được hết các kịch bản, các câu hỏi, vấn đề có thể phát sinh để xây dựng trước bài tập trên lớp. Cô phải soạn sẵn bài, các bài trắc nghiệm, trò chơi, việc quản lý lớp và tạo không khí. Hình dung được tất tần tật mọi thứ sẽ diễn ra trong tiết học. Đến khi bật camera và micro lên thì đó phải là một tiết học truyền tải được thông tin đến sinh viên".

Khi giảng viên đã thích nghi được nền tảng, chuyện dạy không còn gặp nhiều khó khăn, vì học liệu đã có sẵn, kinh nghiệm, mọi thứ đã được giảng viên làm chủ. Cái khó đối với việc giảng dạy và học tập online rơi về phía sinh viên học online nhiều hơn.

"Trong tình thế bây giờ thì phải biết cựa quậy rồi phải dậy quẫy đạp. Học online sinh viên sẽ rơi vào thế  thụ động và mọi thứ nó cứ lướt qua như lướt ván. Khi học online, sinh viên sẽ gặp khó khăn nhiều hơn. Nhưng sinh viên gặp được giảng viên có kinh nghiệm và họ cũng lược được hết mọi thứ tình huống thì sẽ hỗ trợ cho sinh viên tốt hơn, tiết học sẽ được hiệu quả hơn".

day online qua goc nhin giang vien neu xem hoc tro la ke thu nen lam cai nguc chu dung chon su pham - anh 0
Học online qua các ứng dụng đang được nhiều trường đại học trên thế giới áp dụng vì tình hình Covid-19 (Hình ảnh mang tính chất minh hoạ)

Từ phía Thạc sĩ Trần Nam - Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho biết:

"Mọi người cũng lưu ý cần phải để cho giảng viên có một thời gian để họ làm quen. Khi bắt đầu bằng một phương thức mới tất cả mọi đối tượng, kể cả người học hay là giảng viên đều cần có thời gian để làm quen phương pháp đó. Giảng viên cần sự hợp tác, sự chia sẻ của sinh viên. Người dạy cũng nên tạo cho mình một đời sống tinh thần giải trí, nghỉ ngơi hợp lý để không ảnh hưởng đến quá trình giảng dạy".

Từ phía học trò, thầy Nam mong muốn các bạn sinh viên có sự chủ động hơn trong học tập việc đọc tài liệu trước, làm bài tập, nên có cho mình phương thức làm việc nhóm, thường xuyên kết nối với bạn bè, thầy cô.

Khi có kiến thức bị bỏ qua, vấn đề thắc mắc cần trao đổi với thầy cô và bạn bè, đặc biệt là sinh viên nên có một phương thức phản hồi phù hợp. Thầy và trò nên lắng nghe ý kiến của nhau nhiều hơn để giải quyết và đáp ứng những nhu cầu của đối phương.

day online qua goc nhin giang vien neu xem hoc tro la ke thu nen lam cai nguc chu dung chon su pham - anh 0
Thạc sĩ Trần Nam - Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM

"Đứng trên bục giảng giống như ca sĩ đứng trên sân khấu, giảng viên phải hoàn tất vai diễn của mình"

Những ngày gần đây liên tiếp những câu chuyện "bóc phốt" giảng viên trong quá trình giảng dạy đã xảy ra rất nhiều tranh cãi. Chúng ta không thể tránh khỏi những áp lực về tâm lý, sức khỏe tinh thần và cả lo toan trong cuộc sống hằng ngày, giảng viên và sinh viên cũng không là ngoại lệ. 

Giảng viên cũng là người bình thường, cũng rất áp lực, căng thẳng, có lúc nóng giận hoặc to tiếng răn đe là để uốn nắn học trò. Đó có thể là sự thật nhưng đáng tiếc không phải là lý do để biến hành động sai của giáo viên thành đúng. Học trò có thể sai và người thầy có quyền được phê bình cái sai đó, nhưng hơn hết là lựa chọn ứng xử. Học sinh, sinh viên sai nhưng giảng viên không vì thế mà có quyền được sai.

day online qua goc nhin giang vien neu xem hoc tro la ke thu nen lam cai nguc chu dung chon su pham - anh 0
Những sự cố đáng tiếc về học online đã trở thành đề tài "nóng" trên mạng xã hội (Hình ảnh mang tính chất minh hoạ)

Hơn bất cứ nghề nào khác, người làm thầy phải rất kiên nhẫn với học trò. Thầy cô không được dùng cái sai của học trò để bào chữa cho việc vi phạm chuẩn mực nghề giáo của mình. Với những sự việc đáng tiếc vừa qua Phó Trưởng khoa Báo chí cũng có những chia sẻ như sau:

"Công việc nào cũng có dễ cũng có khó. Cô coi đó là những khó khăn trong công việc và cô phải lượng định, cũng phải đi theo những nguyên tắc ứng xử chứ không thể vin vào cớ là 'tôi nóng quá, tôi bực quá, tôi cũng đang hoàn cảnh khó khăn' mà có quyền được mạt sát cá nhân, học trò.

Thầy cô cũng giống như ca sĩ lên sân khấu đó, khi bật máy tính, khi bước từ ngoài lớp vào lớp và đứng trên bục giảng thì giống ca sĩ đứng trên sân khấu, phải hoàn tất vai của mình, phải làm sao cho tròn trách nhiệm rồi  mới bước xuống được, sau đó bạn mới quay trở lại người thật". 

day online qua goc nhin giang vien neu xem hoc tro la ke thu nen lam cai nguc chu dung chon su pham - anh 0
Thầy cô cần hoàn thành tốt vai trò của mình, dù chỉ là qua màn hình máy tính (Hình ảnh mang tính chất minh hoạ)

Cũng theo Thạc sĩ Đoàn Khuyên, khi đứng trước lớp, ngồi trước camera, hay trên bục giảng thì lúc đó giảng viên đang thực hiện vai trò của người dạy. Với vai trò dẫn dắt, khai phóng thì người dạy phải bỏ qua cảm xúc cá nhân của mình, dìm cảm nhận của mình xuống, thật kiên nhẫn và có cái nhìn bao dung trước học trò. 

Giảng dạy offline hay giảng online, giảng viên phải xác định những điều mình nói vì trước mắt họ sẽ là hàng chục, hàng trăm người và  phải hiểu được là những lời nói, những điều mình chia sẻ truyền đạt đến người khác, sẽ được người khác tiếp nhận hoặc là người khác xử lý lại từ góc độ của họ. 

Đó là nguyên tắc sư phạm, nguyên tắc giao tiếp công cộng, ứng xử của giáo viên và trong tình huống nào cũng phải hết sức cân nhắc, đặc biệt là trong hoàn cảnh dạy online. Người dạy cần phải thận trọng hơn khi mình giảng bài, khi mình giao tiếp vì mình trả lời câu hỏi hay là xử lý các tình huống phát sinh. 

day online qua goc nhin giang vien neu xem hoc tro la ke thu nen lam cai nguc chu dung chon su pham - anh 0

Thạc sĩ Trần Nam - Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, đại diện phía ĐH KHXH&NV (Đại học Quốc Gia TP.HCM) cũng đã có những chia sẻ:

"Đó là những câu chuyện đáng tiếc trong giáo dục. Mỗi sự việc có những sắc thái và những nguyên nhân khác nhau. Thiết nghĩ, mọi người đều phải có sự chia sẻ cho nhau, mọi người đều có những khó khăn nhất định trong quá trình dạy và học trực tuyến.

Chúng ta cần phải có một phương thức phản hồi về điều mình cảm thấy băn khoăn, chưa phù hợp. Mỗi trường học đề có bộ phận tiếp nhận ý kiến phản hồi, góp ý, phản ảnh…nên chúng ta nên tận dụng các kênh thông tin này trước. Việc lên mạng chia sẻ tất thảy những bức xúc của mình tuy là quyền tự do nhưng đó không phải là cách tối ưu.

Việc chia sẻ cũng phải đến từ hai bên, giảng viên cũng phải tìm hiểu xem sinh viên của mình có gặp khó khăn gì không, người học cũng hiểu cho giảng viên rằng thầy cô phải dạy trực tuyến cả tuần, cả tháng cũng là một áp lực tập rất lớn, nó không giống như cách dạy truyền thống là sự tương tác, chia sẻ, truyền thông đầy đủ. Việc chia sẻ những điều tiêu cực trên mạng bỏ qua bước phản hồi đúng cách có thể tạo nên những năng lượng tiêu cực cho cộng đồng".

day online qua goc nhin giang vien neu xem hoc tro la ke thu nen lam cai nguc chu dung chon su pham - anh 0
Học online là cả một quá trình đòi hỏi sự thích nghi giữa thầy và trò

Khi giảng viên ứng xử sai là giảng viên sai, còn học trò sai là chuyện của học trò. Người thầy, người cô sẽ có cách ứng xử và giải quyết việc đó bằng sự mềm dẻo và nghiệp vụ sư phạm của mình. Thái độ sẽ là đều quyết định đến không khí lớp học và thái độ giữa thầy và trò, hơn hết là sự tôn trọng, sẻ chia cùng nhau. 

day online qua goc nhin giang vien neu xem hoc tro la ke thu nen lam cai nguc chu dung chon su pham - anh 0
Việc dạy và học online cần sự sẻ chia, thấu hiểu từ thầy và trò. (Ảnh minh hoạ)

"Mình coi người trẻ như kẻ thù, coi học trò mình là kẻ thù thì tụi nhỏ cũng sẽ nhận ra điều đó ngay. Mình xem học trò như vậy thì đã không chọn sư phạm, nếu như thế thì nên làm cảnh sát, công an hay cai ngục. Khi học trò sai, ứng xử chưa đúng thì thầy cô cố gắng quay trở lại với các nguyên tắc, nghiệp vụ mình cần bao dung, điềm tĩnh trước những vấn đề đó" - cô Đoàn Khuyên tâm sự.

Để tránh những sự cố không mong muốn thì cả thầy cô, cha mẹ và học trò nên có thái độ cởi mở, dành hết tâm sức và đừng tạo áp lực cho nhau, luôn đặt mình vào vị trí của nhau để không phải xảy ra những câu chuyện đáng tiếc trong hoàn cảnh bắt buộc dạy và học online.

Khó khăn trong việc học online, hãy cùng nhau cảm thông thay vì trách móc!

Giáo dục "online hóa" có đang làm đảo lộn giá trị "tôn sư trọng đạo"?

Video: Sinh viên tỏ thái độ hống hách, còn đòi "solo" với thầy giáo trong giờ học online

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ