Học online đã khổ, nhưng đừng tiếp tay để đảo lộn những giá trị tốt đẹp vốn có của truyền thống giáo dục.
Môi trường học đường vốn luôn được người ta xem trọng bởi đây là cái nôi giáo dục, chỉ truyền tải kiến thức và những lời hay ý đẹp cho những "mầm non" đất nước. Nhưng thời gian gần đây, môi trường học đường đã dần "online hóa" vì ảnh hưởng của dịch bệnh, từ đó, đầy rẫy những drama và "phốt" về giảng viên, học sinh, sinh viên tràn lan trên mạng xã hội từ những clip quay màn hình.
Người ta bắt đầu hoài nghi rằng: Liệu chuyện dạy và học online có đang làm đảo lộn trật tự của sự tôn sư và trọng đạo trong truyền thống dạy học từ trước đến nay?
Những "drama học đường" mọc lên như nấm… nhờ học online!
"Drama học đường", từ trước đến nay chỉ thường được nhắc đến trong những cuộc chiến và mâu thuẫn giữa học sinh, sinh viên với nhau về chuyện học tập, tình cảm hoặc những "chị đại", "cậu cả" lẫy lừng như trong những bộ phim học đường. Nhưng ngày nay, giữa thời buổi học sinh sinh viên phải "sống chung" với học online thì drama đã không còn gói gọn trong phạm vi đó nữa mà còn bao gồm cả thầy cô và nhà trường.
Trong clip lan truyền trên mạng mới đây, một sinh viên Cao đẳng FPT Polytechnic đã khiến cộng đồng mạng một phen "ngã ngửa" khi có lời lẽ, thái độ không hay, thậm chí văng tục, chửi bậy, thách giảng viên "lên phòng đào tạo solo" khi được hỏi lý do không thuộc bài. Trong khi đó, vị giảng viên vẫn có hành xử rất đúng mực, bình tĩnh và kiên nhẫn trò chuyện với bạn sinh viên này.
Hàng loạt những sự công kích được gửi đến bạn sinh viên này sau những lời lẽ xúc phạm, nặng nề quá mức so với với môi trường giáo dục. Được biết bạn sinh viên này đã khóa tài khoản Facebook ngay sau đó và gia đình cho biết sức khỏe và tâm lý của nam sinh đang bất ổn và được chăm sóc tại trạm y tế.
Hay như vài ngày trước, trên mạng xã hội cũng lan truyền một đoạn clip 4 phút gây tranh cãi của một giảng viên trường Đại học sư phạm Kỹ thuật trong giờ dạy online. Cụ thể, người thầy đã đuổi một bạn sinh viên ra khỏi lớp khi xin thầy giảng bài lại vì trời mưa to quá không nghe rõ. Chẳng những thế, giảng viên này còn bắt các bạn còn lại trong lớp bật webcam và khẳng định: "Tôi tên là Nguyễn Văn A, có đủ miệng và tai, các giác quan như người bình thường".
Nhiều bạn sinh viên, kể cả phụ huynh cũng đã tỏ ra bức xúc trước hành động và thái độ được xem là thiếu chuẩn mực nhà giáo của vị giảng viên này. Câu chuyện chưa ngã ngũ thì mới đây, trường Đại học Bách Khoa TP.HCM đã bị "đào lại" một lùm xùm tương tự. Có một giảng viên quát tháo gay gắt và mắng sinh viên là "óc trâu". Vụ việc không hay này cũng đã xảy ra trong buổi học online của lớp thuộc bộ môn Cơ điện tử, khoa Cơ khí, ĐH Bách khoa TP.HCM, vào hai tuần trước.
Tại các ngôi trường khác, trong hội group sinh viên nội bộ cũng xuất hiện hàng loạt những video, bài phốt than phiền về giảng viên của mình. Điều đáng nói tất cả "bằng chứng" tố cáo đều xuất phát từ những video quay lại màn hình bài giảng. Đó là những áp lực vô hình không chỉ với giảng viên mà còn là sinh viên khi phải giảng dạy, học tập online… trăm bề vạn khổ.
Quay màn hình bài giảng - một hành động được cho phép nhưng đừng "đụng chuyện" là phốt!
Học online trở thành phương pháp tối ưu nhất giữa thời điểm dịch bệnh để đảm bảo an toàn phòng dịch cho cả thầy lẫn trò. Tuy nhiên, học online lại trở thành nỗi ám ảnh của hầu hết học sinh sinh viên vì… trăm bề vạn khổ không kể hết. Đầu tiên là khó khăn trong công cụ học tập và cách tiếp cận bài giảng (laptop, đường truyền mạng, không gian học tập kém… ), kế đến là vấn đề khó tiếp thu kiến thức vì hạn chế tương tác với giáo viên.
Xuất phát từ những khó khăn tiêu biểu đó, hầu hết các bài giảng đều được quay lại đầy đủ để học sinh sinh viên có thể tự học lại ngoài giờ học. Cũng chính từ "đặc quyền" này đã gây nên không ít áp lực cho giảng viên và cả học sinh, vì khi phát ngôn bất cứ điều gì cũng sẽ được ghi lại làm bằng chứng trước tòa án online. Chỉ cần có chuyện xảy ra là "phốt" lan truyền khắp muôn nơi.
Ồn ào chuyện học online những ngày qua khiến mọi thứ dường như đảo lộn về giá trị tôn sư trọng đạo và mối quan hệ thuần khiết giữa thầy - trò. Mọi thứ phơi bày trên khắp mạng xã hội về những đoạn clip drama, tiêu cực khiến những người ngoài cuộc chợt có cái nhìn không còn tốt đẹp về môi trường giáo dục. Thậm chí là các bậc phụ huynh cũng đã lên tiếng răn đe, đại loại: "Sẽ không cho con học tập tại trường X, trường Y này vì những giảng viên như thế".
Hay như cậu học sinh có thái độ không đúng mực với thầy giáo, phải chăng do những khó khăn, ức chế và bức xúc trong việc học online quá lớn đã dẫn đến hành vi "không kiểm soát" của bản thân? Hệ lụy thấy rõ, không chỉ bạn sinh viên này bị chỉ trích thậm tệ làm ảnh hưởng đến tinh thần, mà danh tiếng nhà trường cũng bị "vạ lây" từ những lùm xùm phía sau một video được ghi lại.
Đừng để học online biến chất môi trường học đường thành một xã hội drama!
Chừng nào học sinh được đến trường, khi nào sinh viên được tái ngộ giảng đường? Đó hoàn toàn là những câu hỏi bỏ ngỏ khi chúng ta chưa có giải pháp nào khác ngoài học online lúc này bên cạnh những "dự kiến" còn chưa biết có được thực thi hay không.
Chính vì thế, mỗi cá nhân đang chịu tác động trực tiếp vì ảnh hưởng của dịch bệnh đến giáo dục cần xem đây là một giải pháp lâu dài và học cách để thích nghi. Đừng để học online biến chất môi trường học đường thành một xã hội đầy những drama và công kích. Đồng thời, mỗi người cần kiểm soát cảm xúc và lời nói khi tham gia vào một lớp học online. Và hãy bảo vệ hình ảnh của chính mình trước "máy quay" đầy những "lợi bất cập hại này".
Hãy thật sự cân nhắc và tôn trọng những người trong cuộc khi có ý định "upload" một video nào đó lên mạng xã hội. Vì chẳng ai biết được, câu chuyện sẽ được mang đi xa đến mức nào. Học online đã khổ, nhưng đừng tiếp tay để đảo lộn những giá trị tốt đẹp vốn có của truyền thống giáo dục.
Nguồn: TH&PL