Tham gia tình nguyện chỉ thật sự tốt nếu sinh viên không bỏ bê việc học.
Thời gian học đại học không chỉ xoay quanh những giờ học trên giảng đường. Học đại học còn mở ra nhiều cơ hội để sinh viên có thể tiếp thu kinh nghiệm thực tế. Và một trong những cách để có những bài học này chính là những giờ tham gia hoạt động tình nguyện.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng học đại học thì nên chú tâm vào việc học. Khi không học tập tốt trên giảng đường thì dù có bỏ thời gian cho những hoạt động tình nguyện vẫn sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp.
Đặc biệt trong thời gian gần đây, câu chuyện tình nguyện được nhắc đến nhiều hơn thông qua các hình ảnh được lan truyền trên mạng xã hội. Trong đó, những bạn sinh viên còn kẹt lại thành phố vẫn xung phong tham gia vào các hoạt động tình nguyện tại nơi mình đang sống đã tạo nên những ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng.
Những hình ảnh các bạn sinh viên khoa Y xung phong đến những vùng dịch luôn khiến nhiều người cảm động. Những hy sinh dù là nhỏ bé nhất nhưng vẫn mang đến những điều ngọt ngào cho cuộc sống. Những hoạt động tình nguyện này không chỉ tạo ra lợi ích cho cộng đồng và xã hội, mà còn giúp các bạn sinh viên trải nghiệm và học hỏi khi được va chạm vào các ngóc ngách của cuộc sống.
Vậy thế nào là tham gia hoạt động tình nguyện?
Các hoạt động tình nguyện là các hoạt động tạo ra những ảnh hưởng tích cực với cộng động, xã hội và nhận được sự tham gia một cách hoàn toàn tự nguyện của người tham gia.
Những hoạt động tình nguyện tại trường đại học thường được tổ chức bởi các bạn sinh viên thuộc đoàn hội khoa dưới sự quản lý của Đoàn trường hoặc Hội Sinh viên. Ngoài những thầy cô và sinh viên có nhiệm vụ quản lý, các hoạt động tình nguyện không thể thành công nếu không có sự tham gia của các bạn sinh viên.
Khi các chương trình tình nguyện được tổ chức, bất kể sinh viên nào cũng sẽ có cơ hội tham gia. Tuy nhiên, với một số chương trình tình nguyện lớn, ban tổ chức sẽ mở những buổi phỏng vấn với các bạn đăng ký tham gia.
Các bạn sinh viên sẽ có dịp trao đổi với các thành viên trong ban tổ chức chương trình tình nguyện để hai bên hiểu rõ về nhau. Việc này vừa giúp sinh viên có cái nhìn bao quát về những việc mình sẽ làm khi chính thức tham gia tình nguyện, vừa giúp ban tổ chức chọn ra những sinh viên thật sự tâm huyết với chương trình.
Va chạm thực tế và những trải nghiệm mới
Ngoài những giờ học trên giảng đường, tham gia tình nguyện là một cách đơn giản để sinh viên có được những bài học bổ ích. Từ những công việc chuẩn bị cho chương trình tình nguyện đến lúc đi thực tế, sinh viên sẽ tích góp được rất nhiều kinh nghiệm hữu ích.
Trong đó, tinh thần làm việc nhóm luôn được đề cao. Khi tham gia chương trình cùng những bạn sinh viên khác, các bạn sinh viên phải học cách phân chia công việc và thực hiện những nhiệm vụ được giao từ ban tổ chức.
Đa dạng các chương trình tình nguyện sẽ mang đến nhiều trải nghiệm khác nhau cho sinh viên. Ví dụ, chương trình Xuân Tình Nguyện được tổ chức thường niên tại những trường thuộc cụm Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ giúp sinh viên trải nghiệm các hoạt động Tết tại những địa phương xa thành phố. Chương trình Mùa Hè Xanh sẽ giúp các bạn sinh viên trải nghiệm giúp đỡ những em nhỏ tại những vùng quê.
Học được nhiều kỹ năng mềm
Song song với các hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ thì sinh viên khi tham gia tình nguyện còn được học thêm nhiều kỹ năng hữu ích cho công việc sau này. Đặc biệt, nếu sinh viên đảm nhận những vị trí như nhóm trưởng, thủ quỷ,... các bạn sẽ có cơ hội được học hỏi nhiều hơn.
Những kỹ năng như sắp xếp thời gian, quản lý công việc, lên kế hoạch, đề án,... là những kỹ năng mà sinh viên có thể dễ dàng học được thông qua công tác tổ chức các chương trình tình nguyện. Ngoài ra, các bạn sinh viên còn có cơ hội thể hiện tài lẻ của mình như đánh đàn, thổi sáo, múa hát khi tham gia vào các chương trình văn nghệ được tổ chức trong các chương trình tình nguyện.
Mở rộng quan hệ
Khi tham gia vào đội hình tình nguyện, sinh viên sẽ được tiếp xúc với những bạn bè cùng lứa hoặc anh chị trong và ngoài trường. Đây chính là cơ hội tốt để sinh viên mở rộng mối quan hệ của mình. Những anh chị đi trước có thể chia sẻ nhiều điều thú vị mà sinh viên có thể học hỏi.
Nghe có vẻ không hợp lý nhưng đôi khi tham gia các hoạt động tình nguyện lại giúp sinh viên cải thiện điểm số. Các anh chị và bạn bè học cùng ngành trong đội tình nguyện có thể chia sẻ những "bí kíp" giúp sinh viên đạt được điểm cao trong những kỳ thi.
Sau khi chương trình tình nguyện kết thúc, những mối quan hệ này hoàn toàn có thể kéo dài đến hết những năm đại học, thậm chí là sau khi ra trường. Biết đâu những mối quan hệ này lại đem đến những cơ hội mới cho sinh viên trong thời gian tìm việc.
Cân nhắc những mặt lợi-hại trước khi đăng ký tham gia tình nguyện
Tuy nhiên, do việc tình nguyện là những hoạt động không bắt buộc nên sinh viên chỉ nên tham gia khi sắp xếp được thời gian và cảm thấy bản thân sẽ học hỏi được nhiều thứ sau chương trình kết thúc.
Tham gia các chương trình tình nguyện đồng nghĩa sinh viên phải dành bớt thời gian học tập để hoàn thành những nhiệm vụ được ban tổ chức giao cho. Thông thường, các hoạt động gây quỹ sẽ chiếm thời gian nhiều nhất. Ngoài ra, nếu có văn nghệ, ca hát thì sinh viên cũng phải dành thời gian để họp nhóm, tổng dợt chương trình.
Do đó, để tham gia trọn vẹn tất cả những hoạt động của chương trình tình nguyện, sinh viên cần phải biết cách sắp xếp thời gian học tập hợp lý. Nếu nhận thấy kết quả học tập của bản thân bị ảnh hưởng, sinh viên nên cân nhắc tham gia tình nguyện vào những lần sau để tránh sa sút việc học.
Tham gia tình nguyện là một hoạt động tự nguyện của sinh viên. Tuy nhiên, việc quan trọng nhất khi quyết định đăng ký tham gia các hoạt động này là cân bằng được việc học tập và hoạt động ngoại khóa để vừa học được nhiều kinh nghiệm mới thông qua các hoạt động tình nguyện, vừa có thể giữ được điểm số cao trên giảng đường.
Nguồn: TH&PL