"Địa Lí là môn học có sự kết hợp giữa tự nhiên và xã hội, nên phương pháp tư duy hệ thống luôn là điều tiên quyết và cực kỳ quan trọng cho những bạn muốn đạt điểm cao" - bạn Duy Long chia sẻ.
Địa lý là môn học chứa đựng cả kho tàng kiến thức về tự nhiên, kinh tế và xã hội. Cũng chính vì lượng kiến thức quá rộng lớn và trải dài trên nhiều lĩnh vực nên các bạn học sinh cảm thấy cực kỳ khó khăn trong việc ghi nhớ và ôn luyện cho kì thi THPT Quốc Gia 2021 sắp tới.
đã có một cuộc trò chuyện khá thú vị cùng bạn Lai Duy Long - sinh viên năm 3 khoa Địa Lý trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn - ĐHQG TP.HCM để chia sẻ về hành trình học Địa lý của mình. Bằng niềm đam mê với môn học thú vị này, Duy Long từng đạt giải Nhì Quốc gia môn Địa lý năm 2018, ngoài ra cậu bạn còn đang là một trong hai admin của Fanpage Kiến Thức Địa Lí chuyên hỗ trợ các bạn học sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia và Học sinh giỏi các cấp môn Địa Lý.
Với kinh nghiệm dày dặn và hỗ trợ kiến thức Địa lý qua nhiều năm cho các bạn học sinh, Duy Long đã chia sẻ những tips học Địa lý khá bổ ích trong giai đoạn nước rút này, đặc biệt là đối với các bạn chọn tổ hợp bài thi xã hội để dự thi Tốt nghiệp.
1. Tạo không gian yên tĩnh để học bài: Trong thời điểm nước rút thì tập trung để ôn và đọc lại các kiến thức rất quan trọng. Các bạn nên cố gắng tạo cho mình một nơi học tập yên tĩnh, hạn chế dùng smartphone để có thể tập trung cao độ.
2. Rà lại lỗ hổng kiến thức: Vì đề thi bao trùm nhiều nội dung khác nhau, nên các bạn hãy dành thời gian xem lại các đề thi thử để xem bạn thường sai ở nội dung nào nhất và dành thời gian để củng cố lại. Đặc biệt là hãy tập trung so sánh sự khác và giống nhau giữa các vùng miền về kinh tế - tự nhiên - xã hội để có cho mình góc nhìn tổng quan nhất.
3. Sách giáo khoa luôn là "bạn": Qua các năm và đề minh hoạ 2021 do Bộ GD&ĐT ban hành, phần lớn câu hỏi đều được khai thác dựa trên kiến thức SGK, một số câu hỏi cũng có đáp án trong sách. Vậy nên, với khoảng thời gian ít ỏi còn lại hãy đầu tư đọc lại thật kỹ nội dung trong sách, gạch chân từ khóa quan trọng.
4. 30 phút rèn kỹ năng nhận biết bài tập: Trong đề thi thường có những câu hỏi kỹ năng như xem atlat, nhận biết biểu đồ - bảng số liệu. Tuy dễ nhưng rất hay sai sót nếu ta chủ quan. Vậy nên, 30 phút mỗi ngày là hợp lý cho việc xem lại các ký hiệu bản đồ và từ khóa quan trọng để dễ dàng ăn điểm những câu hỏi này.
5. Xem lại đề các năm: Tuy khả năng xuất hiện câu hỏi giống hoàn toàn ở đề thi sắp tới rất thấp, nhưng có thể giúp bạn rèn năng lực tư duy và phương pháp loại trừ đáp án.
6. Chủ động ghi nhớ những số liệu cơ bản nhất: Số liệu là một trong những yếu tố quan trọng của môn Địa lí, cho nên bạn hãy nắm chắc những số liệu cơ bản nhất vì có khả năng xuất hiện trong đề thi rất cao.
7. Hệ thống kiến thức bằng sơ đồ tư duy: Tuy đây là một phương pháp cũ nhưng chưa bao giờ hết hiệu quả đặc biệt là đối với môn học mang tính hệ thống cao như Địa lý.
Bên cạnh đó, Duy Long cũng chia sẻ thêm những bí quyết để đạt được điểm cao, thậm chí là điểm tuyệt đối trong môn học này: "Bản thân mình nghĩ Địa Lí là môn học có sự kết hợp giữa tự nhiên và xã hội, nên phương pháp tư duy hệ thống luôn là điều tiên quyết và cực kỳ quan trọng cho những bạn muốn đạt điểm cao, hay điểm tuyệt đối. Các câu hỏi trong đề thi địa lí đặc biệt ở phần vận dụng cao (tự nhiên Việt Nam và kinh tế vùng), luôn yêu cầu học sinh phải tư duy hệ thống, đặt trong mối liên hệ tác động qua lại lẫn nhau. Ví dụ yếu tố nào tác động đến một ngành kinh tế nào ở một vùng nhất định nào đó".
Trong bối cảnh nhiều bạn học sinh chỉ "chọn bừa" tổ hợp xã hội đi thi để đủ kiện tốt nghiệp chứ bản thân không thực sự yêu thích dẫn đến việc cho một số bạn bị điểm liệt do quá thờ ơ, chia sẻ về việc này bạn Duy Long cho rằng bản chất mỗi môn học đều có đặc thù riêng biệt và độ khó khác nhau nên không thể đánh giá đâu là một môn học dễ hay khó.
"Nếu bạn chỉ cần đạt điểm trung bình thì ít nhất phải nắm chắc các kĩ năng đọc Atlat, nhận biết và nhận xét biểu đồ. Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng môn Địa lí để xét vào các trường đại học top đầu thì sẽ thấy được để lấy điểm cao ở môn học này không phải là dễ dàng, vì các câu hỏi càng về sau sẽ tăng dần độ khó, có tính liên hệ thực tế cao và cần vận dụng kiến thức nhiều bài học. Vậy nên, ta sẽ không thể so sánh được môn học này dễ hay khó, vì nó phụ thuộc nhiều vào sự cố gắng của mỗi cá nhân" - Duy Long chia sẻ.
Có thể nói, đối với những quốc gia phương Tây như Pháp, Anh. Địa lí được xem là môn học quan trọng để dẫn dắt thế hệ trẻ hiểu được những thách thức và cơ hội trong bối cảnh thế giới vô cùng phức tạp. Nhưng ở Việt Nam hiện nay, nhiều bậc phụ huynh cũng như học sinh chỉ xem Địa lý là một "môn học phụ", "dễ" nên chỉ cần học cho có kiến thức là được, không cần chuyên sâu nhiều. Suy nghĩ sai ảnh hưởng đến cách học sai và nhiều hệ lụy khác.
Sau cùng, chỉ còn vài ngày nữa là đến kì thi THPT Quốc gia, với tư cách là một "đàn anh" đi trước Duy Long cũng có đôi lời nhắn gửi đến các bạn thí sinh: "Hy vọng tất cả các bạn sẽ luôn tự tin và bình tĩnh để hoàn thành bài thi thật tốt. Thời điểm này phải tự nhủ rằng bản thân mình đã phải nỗ lực rất nhiều, đã học hành chăm chỉ suốt những năm vừa qua nên hoàn toàn xứng đáng đạt được kết quả như ý".
Theo dõi Fanpage Kiến Thức Địa Lí để cùng Duy Long ôn luyện cho giai đoạn nước rút này nhé!
________
Kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia 2021 chuẩn bị diễn ra. Đồng hành cùng các sĩ tử 2k3 trong chặng cuối, thực hiện tuyến bài Học Nước Rút, cung cấp loạt tips học ôn hiệu quả. Các thầy, cô hàng đầu cùng hội anh chị "đi trước" dày dặn kinh nghiệm ôn thi sẽ mang đến nhiều lời khuyên hữu ích cho các Gen Z vững bước vào Đại học. Giữ tinh thần và sức khoẻ thật tốt cho "cuộc chiến" cam go này nhé bạn ơi!
Nguồn: TH&PL