Hoàn hảo dường như là cụm từ mỹ miều nhất mà ai cũng từng nghe qua, và trong chúng ta cũng từng ít nhất một lần chạy theo hình mẫu hoàn hảo, bởi niềm tin rằng đó là cách khiến chúng ta nổi bật và nhận được sự công nhận từ xã hội xung quanh. Nhưng, liệu nó có xứng đáng?
Tôi là ai? - Hội chứng khủng hoảng bản sắc
"Tôi là ai" là câu hỏi khiến bao người phải chật vật cả đời để tìm đáp án. Có lẽ vì vậy mà hội chứng "Khủng hoảng bản sắc'' - Identity Crisis ra đời. Đây là hội chứng chỉ trạng thái khi bạn không biết mình là ai, không biết mình muốn gì, bạn luôn nghi ngờ về năng lực bản thân. Thanh thiếu niên là nhóm tuổi thường gặp phải hội chứng này. Tuy nhiên, trạng thái này cũng xuất hiện ở nhóm người trưởng thành - khi họ trải qua những thay đổi về môi trường sống, công việc, cảm xúc,... Điểm chung ở những người gặp phải hội chứng này là thường băn khoăn về vai trò của mình trong xã hội, và về bản chất nội tại trong sâu thẳm con người.
Bạn có thấy rằng, chúng ta thường thấy khó khăn trong việc đưa ra các quyết định, hay thậm chí không hiểu rõ bản thân mình muốn gì, cần gì trong thời điểm hiện tại hay không? Chính vì thế, mà các bài trắc nghiệm tính cách, bói toán, tarot thường được sử dụng rộng rãi để giúp định hướng, hỗ trợ con người trong viêc quyết định điều gì đó hệ trọng. Bằng chứng là các tiêu đề như "Trắc nghiệm để biết bạn phù hợp với công việc gì?" hay thậm chí "Làm trắc nghiệm sau để biết mẫu người yêu thích của bạn” luôn nhận được hàng nghìn, thậm chí hàng triệu lượt nhấp chuột.
Câu hỏi "Bạn là ai?" cũng thường được các nhà tuyển dụng dùng khi muốn hiểu rõ ứng viên và khiến không ít người phải đứng hình suy nghĩ. Việc xác định bản thân mình là ai chưa bao giờ là điều dễ dàng. Có lẽ vì vậy mà không ít người luôn cố gắng đi kiếm tìm một hình mẫu hoàn hảo bên ngoài để hướng mình theo đó.
Hình mẫu hoàn hảo hay áp lực lên những người trẻ?
Trong thời đại ngày nay, truyền thông đại chúng dường như trở thành môi trường quan trọng phổ biến các quy tắc ứng xử, các chuẩn mực để cá nhân học tập và hoà nhập với cuộc sống cộng đồng. Đặc biệt, mạng xã hội, phim ảnh, quảng cáo cùng sự xuất hiện của các KOLs, người nổi tiếng bỗng là hình mẫu để công chúng soi chiếu. Dường như chúng ta đều muốn hướng tới cuộc sống hoàn hảo mà các influencers hoặc bạn bè trên mạng xã hội tạo ra. Đã có bao giờ bạn thầm chiêm ngưỡng những bộ xiêm y lộng lẫy trên trang cá nhân của cô người mẫu X, hoặc ngưỡng mộ cuộc sống đủ đầy của anh doanh nhân Y và rồi xuýt xoa ghen tị chưa? Và rồi nhiều người, họ bắt chước đường đi nước bước với mong muốn được trở nên hoàn hảo như vậy.
Việc noi theo những hình mẫu hoàn hảo chưa bao giờ là câu chuyện cũ vì đã được nhắc đến khá nhiều trong những năm vừa qua. Dù vậy, trong nhiều trường hợp, sự hoàn hảo trở thành gánh nặng vô hình đè nặng lên cuộc sống của khá nhiều người. Họ dằn vặt bản thân vì không bằng bạn, bằng bè. Họ cảm thấy tự ti với chính cuộc sống của mình khi không thể theo kịp ''ánh hào quang" của những người hoàn hảo.
Khi ai cũng muốn noi theo một hình mẫu hoàn hảo, bản sắc cá nhân cũng sẽ dễ dàng bị đánh mất. Bạn có nhận ra rằng đôi lúc mình phải cố hoà mình vào những cuộc nói chuyện, những cuộc vui chơi của mọi người xung quanh dù mình không thực sự cảm thấy thích chỉ vì chủ đề đó được xem là thời thượng. Ai cũng cố gắng ăn mặc đẹp, có công việc xịn, tám chuyện về những thứ hợp mốt. Dù rằng, việc thay đổi bản thân là điều đúng đắn, nhưng việc bắt chước và biến mình hoà nhập với đám đông sẽ chỉ khiến bạn trở nên mệt mỏi và dần mất đi những ưu điểm vốn có của riêng mình.
Định hình bản sắc của riêng bạn
Thế giới có gần 8 tỷ người, và không ai trong chúng ta cũng giống nhau. Xuất phát điểm của mỗi người khác nhau, chúng ta được nuôi dạy trong những môi trường khác nhau, trải nghiệm trong cuộc sống của mỗi người khác nhau, và mục tiêu cuộc đời của mỗi người cũng khác nhau. Có bạn mong cầu giàu sang, có người mong cầu sự hạnh phúc, an bình trong tâm. Chưa kể, định nghĩa về sự hoàn hảo của mỗi người trên mỗi lĩnh vực cũng hoàn toàn khác nhau. Vậy thì tại sao, chúng ta lại phải chạy theo những hình mẫu được xem là hoàn hảo, để rồi khi không đạt được nó, bạn cảm thấy bất an, không hạnh phúc?
Mỗi chúng ta đều là những cá thể độc nhất. Thế nên là, không sao cả khi bạn rớt trường chuyên, không sao cả khi gu ăn mặc của bạn khác mọi người, không sao cả khi bạn không thể trở thành một "con nhà người ta" như bố mẹ mong muốn. Không thứ gì trên đời này hoàn hảo tới mức 100% và con người cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Nhiều người không nhận ra rằng, phần lớn sự hoàn hảo đều là do ngoại cảnh vẽ ra. Do đó, việc phấn đấu để trở nên hoàn hảo sẽ luôn được ca ngợi. Chúng ta cứ luôn cố gắng làm mọi thứ theo cách hoàn mỹ mà mọi người đề cao, và tự dằn vặt bản thân vì lỡ gây ra sơ suất, dù là nhỏ nhất.
Hình mẫu hoàn hảo, tốt đấy! Nhưng bạn hãy biến nó trở thành động lực, là nguồn cảm hứng để bạn noi theo theo cách của riêng bạn, mang sắc màu của bạn, chứ không phải tạo thành áp lực để ép mình giống với đó. Người trẻ cần học cách chấp nhận bản thân, bởi sống vui vẻ và hạnh phúc ở hiện tại, luôn là điều quan trọng nhất.
Mỗi giai đoạn trong cuộc đời chúng ta sẽ gắn với một vai trò, một nhiệm vụ khác biệt gắn với quá trình phát triển của bản thân. Hãy thử tìm hiểu xem, ở thời điểm hiện tại, bạn mong cầu điều gì, bạn đam mê điều gì. Và rồi sau đó, bạn tích cực trau dồi, rèn luyện, thay đổi bản thân mình từ những điều nhỏ nhất. Hãy định hình mục đích cuộc sống của riêng bạn, chứ đừng cố theo đuổi sự hoàn hảo mà mọi người xung quanh đặt ra cho mình. Đôi lúc, bạn đang cố kìm nén bản chất thật con người của mình, hay đôi khi là cả ước mơ, chỉ để chấp nhận mong ước hay định hướng từ xã hội. Nhớ rằng, cuộc sống của bạn không đến từ lời nói của những người khác.
Đừng quên rằng, chỉ có bạn mới có quyền quyết định mình là ai, và mình sẽ trở thành điều gì trong đời. Thế nên là, hãy cứ trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của bản thân, không phải đi vay mượn sự hoàn hảo ở đâu hết cả.
Nguồn: TH&PL