Một nguyên tắc học tập phù hợp, đặc biệt đúng theo khoa học sẽ là điều cần thiết trong thời gian này.
Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa, các sĩ tử sẽ chính thức bước vào một trong những "cuộc chiến" cam go nhất cuộc đời mình. Làm thế nào để ôn thi một cách hiệu quả nhất trong thời gian ngắn ngủi còn lại chính là nỗi bận tâm của rất nhiều thí sinh.
Một mùa tuyển sinh nữa lại đến, chắc hẳn các bạn thí sinh đều mang tâm trạng lo lắng, hồi hộp nhưng cũng vô cùng ngóng chờ trước ngưỡng cửa quan trọng này. Những bí kíp học thi liên tục được chia sẻ, thu hút nhiều sự quan tâm của các sĩ tử. Nhưng, làm sao để lựa chọn và áp dụng đúng các bí kíp đó không phải là điều đơn giản, đặc biệt khi vài ngày ngắn ngủi nữa là kì thi quan trọng sẽ bắt đầu.
Giai đoạn 1 tuần trước kì thi được xem là thời điểm quan trọng cần phải nghỉ ngơi để có thể đạt được phong độ tốt nhất về thể chất và trí tuệ. Dù vậy, thực tế cho thấy đa số các bạn đều tăng tốc học ngày học đêm để "nhồi nhét" thật nhiều kiến thức. Một nguyên tắc học tập phù hợp, đặc biệt đúng theo khoa học sẽ là điều cần thiết trong thời gian này.
Active Recall (chủ động gợi nhớ kiến thức)
Trong lĩnh vực nghiên cứu về khoa học trí nhớ cũng như trong tâm lý học, Active Recall là mô hình học tập giúp đạt hiệu quả cao. Trong bài viết "How to Effectively Study" đăng trên website khoa Tâm lý học của đại học UC San Diego, có khá nhiều kỹ thuật được chứng minh là có khả năng hỗ trợ việc ghi nhớ, bao gồm: thực hành ngắt quãng (spaced practice), chủ động gợi nhớ kiến thức (active recall), tự định nghĩa (self - explanation), thực hành xen kẽ (Interleaved practice),... Nhưng, active recall mới là bí quyết phù hợp nhất trong thời điểm cận kề này. Vậy "active recall" là gì?
Đây là mô hình mang lại hiệu suất cao do con người chủ động kích thích trí nhớ trong suốt quá trình học. Khi chúng ta ghi nhớ một điều gì đó, phải chăng ta đều nghe giảng hoặc đọc đi đọc lại liên tục cho đến khi thuộc lòng không, đó là phương pháp thụ động, chứ không phải chủ động.
Chỉ ghi nhận kiến thức thông qua việc lặp đi lặp lại như vậy không thể làm kiến thức ghim sâu vào trí nhớ, và điều này không hề hiệu quả khi ta ôn lại kiến thức cũ. Đối với việc gọi nhớ chủ động, bạn phải khiến não bộ của mình liên tục tìm kiếm và ghi nhớ đúng lúc. Nhờ đó, kiến thức sẽ ở trong đầu được lâu hơn và sắc bén hơn.
Thực hiện Active Recall như thế nào?
Có khá nhiều phương pháp cụ thể cho mô hình học tập Active Recall, tuy vậy, nó được thực hiện dựa trên ba bước chính, bao gồm nhận biết - giải quyết - đối chiếu.
Nhận biết là bước đầu tiên, tức bạn phải xác định những điều còn vướng mắc trong hệ thống kiến thức, chỗ nào còn thắc mắc, chỗ nào chưa học kỹ, hãy tìm ra và đánh dấu lại chúng. Trong quá trình tổng hợp lại kiến thức ở giai đoạn nước rút, hãy dành thời gian học lại những phần quan trọng hay khó nhớ.
Những kiến thức cần ôn tập - bạn hãy giải quyết nó bằng cách trình bày thông qua các phương pháp thể hiện như sơ đồ tư duy, nói to thành lời, hoặc trình bày dưới dạng flash card,... Điểm mấu chốt ở bước này là bạn không được nhìn vào các chú thích hay lời giải có sẵn, hãy tự giải quyết nó bằng cách vận động não bộ một cách tối ưu nhất. Đừng sợ sai hay nhớ nhầm, bởi điều đó sẽ củng cố thêm trí nhớ của bạn sau bước ba.
Bước ba cũng là bước cuối cùng, đó là hoàn thành và đối chiếu với tài liệu đã được học. Hãy kiểm tra, so sánh những nội dung mình tự giải quyết với kiến thức trong sách giáo khoa hoặc lời giải. Nhận xét xem liệu nó đã trùng khớp chưa, đã chính xác chưa? Đừng quên đưa ra các kết luận xem mình đã học được gì và cần phải bổ sung thêm những gì vào hệ thống kiến thức.
Một số phương pháp cụ thể cho mô hình Active Recall
Có nhiều cách để thực hiện Active Recall, các bạn học sinh hãy tuỳ vào sở thích và thói quen học tập của mình để chọn ra phương pháp phù hợp nhất cho bản thân.
Sơ đồ tư duy (Mind map) là cách thức quá đỗi quen thuộc nhưng cực kỳ hiệu quả. Phương pháp vẽ bản đồ tư duy rất tốt cho việc hệ thống hoá lại toàn bộ kiến thức phức tạp, đặc biệt đối với các kiến thức có sự liên kết với nhau. Việc tự nhớ và vẽ ra bản đồ tư duy sẽ giúp các bạn hình dung được mọi thứ một cách dễ dàng và logic hơn. Và đừng quên, chỉ mở tài liệu để đối chiếu sau khi đã vẽ xong nhé. Vẽ vời một tí cũng là cách hay giúp bạn thư giãn đầu óc sau những giờ ôn luyện đề thi mệt nhoài.
Thẻ ghi nhớ (Flashcard) là cách thường thấy khi ta học từ vựng ngoại ngữ. Đây cũng là cách hay giúp bạn ghi nhớ lại các khái niệm, công thức, hay định nghĩa khó học. Một mặt thẻ ghi khái niệm, mặt kia ghi giải thích hoặc đáp án và hãy nên viết tay bởi viết tay được chứng minh là giúp quá trình ghi nhớ được sâu hơn. Những chiếc thẻ nhỏ nhắn nhưng được bộ não tập trung của bạn tạo ra chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao đó.
Tự đặt câu hỏi hoặc tự diễn giải (Self-explanation) cũng là cách thức phổ biến khi bạn muốn áp dụng mô hình Active Recall. Hãy tự đặt ra các câu hỏi về kiến thức bạn đang học, sau đó trả lời chúng mà không nhìn vào tài liệu. Hoặc, khi gặp một định nghĩa mãi không thể thuộc, hãy dùng trí tưởng tượng để liên kết nó với một điều gì đó gần gũi với cuộc sống hàng ngày. Các cách thức này sẽ giúp bộ não được chủ động trong việc định hình hóa lại kiến thức, và nhớ đối chiếu lại xem đã chính xác chưa nhé.
Phương pháp cuối cùng chính là nói to kiến thức ra thành lời (Verbalize). Thay vì để kiến thức lướt qua đầu khi bạn tự nhẩm, hãy đọc to nó lên bởi điều đó sẽ giúp bộ não sắp xếp mọi thứ một cách logic và chính xác hơn. Cố gắng biên soạn kiến thức thành một bài thuyết trình chẳng hạn, và trình bày ra. Chắc chắn bạn sẽ biết chỗ nào mình còn quên, và mình nhớ được những gì đó.
Mong rằng các sĩ tử hãy cố gắng ôn luyện thật tốt, đừng quên dành thời gian nghỉ ngơi để hoàn thành kì thi quan trọng này nhé!
------------
Kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia 2021 chuẩn bị diễn ra. Đồng hành cùng các sĩ tử 2k3 trong chặng cuối, thực hiện tuyến bài Học Nước Rút, cung cấp loạt tips học ôn hiệu quả. Các thầy, cô hàng đầu cùng hội anh chị "đi trước" dày dặn kinh nghiệm ôn thi sẽ mang đến nhiều lời khuyên hữu ích cho các Gen Z vững bước vào Đại học. Giữ tinh thần và sức khoẻ thật tốt cho "cuộc chiến" cam go này nhé bạn ơi!
Nguồn: TH&PL