Sau khi chê danh ca Khánh Ly "thiếu hiểu biết" và "tốt nhất là không nên nói", nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm hân hoan loan báo: "Nói chứ, lâu lâu gây chiến phát vui phết".
Niềm vui (phết) này thực tế không thể giấu trên khuôn mặt của nhà phê bình nếu ai vô tình trông thấy anh ở buổi premiere phim Người Môi Giới tối qua tại Landmark 81. Chỉ không biết gương mặt rạng ngời của anh là do chất lượng phim Hàn quá tốt hay đến từ trạng thái hạnh phúc vì trang cá nhân mới nhận được lượng tương tác khủng.
Bài đăng với nội dung "thất vọng về Khánh Ly" của nhà phê bình hồi sáng 22/6 đã thu hút hàng nghìn comment, kèm đó là lượt share trội hơn hẳn những post khác cùng chủ.
Cuối ngày, nhà phê bình vui: "Tôi bốc giời gây chiến tranh náo loạn cả cõi face". Anh hồ hởi tuyên bố "mở cửa để... đón nhận hết gạch đá".
Nội dung liên quan
Nói được và làm được, từ qua đến nay, ai ném cục chì vào post, anh tặng ngay cả cục gạch. Hoặc anh cũng thể hiện thêm khả năng dí dỏm "anh biết anh cool ngầu mà em", "bán hết sách ** nó rồi, khéo sau đợt này phải in thêm". Đọc những comment đối đáp của anh mới thấy "niềm vui anh đã ánh lên rất rõ".
Càng hay một nhà phê bình điện ảnh khi hoạt động trên social có thể vui cỡ nào vì trang cá nhân của mình được "lời qua tiếng lại" và có nhiều tương tác.
Một giảng viên truyền thông bình luận: "Thời đại social, niềm vui này có cơ sở. Những post nhiều tương tác giúp trang cá nhân của KOLs có thêm lượng follow. Từ đó có thể phát triển về quảng cáo, PR".
Dù Lê Hồng Lâm vui, nhiều người trong giới truyền thông và điện ảnh đang khá bất ngờ với hành xử của anh. Vì anh vốn được nể trọng trong giới. Cũng có ý kiến cho rằng nhà phê bình có vẻ bất nhất khi trước đây khuyến cáo phim Cậu Vàng "đừng nhắc đến Nam Cao mà xúc phạm vong hồn cụ" thì nay lại hết mực bảo vệ quan điểm: "Chấp gì bọn làm phim", "chấp gì bọn sáng tạo", phim là hư cấu, nguyên mẫu tốt nhất… miễn lên tiếng.
Tất nhiên là khỏi phải bàn về độ tệ của phim Cậu Vàng. Nhưng dẫn ra để thấy một nhà phê bình khi không bám vào lý luận điện ảnh cũng có thể tự phản biện chính mình trong cách khen chê như thế nào.
Là lý do tại sao phê bình chuyên nghiệp được cho là luôn phải đi liền với lý luận.
Nhưng dù sao đi chăng nữa việc một post có nhiều tương tác cũng sẽ mang lại niềm hứng khởi cho các KOLs.
Nội dung liên quan
Cũng như một bộ phim có thể chẳng cần gì hơn việc kéo được khán giả ra rạp. Dù được khen lên tận mây xanh hay bị chê xuống đáy bùn. Được xem là kiệt tác điện ảnh hay sản phẩm nên vứt đi. Doanh thu luôn là con số biết nói.
Em và Trịnh đang có doanh thu tốt. Và nói cho cùng đây cũng không phải bộ phim quá tệ. Nó cũng ở tầm trung của điện ảnh Việt. Ý tưởng không tệ, nhạc khỏi chê, bối cảnh rất cầu kỳ và cũng cài cắm người xem những tính giải trí cần có để vui, để cười, để chạm về những kỷ niệm son trẻ riêng. Chỉ là một kịch bản quá nông, thậm chí là phi điện ảnh và gần như còn không giống một bộ phim. Cùng với đó, cách xây dựng nhân vật Trịnh Công Sơn "chuồn chuồn đạp nước", thiếu hẳn chiều sâu tinh tế tâm hồn và âm nhạc.
Nhưng đi giữa những khen chê, nhà sản xuất vẫn có thể vui vì phim sắp cán mốc 100 tỷ, có thể là phim Việt đầu tiên của năm nay làm được điều này.
Vậy là nỗi buồn có lẽ lại chỉ thuộc về những nguyên mẫu còn sống, ví như danh ca Khánh Ly.
Đoàn phim lấy tên (bao gồm cả tên cúng cơm và nghệ danh) cùng nhiều chất liệu khác của bà để xây dựng thành nhân vật Khánh Ly (Bùi Lan Hương) đang được cho là hấp dẫn nhất so với những nhân vật khác trong phim. Nhưng sau khi bà lên tiếng (không phủ nhận là có phần trái tai với đoàn làm phim) thì đã bị một nhà phê bình phản ứng gay gắt với những nhận xét như "thiếu hiểu biết", "tốt nhất là không nên lên tiếng", "tôi như bà tôi nói **** quan tâm cho cool ngầu".
Ai cũng hiểu với tầm vóc như Khánh Ly, đúng ra bà chẳng cần phải bày tỏ quá sâu quan điểm của mình về Em và Trịnh hoặc đội ngũ ê-kíp có thể cần tư vấn cho danh ca điều đó trong khâu truyền thông.
Nhưng không bao giờ đồng nghĩa với việc bà không có quyền lên tiếng về hình tượng của mình, vốn được khai thác và hư cấu trên màn ảnh. Có quyền lên tiếng, có quyền chia sẻ, có quyền ủng hộ hoặc lên án, ngay kể cả bằng những từ ngữ nghiêm khắc nhất, thẳng thắn nhất theo cách của bà.
Khánh Ly không phải là nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ Nhị, là nguyên thủ của Anh và 14 nước trong khối Thịnh Vượng Chung, để "im lặng là vàng" trong những bộ phim hư cấu.
Khánh Ly dù đã gần 80 tuổi, đã đi qua đủ vui buồn sướng khổ, biến thiên, thăng trầm, bà trước hết vẫn là một nữ nghệ sĩ với cảm xúc và nhu cầu bộc bạch của riêng mình.
Bà không thể bị đánh giá với những từ ngữ như vậy, nhất là lại từ một nhà phê bình điện ảnh vốn được đánh giá là uy tín trong giới.
Dù biết, bà sẽ thể tất.
Nguồn: TH&PL