Tính đến hiện tại, nước ta có khoảng 3 loại vaccine được nghiên cứu, thử nghiệm và đã ghi nhận được những kết quả vô cùng khả quan.
Cùng với những biện pháp để đảm bảo an toàn về phòng chống dịch, thì vaccine được xem là giải pháp nhanh chóng và hiệu quả trong công tác đẩy lùi mức độ lây lan của dịch bệnh. Tại nước ta hiện nay, hầu hết các loại vaccine được tiêm chủng cho người dân đều đến từ các nhãn hàng trên thế giới.
Ngoài những nỗ lực không ngừng trong công tác tiếp cận với các nguồn vaccine cũng như hoàn thành mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng, thì song đó các nhà khoa học cũng tích cực trong việc nghiên cứu vaccine mang thương hiệu Việt Nam. Hiện nay đã có một số loại vaccine từ nhiều hãng khác nhau tại nước ta đạt được những kết quả ban đầu đáng mong đợi.
Vaccine Nanocovax
Đây là loại vaccine được thử nghiệm và phát triển bởi Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh Học Dược Nanogen, dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp, hiện đã hoàn thành thử nghiệm ở những giai đoạn 1, 2, 3a, 3b. Dựa trên những kết quả thử nghiệm lâm sàng ban đầu thì đã ghi nhận được khả năng sinh ra miễn dịch của vaccine lên đến 99,4%.
Đồng thời qua những đợt thử nghiệm trên hầu hết 100% các tình nguyện viên tiêm chủng đều sinh được miễn dịch tốt, các phản ứng bất lợi sau tiêm hầu như rất hạn chế, chỉ sốt nhẹ và không có những biến chứng nặng. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng cho loại vaccine hiệu quả và an toàn tại nước ta.
Loại vaccine này đã được giới chuyên gia đánh giá về độ an toàn, thậm chí có thể mang khả năng chống lại các biến thể của Alpha (lần đầu được ghi nhận tại Anh). Theo thông tin từ phía Nanogen thì mức giá dự kiến cho loại vaccine này sẽ vào khoảng 5,2 đô la Mỹ cho 1 liều tiêm và với công suất nhà máy sản xuất như hiện tại thì Nanocovax có thể đạt được mức 8-12 triệu liều/tháng.
Vào ngày 22/6, công ty Nanogen đã có công văn gửi Thủ tướng để xin cấp phép khẩn cấp cho vaccine Nanocovax sau nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy vaccine mang đến được những hiệu quả và an toàn, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng phức tạp.
Bên cạnh đó, ngoài Ấn Độ thì đã có khoảng 30 quốc gia trên thế giới yêu cầu chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine. Về phía WHO thì cũng đang trong quá trình thẩm định hồ sơ để vaccine Nanocovax trở thành một trong những loại vaccine được phép lưu hành trên thế giới.
Vaccine Covivac
Trước những diễn biến nhanh chóng của dịch bệnh thì Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế - IVAC cũng đã bắt đầu có những nghiên cứu về vaccine phòng Covid-19, Covivac sử dụng công nghệ vaccine vector Newcastle và gắn gene biểu hiện protein S của virus SARS-CoV-2. Hiện nay đã hoàn thành thử nghiệm ở giai đoạn 1 và đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn 2 ở Thái Bình.
Dự kiến vào tháng 11 sẽ có kết quả thử nghiệm giai đoạn 2, nếu được được đánh giá là an toàn và sinh được miễn dịch tốt thì sẽ tiến thành thực hiện thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn 3 vào tháng 12. Theo đánh giá ban đầu thì loại vaccine này sinh được miễn dịch tốt và đáp ứng được điều kiện yêu cầu theo đề cương từ Bộ Y Tế.
Ngoài ra, sau khi tiêm vaccine cho các tình nguyện viên thì ghi nhận được những kết quả về độ an toàn, dung nạp tốt và chỉ có số ít những người báo cáo bị đau hoặc đau khi chạm vào vị trí tiêm, còn tất cả thì không có những tác dụng phụ đáng kể. Nếu thuận lợi thì có thể trong cuối năm nay Hội đồng sẽ xem xét gửi đơn xin cấp phép khẩn cấp lưu hành vaccine trong nước.
Vaccine ARCT-154
Bên cạnh những nỗ lực của các hãng vaccine khác tại Việt Nam thì Công ty Cổ phần công nghệ Sinh học VinBioCare cũng đang trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm vaccine, dựa trên việc sử dụng công nghệ vaccine mRNA (tuy liều vaccine thấp hơn nhưng sẽ kích thích kéo dài miễn dịch tốt hơn). Hiện tại loại vaccine này mới chỉ đang được tiến hành ở giai đoạn đầu tiên.
Mặc dù là loại vaccine được đàm phán và chuyển giao công nghệ từ một Công ty tại Hoa Kỳ nhưng vẫn phải được tiến hành thử nghiệm lâm sàng với 3 giai đoạn để đảm bảo về độ an toàn và hiệu quả. Với giai đoạn đầu tiên được thực hiện trên 100 tình nguyện viên là để thực hiện mục tiêu đánh giá về mức độ an toàn và khả năng sinh miễn dịch.
Nội dung liên quan
Tuy chưa có những ghi nhận kết quả cụ thể về hiệu quả của loại vaccine này trên cơ thể người nhưng theo nhiều chuyên gia thì với công nghệ vaccine mRNA sẽ mang đến khả năng có thể chống lại các loại biến thể mới nguy hiểm ở hiện tại như: Delta, Alpha, Beta… Với công nghệ tương tự như vaccine Moderna hay Pfizer đã được phê duyệt từ trước đó, thì đây cũng sẽ là cơ hội mới trong việc phát triển vaccine tại Việt Nam.
Tuy hiện tại tất cả các loại vaccine trên vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng với những kết quả thông qua các cuộc nghiên cứu và thử nghiệm đã cho thấy niềm hy vọng về loại vaccine trong nước đáp ứng được nhu cầu về khỏe của người dân. Vì vậy, trước khi có những thông tin chính thức thì chúng ta vẫn nên thực hiện việc tiêm những loại vaccine khác đúng theo như những khuyến cáo, tránh tâm lý trì hoãn hay kì thị.
Giữa thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tiêm ngừa vaccine là một trong những biện pháp hữu hiệu để chúng ta bảo vệ sức khoẻ và trở lại cuộc sống bình thường. Tuyến bài Toàn cảnh Vaccine sẽ giúp độc giả có cái nhìn tích cực, lạc quan và sự hiểu biết nhất định về vaccine Covid-19 để nâng cao ý thức tiêm ngừa và phòng chống dịch bệnh.
Nguồn: TH&PL