Sức khoẻ của thế giới được tin tưởng giao cho Giám đốc Điều phối chương trình COVAX.
"Aurélia Nguyễn"- người chịu trách nhiệm điều phối vắc xin COVID-19 cho 190 quốc gia thông qua COVAX được tạp chí Time dành những lời ca ngợi cho đóng góp của mình.
Vào tháng 10 năm 2020, Aurélia Nguyễn được bổ nhiệm làm Giám đốc Điều phối chương trình COVAX -chương trình do Liên Hợp Quốc đứng đầu giúp điều phối, đảm bảo công bằng, bình đẳng, kịp thời cho nhiều quốc gia trên thế giới. Với vai trò này, Aurélia đang dẫn đầu việc điều hướng cung cấp vắc xin COVID-19 cho 190 nền kinh tế tham gia thông qua COVAX.
Aurélia Nguyễn giám sát việc sử dụng ngân sách 6 tỷ USD do 98 nước phát triển đóng góp cho COVAX. Bà cho biết COVAX đang tích cực vận động các nước có thu nhập cao hơn sẽ đóng góp nguồn vaccine dư thừa hoặc chuyển đến các quốc gia có thu nhập thấp hơn.
Cho đến khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Điều phối cho COVAX, Aurélia giữ chức vụ Giám đốc Điều hành về Vắc xin & Bền vững của GAVI (Liên minh toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng), đứng đầu điều hướng công việc thiết kế các chương trình vắc xin của GAVI. Cô và nhóm của mình chịu trách nhiệm tạo ra các cách thức để các nguồn lực của GAVI hỗ trợ các chương trình và thị trường vaccine bền vững về mặt tài chính, và cuối cùng là tăng lượng vaccine cứu người.
Trước khi gia nhập GAVI, Aurélia đã đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau từ năm 1999 đến năm 2010 trong GlaxoSmithKline (Công ty dược phẩm của Anh quốc, phân phối các sản phẩm y dược hàng đầu thế giới), lãnh đạo việc phát triển các chính sách của GSK về tiếp cận thuốc và vắc xin ở các nước đang phát triển. Cô cũng đã thực hiện nghiên cứu cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về các chính sách thuốc gốc.
Aurélia đã được tạp chí TIME ghi tên vào danh sách "2021 TIME100 NEXT" để vinh danh "100 cá nhân đang định hình tương lai cho lĩnh vực của họ và xác định thế hệ lãnh đạo tiếp theo".
COVAX là trụ cột của Access to COVID-19 Tools Accelerator. ACT Accelerator là sự hợp tác toàn cầu mang tính đột phá nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển, sản xuất và tiếp cận công bằng với các xét nghiệm, phương pháp điều trị và vắc xin COVID-19.
COVAX được đồng dẫn đầu bởi CEPI (Coalition for Epidemic Preparedness Innovations-Liên minh Đổi mới Chuẩn bị sẵn sàng Dịch bệnh), GAVI và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cùng với đối tác phân phối chính UNICEF. Mục đích của nó là đẩy nhanh việc phát triển và sản xuất vắc xin COVID-19, và đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng cho mọi quốc gia trên thế giới.
Bà Aurélia Nguyễn nói: "COVAX là đơn vị duy nhất được điều phối trên toàn cầu, nỗ lực để đảm bảo sự tiếp cận công bằng, bình đẳng và kịp thời nguồn vaccine Covid-19 hiệu quả cho các nước không đủ nguồn lực. Chúng tôi có thể giúp cung cấp 1,8 tỷ liều vaccine và bảo vệ 30% dân số ở các quốc gia dễ bị tổn thương trước năm 2022 với nguồn tài chính có sẵn và hy vọng những sự đóng góp dồi dào hơn".
Nội dung liên quan
Phát triển một loại vaccine chống lại COVID-19 là thách thức cấp bách nhất trong thời đại của chúng ta - và không ai chiến thắng cuộc đua cho đến khi tất cả mọi người đều chiến thắng. Covid-19 đã gây ra thiệt hại hàng triệu sinh mạng và làm gián đoạn cuộc sống của hàng tỷ người khác.
Cùng với việc giảm thiểu thiệt hại về người và giúp kiểm soát đại dịch, việc sử dụng vắc-xin sẽ ngăn chặn thiệt hại hàng tỷ Đô la Mỹ cho nền kinh tế toàn cầu mỗi tháng.
Nguồn cung cấp vaccine đã có và ngày càng nhiều nước thành công trong việc nghiên cứu và phát triển ra vaccine phòng chống Coronavirus. Một thực tế mà chúng ta phải thừa nhận rằng còn đó tình trạng "người thừa kẻ thiếu" vaccine. Nỗ lực của COVAX là cần thiết và cấp bách, điều phối và đảm bảo sự bình đẳng, đồng đều và kịp thời để ai cũng được tiếp cận vaccine đầy đủ và nhanh chóng nhất.
Giữa thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tiêm ngừa vaccine là một trong những biện pháp hữu hiệu để chúng ta bảo vệ sức khoẻ và trở lại cuộc sống bình thường. Tuyến bài Toàn cảnh Vaccine sẽ giúp độc giả có cái nhìn tích cực, lạc quan và sự hiểu biết nhất định về vaccine Covid-19 để nâng cao ý thức tiêm ngừa và phòng chống dịch bệnh.
Nguồn: TH&PL