Những nhà khoa học điều chế thành công vắc xin Covid-19 được xem như người thầy thuốc vĩ đạị.
Trong bối cảnh vi rút SARS-CoV-2 vẫn lây lan phức tạp trong cộng đồng, sự ra đời của vắc xin chính là "phao cứu sinh" giúp kiểm soát dịch bệnh. Những nhà khoa học điều chế thành công vắc xin Covid-19 có thể được xem như người thầy thuốc vĩ đại vì những nghiên cứu góp phần cứu sống hàng triệu người.
Sarah Gilbert - "Mẹ đẻ" vắc xin AstraZeneca
Những ngày gần đây, câu chuyện về người phụ nữ với nỗ lực công bằng hoá quyền được tiếp cận vắc xin đang chiếm được cảm tình của đông đảo cộng đồng mạng. Đó là giáo sư người Anh Sarah Gilbert - "mẹ đẻ" của vắc xin AstraZeneca hiện đang được lưu hành tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Sarah Gilbert sinh ra tại Northamptonshire vào tháng 4/1962. Trước khi làm việc trong lĩnh vực y tế, Gilbert đã là một tiến sĩ làm việc tại trung tâm nghiên cứu men bia. Năm 1994, bà đã đến Đại học Oxford để nghiên cứu về ký sinh trùng sốt rét rồi nhanh chóng bắt tay vào nghiên cứu vaccine thử nghiệm.
Năm 1998, sự nghiệp khoa học của GIlbert tạm thời gián đoạn khi bà sinh 3 và nuôi dạy chúng cùng một lúc. Sau khi được người chồng tận tình giúp đỡ , bà đã có thời gian tiếp tục con đường nghiên cứu của mình với vai trò giáo sư chuyên về lĩnh vực vắc xin tại Đại học Oxford. Đội nghiên cứu do bà thành lập đã tiến hành tìm tòi về hàng loạt loại vắc xin khác nhau như Ebola, MERS,..
Tháng 1/2020, nhóm của nhà khoa học Gilbert đang thử nghiệm lần thứ hai vắc xin MERS thì dịch Covid-19 dần lan rộng. Bà nhanh chóng nhận ra mình có thể tạo ra vắc xin Covid-19 tương tự như cách đã làm với MERS. Trước bối cảnh dịch bệnh ngày càng hoành hành trên khắp thế giới, Gilbert luôn phải làm việc từ sáng sớm cho tới tối muộn.
Khi vắc xin phát huy tác dụng, Gilbert và các cộng sự đã hợp tác cùng AstraZeneca để sản xuất trên quy mô lớn, với điều kiện chúng phải được bán với mục đích phi lợi nhuận.
Hiện vaccine AstraZeneca có giá chưa đến 3 USD/liều, trong khi giá của vaccine Sinopharm là khoảng 13,6 USD/liều hay Moderna khoảng 33 USD/liều. Đây là một trong những loại vắc xin phổ biến nhất, được WHO chứng nhận về độ hiệu quả và an toàn. Thế giới sẽ luôn nhìn Sarah Gilbert với một thái độ đầy biết ơn - một nhà khoa học có trái tim nhân hậu, không màng lợi ích của bản thân để mọi quốc gia đều có thể tiếp cận vắc xin.
Pfizer - BioNTech và cặp vợ chồng thành danh sau nhập cư
Không nhiều người biết rằng, đứng đằng sau một trong những loại vắc xin phòng Covid-19 hiệu quả đầu tiên trên thế giới chính là cặp đôi khoa học gia nhập cư từ Thổ Nhĩ Kỳ. Hai vợ chồng bác sĩ Ugur Sahin (55 tuổi) và Ozlem Tureci (53 tuổi) thành lập công ty khởi nghiệp BioNTech có trụ sở tại Đức - đơn vị hợp tác với Tập đoàn dược phẩm Pfizer (Mỹ) phát triển dự án vắc xin ngừa Covid-19.
Cha mẹ của Ugur Sahin từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Đức để làm việc trong nhà máy hãng xe Ford. Khi lớn lên, Ugur Sahin theo đuổi ước mơ học ngành y, sau đó làm việc cho bệnh viện trường đại học Cologne và Hamburg. Tại Hamburg, ông đã gặp Ozlem Tureci - con gái một bác sĩ cũng di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm 2001, cặp đôi đã thành lập Công ty Ganymed Pharmaceuticals chuyên phát triển kháng thể ngăn ngừa các bệnh ung thư. Ugur Sahin trở thành GS Đại học chuyên về y học phân tử và miễn dịch học, còn Ozlem Tureci là chủ tịch Liên đoàn Liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư châu Âu.
Vài năm sau, cả hai đã thành lập BioNTech, chuyên nghiên cứu về nhiều loại công nghệ hơn, trong đó bao gồm việc sử dụng mRNA để điều trị ung thư.
Năm 2018, BioNTech bắt đầu hợp tác với Pfizer. Tháng 1/2020, khi đọc được bài báo về hàng loạt ca viêm phổi do virus lạ tại Vũ Hán, Ugur Sahin cùng vợ và các cộng sự đã bắt tay tiến hành dự án khẩn mang tên "Lightspeed" nhằm phát triển một loại vắc xin ngăn ngừa.
9/11/2020, Pfizer cùng BioNTech thông báo loại vắc xin mà họ đang cùng sản xuất sử dụng công nghệ mRNA đạt hiệu quả tới 90% trong lần thử nghiệm giai đoạn 3. Giá trị của BioNTech được định giá lên tới 25 tỷ USD.
Sahin và vợ luôn làm việc cùng nhau. Họ mong muốn tìm kiếm vắc xin với mục đích giúp đỡ thế giới nhanh chóng vượt qua dịch bệnh lần này. Năm 2018, trong một cuộc họp về y khoa tại Berlin, Giáo sư Sahin đã từng tự tin phát biểu rằng BioNTech sẽ sử dụng công nghệ mRNA để nhanh chóng phát triển một loại vắc xin trong trường hợp thế giới xảy ra dịch bệnh.
Dù đã là tỷ phú, nhưng hai vợ chồng vẫn có cuộc sống giản dị. Họ không có xe hơi, đạp xe đi làm và dành toàn bộ tâm sức cho khoa học. Thậm chí, khi biết tin vắc xin của mình đạt được hiệu quả cao, họ chỉ ăn mừng bằng một tách trà Thổ Nhĩ Kỹ đơn giản tại nhà.
Moderna - Nỗ lực không ngừng nghỉ từ thất bại
Barney Graham, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu vắc xin thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ đã dành phần lớn thời gian trong cuộc đời mình để nghiên cứu về các loại vắc xin. Bắt đầu từ việc tìm hiểu về thảm họa thử nghiệm vắc xin năm 1966 trong suốt hàng chục năm, ông tiếp tục nỗ lực trong nhiều nghiên cứu khác, bao gồm vắc xin Zika.
Mối duyên đầu tiên giữa Graham và Moderna bắt đầu khi ông chọn Moderna làm công ty sản xuất và phân phối vắc xin Zika do ông điều chế. Trong đợt thử nghiệm đó, Moderna đã sử dụng công nghệ mRNA để phát triển vắc xin mới mạnh hơn 10 lần. Đây cũng là bước quan trọng trong việc hình thành nên vắc xin Covid-19.
Khi dịch Covid bắt đầu lây lan tại Trung Quốc, ông đã liên lạc với CEO của Moderna, ông Stephane Bancel để chế tạo vắc xin nhanh nhất có thể.
Nhóm cộng sự của ông bao gồm Jason McLelan, nhà khoa học tốt nghiệp từ ĐH John Hopkins và Kizzmekia Corbett - công tác tại phòng thí nghiệm của Graham. Họ đã tích cực làm việc cùng với Moderna để phát triển công thức vắc xin chỉ trong vài tuần.
Nội dung liên quan
Ngày 18/5, sau khi Moderna công bố vắc xin thành công từ đợt thử nghiệm đầu tiên, cổ phiếu của hãng đã tăng 250%. Ngày 16/11/2020, hiệu quả của vắc xin Moderna chính thức được công nhận.
Giữa thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tiêm ngừa vaccine là một trong những biện pháp hữu hiệu để chúng ta bảo vệ sức khoẻ và trở lại cuộc sống bình thường. Tuyến bài Toàn cảnh Vaccine sẽ giúp độc giả có cái nhìn tích cực, lạc quan và sự hiểu biết nhất định về vaccine Covid-19 để nâng cao ý thức tiêm ngừa và phòng chống dịch bệnh.
Nguồn: TH&PL