VieZ.vn - Những ca khúc V-pop được cho ra mắt gần đây của Đông Nhi, Văn Mai Hương hay Bảo Anh đều vướng nghi vấn "đạo nhái".
Sự giống nhau của các ca khúc
Bài hát Mưa Tháng Sáu đánh dấu sự trở lại đường đua âm nhạc của ca sĩ Văn Mai Hương sau gần một năm. Chỉ vừa ra teaser, sáng tác của nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền ngay lập tức bị đặt câu hỏi "đạo nhái" nhạc Hoa. Khán giả cho rằng phần giai điệu gợi nhiều đến Dạ Khúc của ca sĩ Jay Chou.
Nhạc sĩ Kai Đinh với ca khúc cùng ca sĩ Bảo Anh mang tên Cô Ấy Của Anh Ấy cũng bị tố "vay mượn" nhạc Hoa, cụ thể là Năm Tháng Vội Vã do Vương Phi thể hiện. Kai Đinh tung tổng phổ của hai bài hát lên mạng xã hội để chứng minh đây không phải là sản phẩm "đạo nhái".
Trước đó, sự trở lại của Đông Nhi cũng bị tố là "đạo nhái". Nhiều ý kiến cho rằng phần melody trong bài hát Người Ôm Pháo Hoa của nữ ca sĩ sinh năm 1988 giống Xem Như Gió Chưa Từng Thổi Qua - bài hát nhạc Trung đình đám.
Ngoài ra, phần mở đầu của các verse trong bài hát với cấu trúc "Pháo hoa..." cũng bị cho là có những nét tương đồng với bài hát Tam Sinh Tam Thế do Trương Kiệt trình bày.
Nội dung liên quan
Cách nhạc sĩ xử lý
Nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền thừa nhận từ khi có bản demo, ca khúc Mưa Tháng Sáu đã bị nhận xét "giống nhiều bài hát khác". Nhạc sĩ sáng tác giải thích: "Không chỉ Dạ Khúc của Jay Chou mà kể từ khi ra mắt demo, ca khúc bị bảo giống rất nhiều, nào là Sick Enough To Die, Who I Am của Jolin Tsai,...
Thật ra tất cả bài hát nói trên cùng với Mưa Tháng Sáu đều có cùng 1 mẫu số chung: vòng hòa thanh. Đó là hòa thanh rất phổ thông, tạo nên cảm giác giai điệu giống nhau. Thế nên khi mọi người nghe sẽ cảm thấy nó giống nhau".
Đó là hòa thanh rất phổ thông, tạo nên cảm giác giai điệu giống nhau
Nhạc sĩ Kai Đinh nói: "Tôi muốn chia sẻ một quan điểm cá nhân: Nhạc Hoa rất hay. Tầm ảnh hưởng của một nền văn hoá lâu đời và hùng mạnh như văn hoá Trung Quốc là không thể phủ nhận đối với việc phát triển văn hoá nghệ thuật của bất kỳ quốc gia nào trong khu vực.
Nhưng điều đó không có nghĩa là bài hát nào mang giai điệu màu sắc Á Đông cũng là 'mượn' từ nhạc Hoa, không phải bài hát nào có phần lời nhiều so sánh ẩn dụ cũng là 'mượn' cách viết lời của nhạc Hoa".
Không phải bài hát nào mang giai điệu màu sắc Á Đông cũng là 'mượn' từ nhạc Hoa
Trước đó, nhạc sĩ Nguyễn Phúc Thiện không ít lần dính nghi vấn "đạo nhái" nhạc Trung. Phần điệp khúc của bài Đáp Án Cuối Cùng do anh sáng tác được nhiều khán giả cho rằng tương đối giống với ca khúc How You Have Been của ca sĩ Trung Quốc - Eric.
Vào đầu năm 2021, Sau Lưng Anh Có Ai Kìa của Thiều Bảo Trâm do nhạc sĩ này sáng tác cũng bị cho có cách đi melody giống đến hơn 90% so với phần nhạc dạo đầu của bài hát Có Thể Không của Vương Tĩnh Văn.
Ngoài ra, Yêu Là Tha Thu - OST của bộ phim đình đám Em Chưa 18 - do nhạc sĩ Nguyễn Phúc Thiện sáng tác cũng bị nhận xét là giống đến 90% so với phần điệp khúc Simple Love của Joyce Chu và Michiyo Ho. Trước tất cả những nghi vấn, nhạc sĩ Nguyễn Phúc Thiện đều im lặng.
Âm hưởng nhạc Hoa lên Vpop
Gần đây, xu hướng nhạc Hoa - lời Việt cũng bắt đầu lên ngôi. Từ Là Anh của vũ công Phạm Lịch, nhiều cái tên khác như người đẹp Nam Em, bộ đôi ca sĩ LyLy - Anh Tú và nhiều nghệ sĩ khác cũng bắt đầu đi theo xu hướng này. Điểm chung giữa những cái tên này là nhận về nhiều trái chiều sau khi ra mắt ca khúc mới.
Ca sĩ Phương Thanh tại Hãy Nghe Tôi Hát 2023 cũng đề cập thêm đến "hiện tượng mạng" và trào lưu cover nhạc Hoa lời Việt đang thịnh hành trở lại.
Nữ ca sĩ nêu quan điểm: "Hiện tại, lực lượng ca sĩ quá đông nhưng lượng bài hát lại không nhiều. Tôi ủng hộ những bài hát được dịch lời Việt vì những ca khúc ấy có giai điệu, ca từ, nội dung rất hay.
Nếu Việt Nam có một đội ngũ sáng tác thật dày và thật tốt thì chưa chắc ai đã chịu cover, hát những ca khúc nhạc Hoa lời Việt. Tôi nhận thấy, cái cung cái cầu phải hợp lý".
Nếu Việt Nam có một đội ngũ sáng tác thật tốt, chưa chắc ai đã chịu cover nhạc Hoa lời Việt
Nội dung liên quan
Nguồn: TH&PL