Mới đây, diễn viên Minh Dự đã cho ra mắt sách "Mình ngồi xuống kể tổn thương trong lòng" như một liều thuốc chữa lành giữa dịch bệnh.
"Mình ngồi xuống kể tổn thương trong lòng" một cuốn sách được cho ra mắt sau hai năm ấp ủ của tác giả Minh Dự. Buổi họp báo diễn ra vào lúc 13h00 ngày 6/12 với sự dẫn dắt của MC Liêu Hà Trinh cùng với sự tham dự của rất nhiều nghệ sĩ như Thành Lộc, Cẩm Ly, Đại Nghĩa, Trác Thuý Miêu,...
Giữa lúc rất nhiều người đang cần được bộc bạch những tổn thương trong lòng sau nhiều ngày tháng ngày chìm đắm trong dịch bệnh, thì quyển sách của tác giả Minh Dự như một liều thuốc tinh thần, nhằm xoa dịu những tổn thương do Covid-19 khi bước vào cuộc sống bình thường mới.
"Mình ngồi xuống kể tổn thương trong lòng" là một quyển sách kể về niềm đau bằng những áng thơ nhẹ nhàng, sâu sắc và những tản văn mang ngôn ngữ dung dị, đời thường. Sách của chàng diễn viên hài sinh năm 1995 là trải nghiệm về cuộc đời, tình yêu, cách đối diện với người khác và với chính bản thân bằng những tổn thương "có qua có lại" giữa con người với nhau.
Chia sẻ với , Minh Dự đặt ra một câu hỏi ngỏ cho tất cả chúng ta: "Đã bao giờ các bạn tự hỏi mình đã làm tổn thương ai đó chưa?"
Quyển sách Minh Dự vừa ra mắt có tên "Mình ngồi xuống kể tổn thương trong lòng", vậy tổn thương ở đây là gì?
"Mình ngồi xuống kể tổn thương trong lòng", khi đọc tựa sách này nhiều người sẽ nghĩ mình ngồi xuống kể tổn thương trong lòng của mình cho người khác nghe và người khác chia sẻ. Nhưng đã bao giờ các bạn tự hỏi mình đã tổn thương ai đó chưa? Chắc chắn có! Từ lời nói, hành động và cả sự vô tâm của chúng ta. Và Dự nghĩ trong thời kì dịch bệnh vừa qua, mọi người dần quý trọng những mối quan hệ thân thiết xung quanh, đặc biệt chúng ta đã hướng về gia đình nhiều hơn.
Bởi vậy Dự mới có một câu trong sách là: "Mấy mùa giãn cách đi qua/ Người ta mới hiểu nhà là bình yên".
Đã có bao giờ các bạn ngồi xuống bên mâm cơm và những người thân trong nhà mình và hỏi rằng có ai tổn thương vì mình chưa? Và đây là lúc chúng ta ngồi xuống và kể nhau nghe.
Đôi khi lời xin lỗi nó không bằng cách chúng ta ngồi xuống và nói ra hết đâu. Chính vì thế Dự nghĩ mọi chuyện sẽ xoa dịu hơn khi "mình ngồi xuống kể tổn thương trong lòng".
Vừa hay, có đang thực hiện một tuyến bài tên #YouAreNotAlone - Hồi phục tinh thần sau đại dịch. Theo Minh Dự, thơ ca/văn học đóng vai trò như thế nào trong sự chữa lành đời sống tinh thần của con người?
Khi đối diện với câu hỏi này, Minh Dự phải hỏi lại mọi người một câu là: Cho tới bây giờ, biết bao nhiêu thế hệ được sinh ra và lớn lên, mọi người đã đi vào giấc ngủ bằng gì? Có phải bằng câu ca dao không? Bằng những câu hát ru của bà, của mẹ mình không? Và tới bây giờ vẫn vậy.
Có thể chúng ta không còn nằm trên giường tre, nằm võng đan như ngày xưa vì bây giờ mọi thứ đã hiện đại nhưng ít ra vẫn có những lời ru tồn tại, thì những lời ru đó đã mang những giá trị văn học rất quý giá rồi.
Từ nhỏ chúng ta đi vào giấc ngủ bằng lời ru thì càng lớn chúng ta mới càng thấy tầm quan trọng của văn học Việt Nam. Đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh như thế này thì con chữ hoàn toàn có thể xoa dịu được tâm hồn của chúng ta, cả từ phía người đọc và người viết.
Vậy Minh Dự đã "chữa lành" chính mình như thế nào khi thực hiện quyển sách này?
Với quyển sách này, mình nhìn nhận khác, suy nghĩ khác và thay đổi rất là nhiều. Vì sau một mùa dịch với nhiều đợt giãn cách liên tiếp như vậy thì không chỉ một mình Minh Dự trưởng thành đâu mà độc giả và khán giả cũng trưởng thành. Vẫn là ngôn từ của Dự nhưng mình làm tăng thêm sự dung dị và dễ chịu hơn.
Cuốn sách này, Dự diễn tả nỗi đau nhưng mình dùng những từ ngữ "dưới" mức nỗi đau một chút. Giống như khi mình uống thuốc vậy, thuốc có tác dụng chữa lành những bệnh mình đang có thì cuốn sách của Dự cũng vậy. Khi mọi người đã chịu quá nhiều tổn thương và đau đớn thì khi mọi người cầm cuốn sách của Dự sẽ cảm thấy bớt tổn thương đi một chút.
Người ta thường trở nên buồn bã hơn sau đại dịch, và nếu có viết lách thì "mood" nhìn chung sẽ rất buồn. Nhưng thơ của Minh Dự lại có lối gieo vần nhẹ nhõm, nhắc lại nhiều chuyện buồn với sự hoài niệm, bâng khuâng. Làm sao để Minh Dự có thể kể về nỗi đau một cách "nhẹ nhõm" như vậy?
Giọng văn của mình sẽ thể hiện theo lối sống, phong cách và lối suy nghĩ mỗi ngày của mình nữa. Dự rất hay lang thang cà phê một mình… nhiều lắm là hai mình chứ không nhiều! Điều đó đã cho thấy cái sự "nhẹ nhàng" trong con người của Minh Dự. Đó còn là khoảng thời gian mình có thể nhìn ngắm mọi thứ.
Có những phút giây trên sân khấu, ở phim trường và đi làm bận rộn thì đôi lúc mình cần tĩnh lặng một xíu. Điều đó đã làm nên giọng văn của Dự, nó nhẹ nhàng, tình cảm và dễ có sự đồng điệu với độc giả.
Minh Dự trên sân khấu là một người hài hước và tạo ra nhiều tiếng cười cho khán giả, nhưng trong viết lách dường như anh thể hiện một khía cạnh khác - suy ngẫm nhiều hơn, ẩn ý và sâu sắc hơn. Đâu mới là "con người thật" của Minh Dự?
Minh Dự thì có cả hai con người thật. Vì ai cũng có sự "đa nhân cách" mà, vui có, buồn có, đau khổ có, vui sướng có,... chẳng qua là chúng ta phát triển điều gì tích cực hơn thôi.
Dự nghĩ là con người cả ngày vui vẻ đó, nhưng khi tối về lại buồn đó… ai cũng vậy không chỉ riêng gì Minh Dự. Nếu mọi người muốn có những phút giây giải trí, nhiều tiếng cười cho cuộc sống này bớt mệt mỏi thì mọi người hãy đến sân khấu kịch vì sẽ có những vở diễn hay lên YouTube để xem phim ảnh của Minh Dự. Còn nếu mọi người cần một góc riêng tĩnh lặng, không muốn tới sân khấu, không muốn lên YouTube mà chỉ muốn lắng nghe tâm sự thôi thì đọc sách của Minh Dự để thấy lòng mình được an ủi.
"Mình ngồi xuống kể tổn thương trong lòng" là một quyển sách vừa có thơ, vừa có tản văn/truyện ngắn. Tại sao Minh Dự lại gộp hai thể loại này vào chung một cuốn sách?
Thơ của Dự là khoảnh khắc, còn tùy bút của Dự là câu chuyện. Sự kết hợp này sẽ giúp làm đa dạng nhiều chiều hơn cho người đọc. Chứ nếu viết thơ không thì chẳng lẽ cuộc đời của mình cứ "nhịp nhàng" như vậy, còn nếu là văn xuôi không thì nó cũng dềnh dàng quá. Mình nghĩ kết hợp cả hai để chúng ta dễ dàng tiếp cận đến cảm xúc của nhiều người hơn.
Để ý thì thấy sách của Minh Dự tập trung nhiều vào những câu chuyện ở Sài Gòn. Vậy, cảm xúc, tình yêu anh dành cho Sài Gòn như thế nào? Và Dự cảm thấy thay đổi lớn nhất của Sài Gòn sau dịch bệnh là gì?
Phải nói là Dự yêu Sài Gòn lắm, sách của Dự rất ít khi dùng từ thành phố mà lại thích dùng từ Sài Gòn hơn. Tại vì đây là một tiếng gọi thân thương từ nào giờ, để giải thích thì rất khó nhưng có lẽ chỉ khi sinh ra và lớn lên trong khu lao động từ nhỏ, nghe những tiếng leng keng của xe hủ tiếu gõ và tiếp xúc biết bao nhiêu ngành nghề, đối tượng. Có thể, những ngành nghề trong xóm lao động đó lại là tiếng chuông báo thức cho mình mỗi ngày nữa! Chỉ khi được trải nghiệm và có những cảm xúc đó, thì mình mới yêu cái từ Sài Gòn đến vậy.
Sau dịch bệnh, Sài Gòn có một chút thay đổi nhưng đó là do con người thay đổi. Chúng ta bắt đầu biết quý trọng sức khỏe của mình và quan tâm đến người nhà. Bởi vì chỉ có người nhà mới nhắc nhở chúng ta súc nước muối mỗi ngày, chính người nhà mới hỏi chúng ta hôm nay muốn ăn món gì, chính người nhà mới dặn mình đi đâu cũng phải đeo khẩu trang nha, đi về nhà thì rửa tay liền nha!
Sau cuộc sống có quá nhiều những bi kịch xảy ra nên người ta mới cần đến những tác phẩm mang tính chất "healing" nhiều hơn. Đó có phải là lý do vì sao mà sách của Minh Dự đã tính đến kế hoạch tái bản chỉ sau 1 ngày ra mắt vì "cháy hàng"?
Có tổn thương, có đau khổ thì chúng ta mới cần đến sự chữa lành. Nó giống như một căn bệnh của tinh thần vậy. Dự cảm giác sau mấy mùa dịch bệnh và những đợt giãn cách xã hội, đồng ý là mọi người đã trở lại với công việc và cuộc sống hàng ngày nhưng mà chúng ta sẽ chắt lọc lại nhu cầu giải trí của bản thân.
Mọi người bắt đầu quay lại với những gì dung dị, bình thường và chọn hướng về bên trong nhiều hơn. Và cuốn sách của Dự có thể đã giúp mọi người "chữa lành" những tổn thương bên trong như vậy.
Cảm ơn những chia sẻ có Minh Dự cùng !
Trái tim kinh tế của Việt Nam - TP.HCM - và phần lớn lãnh thổ đất nước vừa trải qua khoảng thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt vì đại dịch Covid-19. Tất cả hoạt động đang tái khởi động về trạng thái bình thường mới sau những cố gắng của chính phủ và người dân. Tuy nhiên, những dư chấn ám ảnh của đại dịch sẽ khiến cho thế hệ chúng ta không bao giờ quên. Hơn 23.000 người Việt Nam đã ra đi mãi mãi (thống kê cho đến tháng 11/2021) và những tổn thương từ thể chất đến tinh thần khó có thể nào lành. khởi động chiến dịch #YouAreNotAlone với một mục đích duy nhất: góp phần hồi phục và chữa lành tất cả tổn thương hiện hữu. Chúng tôi, ban biên tập cùng với những người bạn đồng hành, thật tâm mong rằng, tất cả cùng chung tay để không ai phải lẻ loi một mình khi cuộc sống dần hồi phục.
Nguồn: TH&PL