Cảm nhận văn học phổ thông hay sự rập khuôn quy mô lớn "vô tội vạ"?

Cảm nhận văn học ở cấp phổ thông đang ngày càng nhàm chán?

Ngữ Văn từ lâu đã là một môn học gắn liền với các bạn học sinh trong suốt quá trình học tập tại cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Tuy nhiên, cứ mỗi lần đến kỳ thi hoặc kiểm tra, các bạn học sinh lại phải gian nan in từng câu từng chữ vào trong trí nhớ, dù câu hỏi luôn là về "cảm nhận" của các bạn.

Khi “cảm nhận của em” không còn là “cảm nhận của em”

Bước vào những khoảng thời gian thi học kỳ ở các cấp học phổ thông, không khó để bắt gặp những hình ảnh các bạn học sinh gà gật cùng quyển sách Văn, nhằm kiếm một số điểm "vừa mắt" hoặc chí ít là đủ để đạt yêu cầu. So với các môn khoa học tự nhiên, nơi các bạn có thể học công thức và tự do áp dụng, môn Văn có vẻ yêu cầu khắt khe hơn khi có quá nhiều thông tin bắt buộc người học phải ghi nhớ bằng cách học thuộc, thay vì có cái công thức - như một chiếc chìa khoá để vận dụng như các môn tự nhiên.

cam nhan van hoc pho thong hay su rap khuon quy mo lon vo toi va - anh 0

Một trong những mục đích của bộ môn Ngữ văn đối với giáo dục đó là giúp người học có thể cảm thụ được các tác phẩm văn học được sắp xếp theo xuyên suốt chiều dài lịch sử của đất nước. Tuy nhiên, mục đích chính của môn học đã bị bóp méo đi phần nào qua năm tháng. Theo đó, đề bài thường đặt ra những vấn đề từ tác phẩm trong chương trình học, và yêu cầu học sinh đưa ra "cảm nhận" hoặc "suy nghĩ của mình" về những vấn đề đó. Dù vậy, khoảng trống dành cho suy nghĩ thực sự của người học luôn rất chật hẹp, thay vào đó, mọi thứ cần được trình bày đúng như "sách vở" với nghĩa đen, là những gì họ đã được ghi chép trong các tiết học.

Trong thời đại ngày nay, khi những người trẻ đang được khuyến khích để mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình, nhưng họ lại bị bó buộc bởi những khuôn khổ và thước đo đã tồn tại từ rất lâu trong những bài văn của mình. Điều này dường như đi ngược lại với xu hướng của thời đại, nhưng lại khiến phần lớn người học phải làm theo, do việc này ảnh hưởng đến điểm số, một sự bảo chứng cho quá trình học tập của họ. Do đó, hầu hết học sinh sẽ khó lòng bước ra khỏi thế giới rập khuôn mà có thể cất lên tiếng nói của riêng mình, hay những góc nhìn, quan điểm mới mẻ trong các bài văn, bởi sự ràng buộc từ những điểm số đầy ma lực. 

cam nhan van hoc pho thong hay su rap khuon quy mo lon vo toi va - anh 0

Không có chỗ cho sự đột phá trên ghế nhà trường?

Mải chạy theo những điểm số, đại đa số người học quên rằng môn Văn chính là một bộ môn của sự sáng tạo và luôn luôn đề cao tính cá nhân trong việc khám phá những cái hay, cái đẹp thông qua các tác phẩm. Tuy nhiên, điều đó đã mất dần theo chiều dài của quá trình học tập, khi các bạn học sinh chọn học thuộc văn mẫu hay toàn bộ những gì thầy cô cho ghi chép, để có một vé nằm trong vùng an toàn. Quan trọng hơn, điều đó phần lớn nhận được sự đồng tình từ phụ huynh, với lý do không thể hợp lý hơn, là để có một chiếc học bạ "không vết xước". 

cam nhan van hoc pho thong hay su rap khuon quy mo lon vo toi va - anh 0

Trò chuyện với bạn H.N, sinh viên năm nhất của một trưởng đại học tại TP.HCM, về môn Văn ở cấp THPT, bạn chia sẻ: "Em thấy môn Văn không khó, tuy nhiên nó bị quá gò bó về mặt nội dung và ý tưởng. Đại loại, các bạn học sinh bị bó buộc quá nhiều vào giáo án của thầy cô, khiến các góc nhìn mang tính cá nhân từ phía học sinh đối với tác phẩm thường bị bác bỏ hoặc bỏ qua". Rõ ràng, khó có thể phủ nhận thực trạng gò bó về tư duy văn học và sáng tạo mà các bạn học sinh đang phải gánh chịu khi cố gắng cảm thụ những tác phẩm văn học của đất nước.

Nhìn chung, sự gò bó trong môn Văn tại các cấp học phổ thông trực tiếp tạo nên việc thiếu những góc nhìn đa chiều, đồng thời tính cá nhân hoá của người viết gần như không còn, khi các bài văn chỉ rập khuôn theo những gì có trong giáo án. Điều này vô tình khiến Ngữ Văn trở nên nhàm chán và không còn hấp dẫn trong mắt học sinh. Khi những cây bút không thể viết lên những suy nghĩ độc lập, tự do và phóng khoáng, rõ ràng, những bài văn chỉ còn như những sản phẩm được đóng gói hàng loạt theo lối mòn mà thôi.

cam nhan van hoc pho thong hay su rap khuon quy mo lon vo toi va - anh 0

Vẻ đẹp văn học cần được cảm nhận bằng tâm hồn

Trong một cuộc phỏng vấn cách đây khá lâu, nhà văn Nguyễn Trí Huân, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: "Học văn và dạy văn bắt đầu và khởi nguồn từ cảm xúc. Nếu không khởi nguồn từ cảm xúc sẽ không có gì hết. Người sáng tạo là nghệ sĩ, người dạy văn cũng phải mang phẩm chất của nghệ sĩ. Phải để cho các em độc lập suy nghĩ. Cũng giống như khi viết một tác phẩm văn học, phải để lại một khoảng để người đọc tiếp nhận, suy nghĩ thêm". 

Theo đó, nhà văn khẳng định rằng ngay từ việc tạo ra tác phẩm, người đọc đã được tạo điều kiện để tự cảm thụ tác phẩm theo cách riêng của mình. Nhưng vô tình, cách học sinh tiếp cận đến môn Văn ngày nay lại hoàn toàn đi ngược lại điều đó. Việc bó buộc và phụ thuộc quá nhiều vào giáo án mà buông bỏ những cái mới, cái tân tiến, dù xã hội vẫn đang thay đổi từng ngày khiến môn học ngày càng trở nên khiên cưỡng và khó tiếp thu trong mắt các bạn học sinh, cũng như đi ngược hoàn toàn mục tiêu của bộ môn khi được đưa vào chương trình học các cấp phổ thông.

cam nhan van hoc pho thong hay su rap khuon quy mo lon vo toi va - anh 0

Những góc nhìn thú vị, mới mẻ và độc đáo từ các tác phẩm văn học chính là những chất xúc tác cần thiết cho sự phát triển độc lập về tư duy của người học. Những tác phẩm văn học luôn được tạo ra để người đọc, người xem có thể cảm thụ theo cách riêng của mình, qua đó cũng làm phong phú thêm các góc nhìn, bên cạnh các tầng ý nghĩa mà tác giả muốn truyền đạt. Do đó, thực trạng hiện nay đang ngày càng biến "cảm nhận văn học" ở cấp độ phổ thông không khác gì một sự rập khuôn sáo rỗng trên quy mô lớn, nếu không có thay đổi gì tích cực hơn trong tương lai sắp tới.

Văn học trong nhà trường: Cần lắm sự cởi mở qua những đề thi "mở"?

Bộ GD&ĐT chia kỳ thi THPT Quốc gia 2021 thành 2 đợt thi, ai sẽ phải thi đợt 2?

Sư phạm là chiếc hộp khuôn khổ đầy quy chuẩn? Gen Z sẽ phá vỡ và chinh phục!

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ