Gen Z - thế hệ nổi tiếng luôn mang đến năng lượng tích cực trong mọi nghịch cảnh đã "tìm cách" vượt qua dư chấn tâm lý đó như thế nào khi cuộc sống trở về bình thường mới?
Những ngày cuối năm 2021, ai nấy cũng bắt đầu tất tả ngược xuôi để hồi phục kinh tế sau một năm thất thu vì dịch bệnh. Nhưng bên cạnh sự hối hả thường ngày, vẫn có những tổn thương khó có thể nào lành lại sau nhiều dư chấn ám ảnh.
Từng bị đe dọa tính mạng vì Covid-19, hơn ai hết những F0 đã trở về từ ranh giới của sinh tử đã trải qua một cảm giác sợ hãi tột độ, đến mức... "từng nghĩ mình sẽ chết nên phải tranh thủ làm những điều mình muốn như ăn ngon, uống ngon trước khi quá muộn" - Bạn Trâm Anh đã chia sẻ với như thế khi hồi tưởng lại khoảng thời gian mình bị F0.
Một bác sĩ về sức khỏe tinh thần hàng đầu như Pereau cũng đã có nhận định: "Sau một sự kiện đau buồn, cá nhân thường có cảm giác sợ hãi và dễ bị tổn thương hơn". Và nếu phát triển ở cấp độ cộng đồng thì những ảnh hưởng sẽ có thể tác động đến cả xã hội.
Nhưng các bạn trẻGen Z - thế hệ nổi tiếng luôn mang đến năng lượng tích cực trong mọi việc đã "tìm cách" vượt qua dư chấn tâm lý đó như thế nào khi cuộc sống trở về bình thường mới?
Động lực lớn nhất để mình vượt qua là vì gia đình!
Trần Thái Ngọc Phúc, sinh năm 2002, hiện đang là sinh viên năm 2 trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Cách đây 3 tháng, gia đình của Phúc đã bị Covid-19 ghé thăm khiến cả mẹ, em trai và Phúc đều bị nhiễm bệnh. Dùng từ "kinh khủng" để nói về thời điểm ấy, Phúc đã có những chia sẻ với như sau:
"Buổi sáng hôm đó, mình bị ba đánh thức dậy và nói mẹ ngất xỉu, đã đưa ra trạm để đi cách ly, cảm giác lúc đó vừa lo lắng, vừa sợ vì mẹ chỉ vào khu cách ly một mình. Tuy nhiên, ngay khi biết mẹ là F0 thì mình đã cố gắng suy nghĩ tích cực nhất có thể vì nhà còn có em nhỏ, chỉ biết cầu nguyện cho mọi thứ có thể vượt qua. Chuyện gì đến cũng sẽ đến, mình và em trai cũng bị lây nhiễm và được đưa và khu cách ly cùng mọi người.
Nếu kể lại những lúc mình bị mắc bệnh và chứng kiến những việc xung quanh thì mình xin nói đó là những ký ức kinh khủng, ám ảnh mình đến tận bây giờ. Mình và em trai đã nhanh chóng khỏi bệnh sau vài ngày điều trị và được trở về nhà, còn mẹ mình thì nặng hơn và cách ly ở một bệnh viện dã chiến khác.
Cứ theo lịch là sáng mình gọi mẹ 1 lần chiều tối 1 lần thì tối đó mình tiếp tục gọi mẹ thì mẹ mình không bắt máy và mình đã nghi ngờ nhưng vẫn cố gắng trấn an bản thân. Đến tối hôm sau, mính nhận được cuộc điện thoại của mẹ, thì mới biết mẹ hiện đã chuyển qua bệnh viện dã chiến thở oxi và rất rất yếu. Mình đã cố gắng trấn an mẹ là không sao đâu nhưng lúc này trong đầu mình nỗi sợ lên "đỉnh điểm".
Tối hôm đó và mấy ngày sau mình không ngủ được và hay bị giật mình ám ảnh là sợ mẹ mình có chuyện gì xảy ra. Mình biết bệnh viện mẹ mình vào ít người vượt qua khỏi nên đó là ám ảnh đến mình đế tận bây giờ.
Lúc đó mình cảm giác như muốn từ bỏ hết mọi thứ và muốn đến bệnh mẹ để ở cạnh thôi. Động lực lớn nhất để giúp mình có thể dần trở lại bình thường và phục hồi đó là mẹ, mình biết hai anh em phải gắng hết bệnh và khỏe mạnh thì mẹ mình mới đỡ phần nào lo lắng và tập trung hồi phục để trở về nhà với anh em mình.
Bên cạnh đó còn các thầy cô, người thân, anh chị bạn bè lúc nào cũng bên cạnh động viên mình và giúp mình vượt qua được khó khăn. Từ đó thúc đẩy ý chí mình phải cố gắng, làm những điều nhỏ nhặt là động viên tinh thần của mẹ trước để mẹ cố gắng.
Cảm ơn mẹ vì cuối cùng cũng đã trở về với anh em mình!
Hết bệnh, "trốn" nhà đi chống dịch
Nguyễn Phạm Thùy My, sinh năm 2005, hiện đang là học sinh lớp 11 trường THPT Võ Thị Sáu. Chia sẻ với , My cho biết gia đình mình từng có 3 người là F0, nhưng bằng tinh thần lạc quan tích cực và cô bạn và cả nhà đều chiến thắng Covid-19. Thắng cuộc chiến này, lại đến cuộc chiến khác, My quyết tâm ra sức đi chống dịch để không chỉ hồi phục cuộc sống cho chính mình mà còn cho nhiều người khác.
"Khi biết được bản thân là F0, mình đã rất là sốc, hoảng sợ vì kiến thức về dịch bệnh lúc đó với mình còn rất là mơ hồ và em nghĩ rằng sẽ phải điều trị vô cùng khó khăn vì cảm thấy bản thân sẽ không vượt qua được.
Cả xóm của khu nhà mình cũng đã bị một vài người. Sự thì kì thị F0 ở đâu mà không có và ở khu mình cũng không ngoại lệ lắm. Lúc nhà mình bị dán bảng đỏ thì cũng có những lời ra tiếng vào và lúc đó mình chỉ muốn bản thân cùng gia đình mau chóng khỏi bệnh để không phải chịu "một số" ánh nhìn kì thị đó. Song, trong lúc chống chọi với Covid-19 thì mình cũng nhận được sự giúp đỡ từ các nhân viên y tế, trong đó có cả tình nguyện viên chống dịch.
Khi mà trở về cuộc sống bình thường sau khi khỏi bệnh, mình đã quyết định đi làm tình nguyện viên chống dịch để có thể giúp được mọi người với tâm trạng lạc quan hơn. Ngoài ra, cũng trang bị cho bản thân những kiến thức sâu hơn về dịch bệnh để không còn hoang mang, sợ hãi như lần trước. Tuy nhiên, mình đã không nhận được sự ủng hộ của gia đình. Mình đã phải trốn đi và tìm cách nói dối bố mẹ như sang nhà bạn học, hoặc xin về sớm trước giờ ba mẹ đi làm về...
Mình tiếp tục hành trình chống dịch này đến tận bây giờ. Vừa học online, vừa chống dịch, hơi cực một xíu nhưng mình thấy vui vì được làm điều ý nghĩa cho cuộc sống. Hiện nay, thành phố đã quay trở lại cuộc sống bình thường mới, song số ca nhiễm bệnh vẫn tăng dù đã được phủ sóng 2 mũi vaccine. Mình hi vọng rằng mọi người vẫn sẽ ý thức giữ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng, tuân thủ theo quy tắc 5K và chung tay đẩy lùi dịch bệnh!
Vừa học online, vừa chống dịch, hơi cực một xíu nhưng mình thấy vui vì được làm điều ý nghĩa cho cuộc sống
Hồi phục bằng cách tiếp tục theo đuổi đam mê
Thái Sang (1999) hiện là sinh viên năm cuối đang sinh sống và học tập tại Bình Dương - nơi tâm điểm dịch bệnh thứ 2 sau TP.HCM. Sang đã cùng mẹ trở thành F0 nhưng đã cố gắng vượt qua bằng tất cả sự lạc quan và tích cực.
"Mình đón nhận tin mình trở thành F0 rất bình thản vì mình ở Tp. Thuận An, Bình Dương - tình hình dịch bệnh rất căng thẳng, hầu như xung quanh mình đều thành F0 cả. Mình là F0 qua sàng lọc cộng đồng nên được đưa thẳng đến khu điều trị. Trong suốt thời gian đó, mình được bạn bè gửi vào khu điều trị rất nhiều đồ ăn thức uống, đến nổi mình mang về nhà ăn mấy tuần sau mới hết... Tình cảm của mọi người dành cho mình là động lực lớn nhất để mình vượt qua trong khoảng thời gian bị bệnh.
Mình và mẹ mình cũng đi điều trị nhưng bệnh của mẹ có chuyển biến xấu, phải sự dụng máy thở. Ngày mình được xuất viện cũng là ngày mẹ chuyển viện vì tình trạng tệ đi. Lúc đó mình thật sự hoảng loạn. Nhưng sau 3 tuần điều trị thì mẹ mình cũng đã hồi phục và trở về nhà.
Mình luôn giữ tinh thần thoải mái bằng việc tiếp tục học tập, làm bài tập để quên việc mình đang bệnh. Thật ra thì trong khu điều trị mình còn cảm thấy đỡ căng thẳng hơn vì có nhiều người để giao tiếp, trong khi trước đó mình phải trải qua hàng tháng trời ở nhà.
Mình đã có thể đi làm và quay lại với đam mê nhảy múa của bản thân. Hạnh phúc trong thời điểm này chỉ có thế!
Trái tim kinh tế của Việt Nam - TP.HCM - và phần lớn lãnh thổ đất nước vừa trải qua khoảng thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt vì đại dịch Covid-19. Tất cả hoạt động đang tái khởi động về trạng thái bình thường mới sau những cố gắng của chính phủ và người dân. Tuy nhiên, những dư chấn ám ảnh của đại dịch sẽ khiến cho thế hệ chúng ta không bao giờ quên. Hơn 23.000 người Việt Nam đã ra đi mãi mãi (thống kê cho đến tháng 11/2021) và những tổn thương từ thể chất đến tinh thần khó có thể nào lành. khởi động chiến dịch #YouAreNotAlone với một mục đích duy nhất: góp phần hồi phục và chữa lành tất cả tổn thương hiện hữu. Chúng tôi, ban biên tập cùng với những người bạn đồng hành, thật tâm mong rằng, tất cả cùng chung tay để không ai phải lẻ loi một mình khi cuộc sống dần hồi phục.
Nguồn: TH&PL