Chia tay có khiến chúng ta ngộ ra điều gì đó khiến chúng ta trưởng thành hơn?
Covid-19 xuất hiện và mang đến cho chúng ta rất nhiều sự thay đổi, từ công việc đến cuộc sống và cả những mối quan hệ. Khi nỗi sợ hãi và đau buồn bao trùm khắp thế giới, các mối quan hệ, có thể đã có một vài vấn đề từ trước, bắt đầu tan vỡ dưới sức nặng của sự căng thẳng.
Chia tay - trở về làm hai người xa lạ trong hai thế giới tách biệt - dường như chưa bao giờ là một điều dễ dàng. Và hẳn là chia ly luôn có thể khiến chúng ta nhận ra nhiều điều, có thể là một cách nhìn người mới, cũng có thể là cái nhìn mới về chính mình để biết cách trân trọng bản thân, trân trọng cuộc sống và các mối quan hệ hơn.
Với bạn, "cái giá" của cuộc chia tay là gì?
Hiểu nhiều hơn, sâu hơn và đúng hơn về bản thân
"Không biết mọi người có bao giờ nghĩ bản thân mình khi yêu sẽ thế nào không, còn mình thì mình nghĩ nhiều lắm, xong phải tới 80% là trật tùm lum. Cũng nhõng nhẽo rồi buồn rầu, khóc lóc, bi luỵ các thứ, nhưng mà chia tay cũng có cái giá của nó, thấy khôn ra lớn lên bao nhiêu.
Hồi trước, mình nghĩ 'self-love' đơn giản là chăm sóc ngoại hình sức khoẻ rồi cùng lắm là tự tin thôi, nhưng mà 'self-love' về tâm hồn còn phức tạp và quan trọng hơn nhiều. Hồi trước, mình cứ nghĩ là mình hiểu bản thân lắm, nhưng giờ mình thấy mình hoàn toàn có thể hiểu nhiều hơn, sâu hơn và đúng hơn", Quỳnh Anh, 22 tuổi, hiện đang sinh sống tại Đức đã chia sẻ về mối tình đầu của mình.
Riêng việc chấp nhận bản thân mình không ngầu như mình nghĩ đã là việc khó khăn rồi. Nhưng mình cũng tự hào về bản thân mình đấy chứ, vì mình tha thứ cho mình và luôn cố gắng muốn làm mình tốt lên.
Cuộc sống của người trưởng thành là thời gian làm việc, học tập dày đặc, là mỗi người đều có một cuộc sống riêng với bộn thứ phải lo toan. Và rồi, nhịp sống vội vã ấy khiến hai người trẻ chỉ có thể gặp nhau sau... 11 giờ đêm. Mọi thứ cứ như vậy mà trôi qua, người trong cuộc cảm thấy quá thiếu thốn thời gian để giao tiếp. Dù có cố gắng chia sẻ nhưng kết quả là vẫn không thể thực sự thông hiểu nhau.
Mối tình cách biệt về tuổi tác tại nơi đất khách quê người đã khiến cho Quỳnh Anh ngộ ra nhiều bài học, về cả chính mình lẫn người ấy. Hậu chia tay, Quỳnh Anh nhận ra rằng bạn đã chưa thể lý trí và là chính mình khi yêu. Bạn nhận ra rằng có nhiều điều bản thân vốn có thể làm tốt hơn và cũng từng giận chính mình vì đã có những quyết định không đúng đắn để rồi khiến tình yêu trải qua quá nặng nề.
Khi chia tay, nhiều người thường có tâm lý trách móc và đổ lỗi cho đối phương, nhưng Quỳnh Anh lại cho rằng không có mối quan hệ nào kết thúc mà lỗi chỉ nằm ở một phía, dù ít hay nhiều. Bởi vì chuyện yêu đương cần nhiều hơn là cảm xúc, yêu đương không phải là tìm người phù hợp với mình mà là tìm người có thể cùng mình hòa hợp với nhau.
"Nói chung là có cơ hội thì nên yêu nha, đừng coi nhẹ tình yêu rồi gạt phăng nó đi vì nghĩ nó nhảm nhí hay không cần thiết gì đó, để sau cũng được hay gì đó, mà nếu thấy thích, thấy hợp thì cứ thử. Vì lúc vui thì rất vui (dù lúc buồn thì cũng siêu buồn). Mà có nhiều thứ phải trải qua chuyện yêu đương mới ngộ ra được về bản thân mình, thật đó", Quỳnh Anh.
Trưởng thành hơn, tôn trọng lựa chọn và con đường của đối phương
Nếu chúng ta có muôn vàn lý do để bắt đầu một mối quan hệ thì cũng có vô số lý do để một lần nữa trở lại làm người dưng. Không phải chỉ vì lý do chẳng thể hòa hợp mà còn là vì mỗi người có một lựa chọn và con đường riêng muốn đi.
"Sau 9 tháng yêu đương, chúng mình đã dừng lại đúng vào đợt dịch. Không có người thứ ba chen vào, không phải do ai cạn tình. Lý do chia tay chỉ đơn giản là mỗi đứa chọn một hướng đi mới khác hẳn nhau. Vì vậy mà về lâu về dài, không thể tiếp tục bên nhau được nữa, chỉ đành dừng lại giữa chừng.
Nếu để hỏi rằng mình có hối hận không thì có lẽ là không, vì mình đã yêu hết mình. Nhưng do chia tay trong mùa dịch nên mình thấy tiếc vì không thể đợi được một lần gặp mặt anh lần cuối, ôm anh một lần cuối, nhìn anh bằng da bằng thịt chứ không phải qua màn hình điện thoại.
Dù gặp nhau sẽ phải nói những lời đau lòng nhưng vì chúng mình là người lớn, chúng mình yêu bằng cả trái tim và lý trí nên là... gặp nhau, đối mặt nhau vẫn tốt hơn là màn hình điện thoại lạnh lẽo", NTH, 22 tuổi, đã lựa chọn chuyển từ Hà Nội về Bắc Giang làm việc cùng mối tình lưu giữ lại Hà Thành.
Khi yêu một người, chúng ta tự khắc thúc đẩy bản thân cố gắng giao tiếp nhiều hơn và cũng mong muốn, hy vọng đối phương giao tiếp nhiều hơn. Bởi giao tiếp chính là chìa khóa để chúng ta thấu hiểu lẫn nhau.
Và rồi, trong vô thức, tình yêu uốn nắn chúng ta từ những người trẻ mới lớn ưa chuyện trò qua mạng xã hội thành những người trưởng thành, dám thẳng thắn ngồi lại trò chuyện với nhau. Uốn nắn chúng ta từ những người trẻ dại khờ, vồ vập và sốc nổi thành những người lớn sẵn sàng tôn trọng quyết định và cuộc sống của người ấy.
Bài học nhận được là trong quá trình trưởng thành, chúng ta sẽ không thể tránh được những lúc không thể đồng thời làm hết tất cả những điều mình muốn mà phải lựa chọn cái này và từ bỏ cái kia.
Có người nói rằng tình yêu không mang sứ mệnh phải lấy mất đi thứ gì đó của chúng ta. Bởi vì bản chất của việc "yêu" cũng chỉ là cảm xúc mà thôi, còn điều đáng bận tâm là trong mối quan hệ yêu đương chính là chỉ "yêu" thôi là không đủ.
Và không phải mọi cuộc chia ly đều chỉ để lại nỗi đau khổ và thất vọng. Luôn có một điều gì đó mà chúng ta có thể ngộ ra và rồi "chỉn chu" hơn cho mối quan hệ sau đó. Bởi vậy mới nói: Cái giá của chia tay là những bài học để đời.
Khi yêu, đồng nghĩa với việc mỗi người đang bước đến một lớp học mang tên tình yêu. Dù kết quả là đổ vỡ hay đi đến bến bờ hạnh phúc, lớp học này cũng dạy cho bạn nhiều bài học: học yêu thương, học trưởng thành, học chấp nhận và học cả sự cô đơn,... Tuyến bài Love To Lớp - Từ tình yêu đến lớp học của chuyên mục GenVie sẽ là những dòng tản mạn, câu chuyện, tâm sự, góc nhìn về tình yêu,... để đồng cảm, chia sẻ và cùng bạn học cách yêu mỗi ngày.
Nguồn: TH&PL