Lê Thuỵ có đang là một nạn nhân của định kiến giới và tự kỳ thị nữ giới?
*My body my choice: Cơ thể của tôi, lựa chọn cũng là của tôi.
Hot Tiktoker Lê Thuỵ hiện đang trở thành tâm điểm của miệt thị ngoại hình khi tự tin đăng bức ảnh khoe vùng lông dưới cánh tay trong lúc tham gia một sự kiện. Từ đây, tấm ảnh của Lê Thuỵ xuất hiện khắp nơi trên MXH kèm theo đó là những lời lẽ miệt thị nặng nề như: "Không xinh thì hãy sạch", "Wax lông nách đi rồi ra đường", "Đàn ông để lông nách thì bình thường còn con gái không nên để, đó là cái tối thiểu",...
Nội dung liên quan
Có kẻ chê cũng có người bênh, chủ nghĩa "My body my choice" nổi lên như một phương pháp cứu cánh cho Lê Thuỵ khỏi cơn bão miệt thị từ "số đông" người dùng MXH.
Trong một bài phỏng vấn về sự việc trên, Lê Thuỵ cũng mạnh mẽ đáp trả: "Cơ thể của mình thì mình có quyền quyết định mình nên làm gì và không được làm gì".
Lê Thuỵ đúng, chẳng có gì là sai, nhưng vấn đề ở đây là gì?
Chúng ta đang vô tình "tự kì thị nữ giới" bởi chính định kiến giới
"My body my choice" là một khẩu hiệu nữ quyền được sử dụng ở một số quốc gia, thường xuyên nhất là các vấn đề xung quanh về tự chủ và phá thai. Các nhà nữ quyền thường bảo vệ quyền tự quyết của một cá nhân đối với cơ thể của họ. Đặc biệt, họ xem các lựa chọn tình dục, hôn nhân và sinh sản là quyền.
Khẩu hiệu "my body my choice" cũng rất hợp lý với trường hợp của Lê Thuỵ. Một cô gái tự tin với gương mặt đầy mụn và chiếc cam thường làm bạn, cô gái này cũng cực kỳ cá tính khi "dám" khoe vùng dưới cánh tay chưa được "dọn" sạch ở trên "tóp tóp" và cả ảnh chụp khi đi sự kiện. Trong mắt nhiều người, những hành động này của Lê Thuỵ thật "ố dề" và không thuận mắt, họ cho rằng cô sai vì "xúc phạm người nhìn".
Nhưng ngẫm lại, điểm cộng của Lê Thuỵ là chưa từng kỳ thị chính mình dù bản thân có ra sao đi chăng nữa. Vậy điểm trừ của Lê Thuỵ ở đâu? Có lẽ là việc cô ấy đang sống trong một xã hội còn mang đậm định kiến giới với mẫu câu: "Con gái thì phải thế này..."
Để lông ở vùng dưới cánh tay có thể là một quyết định hay một lựa chọn, nhưng thực chất, đó cũng là một đặc quyền. Ý nghĩ "đàn ông để thì không sao, nhưng phụ nữ thì có sao" đã vô tình hình thành quan điểm "tự kì thị nữ giới", và nếu nữ giới xâm phạm vào những điều trái định kiến giới sẽ trở thành một tội đồ.
Việc một số người là nam lẫn nữ giới đều mạt sát Lê Thuỵ có thể gọi nôm na đó là một sự "tự trấn an" bản thân rằng họ không để lông là vì họ muốn thế chứ không phải là do định kiến của xã hội. Và trong số đó, cũng có những người mặc cảm vì đã không dám sống thật, họ phóng chiếu sự mặc cảm ấy lên người khác. Có người cảm thấy tức giận khi người khác làm được việc họ không dám làm, đó gọi là một hình thức: tự thao túng bản thân.
Nhiều người dùng quan niệm "my mouth, my voice" (miệng của tôi, giọng nói của tôi) để đáp trả lại quan điểm "my body, my choice" của Lê Thuỵ. Ai cũng đúng với những "đặc quyền" của chính mình. Nhưng dừng khoảng chừng là 2 giây, việc để lông dưới cánh tay của Lê Thuỵ sẽ không làm tổn thương đến tinh thần ai cả, nhưng những lời nói miệt thị có thể làm tổn thương tinh thần của Lê Thuỵ. Đó chính là điểm khác biệt giữa hai "đặc quyền" này.
Vậy nên, nếu quyết định của ai đó chỉ đơn giản là khác số đông, và quyết định ấy cũng chẳng tổn hại đến một ai, thì họ hoàn toàn có quyền làm vì "my body, my choice". Và khi bạn được tự do quyết định rằng "tôi sẽ cạo lông", thì người khác cũng được tự do quyết định "tôi sẽ để lông".
Văn hoá số đông khiến nhiều người bị gò bó trong khuôn khổ
Tiêu chuẩn cái đẹp luôn thay đổi và đôi khi vượt khỏi ranh giới của quy củ. Đơn cử như khoảng thời gian trước đây, nhiều người xem tiêu chuẩn chân mày một đường chỉ, mắt một mí, quần lưng xệ, mốt tóc mái che hết nửa gương mặt mới là đẹp. Và chuyện để lông dưới cánh tay cũng không là ngoại lệ.
Lê Thuỵ không phải là trường hợp đầu tiên dám đứng lên đấu tranh cho quyền được để lông nách của nữ giới. Thay vì phản ứng cáu gắt trước hành động ấy, tại sao chúng ta không xem đây là một bước tiến trong việc xoá bỏ định kiến giới và các tiêu chuẩn độc hại với nữ giới.
Trên thực tế, việc các sao nữ trên thế giới để lông dưới cánh tay đã không còn lạ chuyện lạ. Trào lưu này như một cách thể hiện sự tự do, cá tính của người phụ nữ hiện đại và được rất nhiều người nổi tiếng hưởng ứng.
Điều này nói lên rằng, việc để lông nách là quyền "không của riêng ai". Nếu miệt thị về thứ mà ai cũng có trên cơ thể, chính là tự chối bỏ sự phát triển tự nhiên của bản thân nói riêng và con người nói chung. Lê Thuỵ không sai, cộng đồng mạng cũng không sai, có chăng định kiến giới vẫn còn quá nặng nề trong văn hoá số đông khiến nhiều người trở nên gò bó trong khuôn khổ.
Chuyện Lê Thuỵ bị miệt thị khi để lông nách chỉ là một trong những vấn đề định kiến giới "rất nhỏ" so với hằng hà sa số những định kiến giới còn tồn tại.
Người ta nói, đây là một cuộc chiến dài hơi cần rất nhiều sự chung sức của tất cả thế hệ và mọi lĩnh vực của đời sống. Sẽ là chuyện hoang đường để loại bỏ định kiến giới nhưng "giảm bớt" là chuyện có thể làm. Đặc biệt là khi cuộc sống ngày càng hiện đại và phát triển thì sự công bằng luôn là kim chỉ nam để đảm bảo quyền con người.
Nguồn: TH&PL