Loại phí nào bù đắp cho danh dự người bị miệt thị trên mạng xã hội?

Cộng đồng mạng những ngày nay chưa được ngủ yên vì những con sóng drama cứ thi nhau đổ đến. Trước loạt tin tức chẳng rõ thực hư, cư dân mạng đã cấp quyền cho bản thân trở thành "người phán xử".

Loại phí nào bù đắp cho danh dự người bị miệt thị trên mạng xã hội?

Từ bao giờ, người ta dễ dàng công kích và lăng mạ một người qua tin nhắn, qua bình luận, qua trang cá nhân và thậm chí là livestream. Từ bao giờ, trạng thái bức xúc cũng trở nên thời thượng? Để người viết cảm thấy họ "thượng đẳng", tự cảm thấy cái tôi đạo đức của họ tốt đẹp hơn người khác, và nhất và với nhân vật họ đang chà đạp.

Nếu có cuộc thi marathon... lăng mạ?

Và dường như mỗi drama nổ ra, y như rằng đó là cuộc thi marathon, xem ai là người "đặt chân" qua vạch đích đầu tiên, để lại lời miệt thị sớm nhất. Chẳng cần biết nhân vật chính có đọc được không, có quan tâm không nhưng họ cứ lăng mạ, nhắc tên cho đã "cái nư" trước đã.

Mượn vụ streamer tiền tỷ yêu cầu nghệ sĩ sao kê, bà nhắc anh MC kia sao kê xong sẽ tặng anh 50 tỷ. Ngay lập tức, một đoàn người tấn công trang cá nhân cả gia đình anh MC. Bằng những từ ngữ thiếu văn minh, họ cho rằng họ đang "thay trời hành đạo". 

Họ có phải những mạnh thường quân ủng hộ không? Chưa biết.

Họ có phải người trực tiếp được nhận hỗ trợ trong đợt lũ lụt vừa qua? Chưa biết.

Nhưng họ là người đầu tiên đi miệt thị người khác vì tự cho quyền thoải mái trù dập người khác trên mạng xã hội mà chẳng phải chịu trách nhiệm cho những con chữ đó.

Trong quyển Thiện. Ác và Smartphone, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang có nói: "Khi không phải nhìn vào mắt nhau, người ta sẵn sàng làm kẻ khác đau".

Cư dân mạng không cần quan tâm đối phương là ai, chỉ cần có người vi phạm một chuẩn mực nào đấy của cộng đồng là họ không ngần ngại "xuống tay". Họ nhân danh công lý hoặc tiêu chuẩn đạo đức chung để miệt thị, chửi rủa.

loai phi nao bu dap cho danh du nguoi bi miet thi tren mang xa hoi - anh 0
Cư dân mạng tự cho mình cái quyền phán xét và xúc phạm người khác.

Sau một cái avatar, mỗi cư dân mạng cảm thấy an toàn vì sự ẩn danh của internet, không ai để ý họ là ai, không phải chịu trách nhiệm, không phải trả giá, cũng không sợ bị nạn nhân trả thù. Họ hả hê và thoải mái khi có quyền lực của đám đông, có nhiều người cùng phe với mình, hùa nhau tấn công người phạm chuẩn. Họ vui sướng, thỏa mãn khi chứng kiến "tội nhân" đau đớn, nhục nhã, thậm chí chịu không nổi dẫn đến những kết quả thương tâm.

Việc lăng mạ, xúc phạm danh dự người khác trên phương tiện truyền thông và mạng xã hội không chỉ là việc "đùa vui" như nhiều người đã nghĩ. Cư dân mạng đang cho mình cái quyền phán xét người khác trên mạng có thể bị pháp luật phán xét ngoài đời. Và kết quả lúc này không chỉ còn là niềm vui và sự hả hê vì người bị công kích đau đớn và tuyệt vọng.

Có án phạt nào cho hành vi xúc phạm ẩn danh?

Hành vi bôi nhọ danh dự nhân phẩm người khác trên mạng xã hội sẽ bị áp dụng mức phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ. Người thực hiện hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác vừa phải bồi thường thiệt hại bằng tiền, vừa phải công khai xin lỗi, cải chính thông tin. Nặng hơn, các đối tượng này sẽ bị phạt tù. 

Tại khoản 1, điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

"Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác". 

loai phi nao bu dap cho danh du nguoi bi miet thi tren mang xa hoi - anh 0
Lăng mạ trên mạng - hậu quả ngoài đời.

Theo đó, lăng mạ người khác trên mạng xã hội sẽ bồi thường thiệt hại theo 3 yếu tố: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận. Tiền bồi thường tối đa là 14.900.000 đồng. Với nhiều người, đây là con số không hề nhỏ.

Đồng thời, theo quy định tại khoản 5 Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015, người bị lăng mạ và đưa thông tin sai sự thật có quyền yêu cầu xin lỗi và cải chính công khai.

Ngoài ra, người bôi nhọ danh dự nhân phẩm người khác trên mạng có thể khép vào Tội làm nhục người khác. Người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hành sự và bị phạt tù đến 5 năm theo điều 155 của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017

Cụ thể, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Chưa hết, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Không phải ai cũng sẵn sàng lên tiếng và tố cáo những người lăng mạ mình. Tuy nhiên, xã hội luôn có những "bản án đạo đức" dành cho những kẻ tự cho mình là đúng. Một bản án không đánh vào vật chất và thời gian, nó nhắm thẳng vào lương tâm.

Gymer D.N đã từng gây phẫn nộ với những buổi livestream nói xấu một nghệ sĩ quá cố. Trước những lời lẽ cay nghiệt của anh, cộng đồng mạng đã dậy sóng. Hàng ngàn người đã chỉ trích ngược lại gymer này. Cảm giác hả hê trên những buổi phát sóng đã đổi lại bằng loạt tai tiếng bám theo tên anh suốt đời.

Sau cái chết của ca sĩ Vân Quang Long, cả gia đình anh bị các kênh YouTube đả kích, nói xấu, vu khống và bôi nhọ. Gia đình anh đã phải đề đơn kiện những chủ kênh YouTube có hành vi mạt sát bằng lời nói. Tuy nhiên, các YouTuber liên tục né tránh khiến lực lượng chức năng khó giải quyết. Để gia đình cố ca sĩ được bình yên, cư dân mạng đã chung tay báo cáo loạt kênh YouTube. 

Gần đây nhất là vụ việc YouTuber T.D, chủ nhân của kênh S.G.N.N có hành động "sỉ nhục" người nhận cơm từ thiện. Những lời nói khó nghe dành cho những người đứng xếp hàng nhận cơm đã khiến cộng đồng mạng phẫn nộ.

Hàng loạt kênh YouTube có tiếng đã chỉ trích hành động của T.D. Không biết chủ kênh S.G.N.N có cảm giác như thế nào khi nhận những lời khó nghe từ cộng đồng mạng về hành động sai trái? Anh có cảm thấy khó chịu, buồn bực và nhục nhã hay không? Về phần những người bị anh miệt thị, họ đã cảm thấy tủi nhục và ấm ức biết nhường nào.

Trước đây, YouTuber người Hàn Quốc đã từng bị công ty Sublime Artist Agency đâm đơn kiện hình sự vì tội quay lén, phỉ báng đám tang của một nữ diễn viên. Hành động của YouTuber này đã tạo nên làn sóng phẫn nộ. Từ người sở hữu hàng trăm follower và nhiều lời ủng hộ, YouTuber nhanh chóng trở thành tội đồ trong mắt công chúng.

Phí lăng mạ ước lượng bằng hiện kim vẫn chưa đủ. Mức phí này còn có thể đánh vào lương tâm người "có tội". Bởi những lời nói được cho là bông đùa vẫn có thể tạo thành vết nứt trong tinh thần người khác. 

mới nghe nói: Cộng đồng mạng phẫn nộ trước content review phụ nữ, nhất là từ ngữ trong clip

Loạt clip trên TikTok đào lại loạt khoảnh khắc Thủy Tiên phát tiền từ thiện theo cảm tính

Dùng đúng 2 chữ để nói về việc Trấn Thành sao kê từ thiện, tưởng bênh vực nhưng TikToker Quốc Anh gây tranh cãi

mới nghe nói: Trung tâm ngoại ngữ trường Đại học top thế giới bất ngờ bị sinh viên tố cáo làm tổn thương lòng tự trọng

Một chút Vitamin C: Cười nghiêng ngả với màn tổ chức sinh nhật của các tình nguyện viên

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ