Tại sao bạn nghỉ việc và lần đầu tiên nghỉ việc cho bạn loại trải nghiệm gì?
Có được công việc mơ ước tại môi trường làm việc tiềm năng là điều mà ai cũng ao ước. Nhưng để có được điều đó, đa số họ phải trải qua nhiều lần nhảy việc, nghỉ việc, gap year hay làm đủ thứ nghề để có thể tìm ra con đường đúng hướng. Đó là những ngã rẽ tạo nên những bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của mỗi người.
Gap year tìm lại định hướng
Lần đầu tiên nghỉ việc đôi khi sẽ có cảm giác nhẹ nhõm. Bởi vì công việc vừa rồi quả thực quá mệt mỏi. Nhưng nghỉ việc, đồng nghĩa với chuyện làm lại từ đầu: soạn CV, phỏng vấn, làm quen với môi trường mới.
Quang Mến (25 tuổi, một nhân viên văn phòng Luật) chia sẻ về lần đầu tiên dám nghỉ việc, tạm gác lại những bộn bề cuộc sống để cho bạn thân được thư giãn sau chặng đường dài luôn nỗ lực và cố gắng:
"Hôm nay mình nghỉ việc.
Thời gian trôi qua nhanh thật, mới đó mà đã 4 năm kể từ ngày đầu tiên mình đi làm. Bốn năm ở công ty, chứng kiến bao nhiêu người đến và đi, cuối cùng cũng đến lượt mình. 4 năm đi làm ở đây, chuyện vui nhiều, chuyện buồn cũng không hề ít.
Rồi một sớm mai thức dậy, mình sẽ thôi nghĩ ngợi về những hồ sơ. Mình sẽ không thức dậy lúc 3h sáng để kịp chuyến xe đi tỉnh công tác, mình cũng thôi chạy xe mấy trăm cây số đi tỉnh vì lười đi xe khách. Mình cũng sẽ không quên cái cảm xúc ngày đầu đứng trước phiên tòa án với những câu hỏi và tranh luận. Những ngày bị khách hàng réo bên tai kèm vài ba câu chửi nặng lời.
Mình nghe một số câu hỏi đại loại như 'Sao lại nghỉ việc, công việc đang ổn định và tốt mà?', 'Nghỉ việc rồi xin chỗ nào chưa, có tốt hơn không?'. Mình đâu biết. Không biết chữ 'tốt hơn' đó nghĩa là như thế nào: lương cao hơn, môi trường thoải mái hơn, có khả năng phát triển bản thân hơn, hay là gì? Mình chỉ muốn được một lần cảm thấy lòng an yên - không có công việc.
Hồi còn nhỏ, mình cứ nghĩ đến một lúc nào đó rảnh rỗi, mình sẽ cho bản thân được một lần thoải mái, không suy nghĩ gì nhiều. Và thế là mình luôn hẹn. Ngày học cấp 3, mình hẹn khi nào thi đỗ đại học, mình sẽ thôi phải suy nghĩ nhiều. Nhưng đến khi học đại học, mình vẫn không ngừng suy nghĩ. Mình lại tiếp tục hẹn khi nào tốt nghiệp đại học sẽ cho phép bản thân thư thả một thời gian. Nhưng mình vẫn không làm được. Mình ngưỡng mộ những người bạn dám bỏ ngang mọi việc để thực hiện những điều mà bản thân tụi nó thích".
Nội dung liên quan
"Ở lại không có cơ hội phát triển, nên đi thôi..."
Không có định nghĩa rõ ràng cho sự đánh giá những cơ hội nào là "tốt hơn", chỉ đơn giản là với môi trường hiện tại liệu năng lực làm việc của bạn đã thực sự được khai thác tối đa?
Thu Cúc, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội chia sẻ: "Lần đầu tiên nghỉ việc tôi khá là lưu luyến công ty cũ, bởi vì công việc trước đó của tôi rất là nhàn, quan hệ với đồng nghiệp cũng tốt, vậy nên tôi rất lo lắng nếu vào công ty mới áp lực hơn thì mình sẽ không chịu nổi.
Thế nhưng dù không nỡ thì mình vẫn phải nghỉ thôi, vì thực sự là không có cơ hội phát triển. Thứ duy nhất mình chỉ có thể tự an ủi là bản thân còn trẻ, nên cần phải bay nhảy và thử sức bản thân ở ngoài vùng an toàn".
Trâm quyết định nghỉ việc vì việc làm đó không phù hợp với năng lực và ngành học của bạn: "Để tìm một công việc mới phù hợp với ngành nghề mình đã học, và mình đã bước được một bước đầu tiên, còn ngày mai sẽ là một trải nghiệm mới. Cố lên, con đường còn rất dài" – cô bạn chia sẻ.
Ái Trâm tâm sự rằng cô vừa cảm thấy thoải mái lại vừa cảm thấy tiếc. Thoải mái vì cuối cùng cũng đã trút được gánh nặng, còn tiếc vì phải rời xa các anh chị chỗ làm khi mà mọi người ai cũng yêu quý nhau.
Nội dung liên quan
Stress với chỗ làm cũ
Nhẹ nhõm, như được giải thoát là cảm xúc chung của những bạn nghỉ việc vì điều kiện và môi trường làm việc không tốt đẹp.
Phương Tiêu (24 tuổi, một nhân viên văn phòng) chia sẻ: "Mình có thể làm việc quần quật suốt 9 tiếng (bao gồm 1 tiếng nghỉ trưa), không ăn, không nghỉ, đứng suốt. Nhưng bởi vì mình cảm thấy mình đang 'làm việc' ở một nơi cho mình sự học hỏi để trưởng thành thì hoàn toàn xứng đáng.
Còn nơi mình muốn tháo chạy khỏi đó là nơi mà mỗi lần nhớ lại không gì ngoài áp lực và mệt mỏi một cách vô nghĩa. Mình đã phí hoài 10 ngày trong đời không nhận được đồng nào để nhận ra cảm giác rời khỏi một nơi làm việc không phù hợp nhẹ nhõm đến đâu".
Để tìm cho mình được một công việc phù hợp và nhận lại những lợi ích xứng đáng với cống hiến mà mình bỏ ra nhất thiết cần nhiều trải nghiệm mà một trong số đó là thay đổi môi trường làm việc. Việc tiếp xúc với những môi trường làm việc khác nhau giúp chúng ta khám phá được nhiều giới hạn và năng lực khác của bản thân.
Nghỉ việc không có nghĩa là thất nghiệp. Chúng ta đôi khi căng thẳng và áp lực về việc tìm một công việc mới bồi lấp ngay chỗ trống mà vô tình tiếp tục gặp phải những công việc không phù hợp khác. Cho bản thân thời gian cũng là cho bản thân cơ hội tìm được một "bến neo" an toàn và vững chãi nhất.
Nguồn: TH&PL