Người chơi hệ 18+: Chữ "trinh" của nam giới, có "ngàn vàng" như nữ giới?

Đặt câu thơ "Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường" vào bối cảnh thời hiện đại, chữ "trinh" không nên chỉ được gán cho mỗi phái nữ, mà phải nên được đặt ở giữa, dành cho cả nam và nữ.

nguoi choi he 18 chu trinh cua nam gioi co ngan vang nhu nu gioi - anh 0

Tiêu chí chọn người yêu trong các show hẹn hò luôn là vấn đề gây tranh cãi trên mạng xã hội, từ chuyện người yêu phải cho tiền đầu tư, đi du lịch, biết nấu ăn để "chiều em chứ",... thì mới đây có một tiêu chí tuy "cũ mà mới" lại xuất hiện một cách vô lý trong thời đại 4.0 này! 

"Người phụ nữ phải giữ được sự trong trắng cho đến khi xuất giá, còn người đàn ông thì không cần vì sách không đề cập đến", lời phát biểu của nam chính trong show hẹn hò đang tạo nên một làn sóng chỉ trích dữ dội trên mạng xã hội. Người ta đã bắt đầu thắc mắc: Vậy chữ "trinh" của nam giới nằm ở đâu trong câu chuyện này? 

Trinh tiết đàn ông… chuyện chẳng ai nói bao giờ?

H. mới quen bạn trai, sau một thời gian tìm hiểu cả hai quyết định thể hiện tình yêu bằng cách trao thân cho nhau. Đó là lần đầu tiên của H., nên cô nàng ngại ngùng lắm, hỏi vặn mãi mới kể cho chúng bạn nghe một chút. Thế nhưng, khi có người hỏi liệu đó cũng là lần đầu tiên của bạn trai H., cô nàng sững người, chưng hửng: "Tao cũng không biết, mà thôi, tao chẳng hỏi đâu".

H. chắc chắn không phải là người duy nhất có suy nghĩ như thế, vì xưa nay thường người ta chỉ bàn tới chuyện trinh tiết của phụ nữ, và gán nó riêng hẳn thành một phạm trù dành riêng cho phái nữ. Trong khi rõ ràng, nam giới cũng có "trinh tiết"!

nguoi choi he 18 chu trinh cua nam gioi co ngan vang nhu nu gioi - anh 0
Chữ "trinh" của nam giới nằm ở đâu trong cuộc sống hiện đại ngày nay?

Nam giới không có màng trinh như phụ nữ thì "trinh tiết" của họ đánh giá như thế nào? Hẳn rất nhiều chị em phụ nữ sẽ ngại ngùng, ậm ờ, lắc đầu chịu thua khi được hỏi đến vấn đề này. Có nhiều "giả thuyết" xung quanh chuyện "mất trinh" của nam giới, nào là chảy máu do "đứt phanh" trong lần quan hệ đầu hay quan sát cách đi vệ sinh để nhận biết,… nhưng những giả thuyết này chỉ mang tính phỏng đoán và tương đối, nghĩa là không phải chúng đều xuất hiện ở một trăm phần trăm nam giới. 

Vậy, câu hỏi được đặt ra là: Nếu như không dựa vào các đặc điểm sinh học thì dựa vào đâu để biết người nam... mất trinh hay chưa? Câu trả lời rất đơn giản: Dựa vào việc người đó đã hệ tình dục chưa, chấm hết! 

Bên cạnh đó, trong những tác phẩm văn học kinh điển từ xa xưa cho tới thời hiện đại, báo đài, phim ảnh cứ ra rả suốt ngày chuyện nữ giới phải giữ gìn trinh tiết ra sao mà ít khi đề cập đến vấn đề đó ở nam giới. Cứ như vậy, người ta quên mất, đàn ông cũng có "trinh tiết" chứ không chỉ riêng gì phụ nữ. 

Nữ giới phập phồng lo sợ chuyện "trinh tiết", nam thì xấu hổ... vì chừng này tuổi rồi còn chưa "được" mất?

Có một điều lạ trong xã hội hiện nay là: Nếu một người con gái có đời sống tình dục phóng khoáng, thoải mái thì sẽ bị nhận xét bằng những từ ngữ không hề dễ nghe một chút nào như "đồ mất nết", "đồ hư hỏng". Thế nhưng, họ đâu biết, đằng sau mỗi con người đều là một câu chuyện. 

Đó có thể là câu chuyện về sự dại khờ, nông nổi của tuổi trẻ, cũng có thể là một kí ức đau thương của một vụ xâm hại tình dục hay đó là một tai nạn gây tổn hại âm đạo trong một lần vận động quá sức. 

nguoi choi he 18 chu trinh cua nam gioi co ngan vang nhu nu gioi - anh 0

Không khó để bắt gặp những người phụ nữ vì câu chuyện trinh tiết mà phải chịu những cảnh đày đọa, dằn vặt khi sống ở nhà chồng. Bị nhà chồng dè bỉu đã đành, đau hớn hơn, họ còn bị chính người đàn ông mình yêu thương nghi ngờ, chán ghét. Họ không thể giải thích vì giải thích cũng chẳng ai tin, sau cùng đó vẫn là một cái màng sinh học đã rách, họ chỉ đành ngậm ngùi chấp nhận. 

Nhưng, ông trời thật khéo trêu đùa người khác: khi còn quen nhau, các chàng trai dùng đủ lời ngon ngọt để dụ người yêu trao thân cho mình, vậy mà khi cưới về, chính những chàng trai đó đòi vợ mình phải còn trinh trắng vẹn nguyên. Điều đó làm cho người ta phải tự hỏi phải chăng xã hội đang quá thiên vị cánh mày râu mà khắt khe hết mực với phụ nữ?

Lật lại sử sách, ta thấy rằng sự thiên vị này đã tồn tại từ rất lâu, chỉ khác ở hình hài mà nó xuất hiện thôi. Ngày xưa, đàn ông "năm thê bảy thiếp" là chuyện bình thường, nhưng nữ nhi thì phải "chính chuyên một chồng", đến khi chồng chết đi rồi vẫn phải thủ tiết, cam tâm làm một góa phụ đến cuối đời. 

Còn ngày nay nếu một người đàn ông từng trải trong tình trường, có nhiều kinh nghiệm hay đào hoa thì sẽ được gán cái mác nghe rất gì và này nọ - Bad boy, F*ck boy - ý chỉ những chàng trai quen con gái chỉ với ý nghĩ "lên giường". Những danh xưng như vậy dù ngụ ý chỉ trích, chê bai nhưng khi so sánh với những tính từ mà chị em phụ nữ phải nhận lấy thì thực chẳng thấm vào đâu. 

nguoi choi he 18 chu trinh cua nam gioi co ngan vang nhu nu gioi - anh 0

Ngẫm kỹ mới thấy, hình như xã hội không chỉ bất công với phụ nữ, mà ngay giữa cánh đàn ông với nhau, cũng ngầm tồn tại sự phân biệt: sự phân biệt giữa những người có kinh nghiệm chăn gối và những người kinh nghiệm bằng không. 

Trong các cuộc nói chuyện giữa một nhóm bạn nam, một trong những chủ đề hay được nói đến nhất là chuyện "đã ngủ với bao nhiêu em" kèm theo đó là những vẻ mặt đắc thắng, đầy hãnh diện. Với những chàng trai không chú trọng hay đặt vấn đề đó thành ưu tiên trong cuộc sống thì sẽ nhận sự châm chọc, coi nhẹ vì "không đáng mặt nam nhi" hay thậm chí những lời đồn thổi rằng họ không phải "trai thẳng". 

Trinh tiết là lựa chọn của mỗi người, không phải là điều để dèm pha

"Có gì đâu mà quê, 20 tuổi còn trinh là bình thường mà, nào phá làng phá xóm làm khổ ba mẹ mới quê", một bạn nam "còn nguyên" giấu tên. 

Đúng quá chứ nhỉ! Chuyện quan hệ tình dục, nghĩ rộng ra một chút thì cũng chỉ là chuyện nhu cầu sinh lí của mỗi người, chẳng có gì phải đặt nặng hay coi nhẹ. Và đã là chuyện sinh lí thì có người có nhu cầu cao, ngược lại, có người có nhu cầu thấp, có người thích thú, có người thờ ơ, chẳng có cái quy chuẩn chung nào cả. 

nguoi choi he 18 chu trinh cua nam gioi co ngan vang nhu nu gioi - anh 0

Đặt câu thơ "Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường" vào bối cảnh thời hiện đại, chữ "trinh" kia không nên chỉ được gán cho mỗi phái nữ, mà phải nên được đặt ở giữa, dành cho cả nam và nữ. Quan hệ tình dục hay không là lựa chọn của mỗi người, không ai có quyền chỉ trích, phê bình, đánh giá người khác và nếu như buộc phải chỉ trích hoặc thương cảm cho ai đó, hãy chia sẻ sự giận dữ hoặc thương cảm đó đều cho cả nam lẫn nữ. 

Nếu đã là một người trẻ thật sự hiểu biết, mỗi người chúng ta nên trang bị cho mình những kiến thức sinh học cơ bản để hiểu về nhu cầu tình dục của mỗi người, tiếp theo là xây dựng góc nhìn công bằng, cởi mở về tình dục ở cả hai giới, đồng thời, học cách tôn trọng sự khác biệt và tôn trọng lựa chọn của từng cá nhân. Đó mới thật sự là văn minh và nhân đạo!

-----------------

GenVie ra mắt tuyến bài Người chơi hệ 18+ với mong muốn đem đến những câu chuyện, góc nhìn đa màu sắc trong thế giới tình dục của người trẻ. Đây là nơi để bạn mở lòng mình đón nhận vấn đề, thấu cảm và có cho mình những sự lựa chọn đúng đắn khi "làm chuyện 18+". 

Người chơi hệ 18+: Gen Z - thế hệ hiểu và biết nhiều hơn một chữ "S.E.X"?

Người chơi hệ "tổ ấm": Tôi là "cục nợ" của một cuộc mây mưa không an toàn

Người chơi hệ 18+: ONS - tình một đêm thì được có nhiều hơn mất?

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ