Khánh Ly từ Đà Lạt: "Tôi và ông Sơn chia nhau đĩa cơm, hút chung điếu thuốc nhưng vẫn tương kính"

Tại buổi trà chiều ở Đà Lạt trước thềm liveshow "Dấu chân địa đàng", danh ca Khánh Ly đã chia sẻ về nhạc Trịnh, ông Trịnh Công Sơn và những ký ức giữa 2 người.

Khánh Ly từ Đà Lạt: "Tôi và ông Sơn chia nhau đĩa cơm, hút chung điếu thuốc nhưng vẫn tương kính"

Tôi và ông Sơn chia nhau đĩa cơm, hút chung điếu thuốc...

Sau khi ở Đà Lạt, tôi không gặp ông Sơn nữa. Ông Sơn không bao giờ liên lạc với tôi, và tôi cũng không bao giờ liên lạc đi tìm ông Sơn. Chúng tôi gặp nhau là một sự tình cờ. Đến năm 1967, khi gia đình chúng tôi chia tay, tôi về lại Sài Gòn và tình cờ gặp lại ông Sơn. Ông chỉ bảo tôi một câu thôi: "Mai lên đây hát với anh". 

Khi đó, tôi đến hát. Cũng không biết là hát sẽ được cái gì, nhưng tôi cứ hát như thế, không có đồng xu nào cả. Tôi vẫn nghèo. Những năm ở Đà Lạt, làm được tiền thì để nuôi con và nuôi mình. Nên khi về đến Sài Gòn, gặp ông Sơn, tôi vẫn nghèo lắm. 

Mặc bộ đồ đi mượn, đi đôi giày xơ xác, không phấn son. Đến hát, tôi hoàn toàn không có gì cả. Ông Sơn cũng rất nghèo. Chúng tôi có những tháng ngày ăn chung đĩa cơm và hút chung điếu thuốc, nhưng anh em chúng tôi thân tình. Cho đến bây giờ, chúng tôi tương kính như tân. 

Ông Trịnh Công Sơn cũng như Đà Lạt là người ơn của tôi, là người đã cưu mang tôi, cho tôi một đời sống tốt đẹp. Ông dạy tôi "sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Tôi nghĩ rằng, khi mình nghèo thì tấm lòng không ăn được, nó không cho mình cái áo hay đôi giày thì tại sao mình lại cần tấm lòng. Hồi nhỏ tôi còn ngây ngô lắm, tôi nói như vậy thì ông Sơn cười.

Thật tình lúc đó tôi chẳng nghĩ nhiều, nhưng về sau khi ra đời, trải qua nhiều gian truân, khổ ải, tôi mới nghiệm ra được điều ông Sơn nói - một tấm lòng chỉ để gió cuốn đi.

Tôi chỉ vâng lời ông Sơn

Tôi chỉ vâng lời ông Trịnh Công Sơn thôi, tôi chưa vâng lời ai trong đời cả. Đó cũng là một cái duyên số. Tôi mồ côi cha từ sớm lắm, ký ức về người cha rất mơ hồ. Tôi thường mơ ước làm sao, khi trở lại phố Hàng Bông ở Hà Nội, đứng trước cửa nhà mình và gõ cửa, có bố hoặc bà nội ra mở cửa cho mình. Mơ ước này của một đứa nhỏ 4-5 tuổi. Đến giờ tôi gần 80 tuổi, vẫn còn mơ ước đó. 

Tôi luôn luôn nhìn ở ông Trịnh Công Sơn hình ảnh một người cha nghiêm khắc, ít nói, muốn con mình làm những điều tốt đẹp. 

Tôi không cần tiền, còn đi hát cũng không vì tiền

Thật sự tôi không cần tiền. Đến thời điểm này, tôi còn đi hát cũng không phải vì tiền. Tôi không đi đâu khỏi nhà cả, không ăn uống nhiều, không mua sắm, cũng không có nhu cầu đi ra ngoài. Chỉ ở trong nhà thôi, thế thì tiền để làm gì? Tôi không hiểu.

Tiền là cái làm cho chúng ta không nghĩ đến tiền. Nhưng rõ ràng, có tiền chưa chắc đã sung sướng đâu, tôi nghiệm thấy như thế. Xung quanh tôi ở bên Mỹ, nhiều người giàu có nhưng tôi lại thương hại họ vì sao phải sống khổ như vậy. Muốn nấu một món ăn trong nhà cũng sợ con la, muốn mở tivi lên coi lại sợ cháu không thích. Thế thì tiền nhiều để làm gì?

Đó cũng là lý do tôi ít khi gần những người lớn tuổi. Khi gần họ, chuyện chồng, chuyện con, hết chuyện mọi người đến chuyện mình: bệnh. Tôi đang ở thời kỳ 3 cao, 1 thấp: cao máu, cao mỡ, cao đường, thấp khớp. Bởi thế, tôi thích gần những người trẻ, thích đi ăn cơm, đi cà phê, nói chuyện với họ và học từ họ rất nhiều điều.

So sánh người 70 tuổi với người 20 là không công bằng

Việc so sánh người 70 tuổi với người 20 tuổi là không công bằng, đặc biệt là trong vấn đề nghệ thuật. Giới trẻ bây giờ hát rất hay, có kỹ thuật. Họ có may mắn, không nợ nần gì cuộc chiến đã qua, được học hành tới nơi tới chốn. 

Có lẽ Việt Nam chưa quen việc thay đổi như vậy. Nhưng thật ra họ có cái hay của họ, mình phải chấp nhận thôi, như việc chấp nhận một người khác trẻ, đẹp và tài giỏi hơn mình. Hãy để cho mọi người tự do đi, họ muốn hát kiểu nào cũng được, miễn là họ yêu bài hát đó. Không ai không yêu mà hát cả, yêu cách nào cũng là yêu.

Hoàng Hà: ''Không diễn gì ở Em Và Trịnh''

Album Em Và Trịnh Vol.1: Bùi Lan Hương "gánh"?

Khánh Ly: "Tôi sẽ không xem phim Em và Trịnh”

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ