Không còn cảnh đền chùa đông đúc tấp nập, người Hà Nội lựa chọn sự lặng yên cho một mùa Vu Lan đặc biệt.
Những mùa Vu Lan cũ
Trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam nói chung và người Hà thành nói riêng, Đại lễ Vu Lan báo hiếu luôn là ngày lễ đặc biệt bởi đó là dịp để chúng ta bày tỏ công ơn sinh thành dưỡng dục tới ông bà, cha mẹ; nhắc nhớ chúng ta nhớ về nguồn cội và sẻ chia tình người.
Hàng năm, từ ngay những ngày đầu tiên của tháng 7 Âm lịch, phố Hàng Mã đã rộn ràng người buôn kẻ bán. Ai cũng tất bật sắm sửa đủ đầy đồ mã để cúng bái tổ tiên. Đến đúng rằm, dù bận rộn tới mấy, người Hà Nội vẫn có thói quen trở về bên gia đình, sum họp bên nhau như ngày Tết đầu Xuân.
Lễ cúng tổ tiên, lễ cúng vong nhân cùng mâm cơm kính hiếu là những điều không thể thiếu trong mỗi dịp trăng tròn tháng 7.
Với những gia đình Phật tử, mùa Vu lan hàng năm cũng là thời điểm cả gia đình cùng nhau lên chùa dự lễ, tham gia nghi thức "Bông hồng cài áo". Dạo quanh những ngôi chùa lớn khắp Hà Nội như chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, chùa Phúc Khánh, lúc nào ta cũng thấy cảnh đông đúc. Tiếng gõ mõ, tụng kinh xen lẫn mùi hương nghi ngút cùng màu trầm của những bông hồng cài trên ngực áo đã vẽ nên một bức tranh Vu Lan đầm ấm không thể nào quên đối với người Hà Nội.
Một năm đặc biệt, một mùa Vu Lan đặc biệt
Không ai ngờ được, mùa Vu Lan về tới Hà Nội trong những ngày giãn cách vì dịch bệnh. Không còn cảnh đường phố tấp nập buôn bán như những năm trước, không còn sắc màu rực rỡ của những chú ngựa giấy nằm trên xe hàng chở tới tận nhà, mùa Vu Lan của năm Covid bỗng trở nên im ắng đến bất ngờ.
Bác tôi năm nào cũng sửa soạn tươm tất để cúng tổ tiên. Năm nay dịch bệnh, đi chùa là không thể, đi chợ cũng khó khăn hơn trước , mâm cúng vì thế mà thiếu trước hụt sau. Thế nhưng bác vẫn lạc quan lắm, bác bảo: "Thế mà lại hay, năm nay Vu Lan hướng về lòng người con ạ. Không mâm cao cỗ đầy, nhưng tình người luôn trọn vẹn. Vì cộng đồng ở nhà thôi, ý nghĩa mùa Vu Lan cũng chẳng thể nào mất đi, đạo hiếu cũng thế".
Nội dung liên quan
Ngẫm cũng đúng thế thật, đạo hiếu là ở trong tim, năm nay không thể bày vẽ về vật chất cũng không đồng nghĩa với việc trống vắng về tinh thần. Ở nhà nhiều hơn cũng là thời điểm chúng ta dành thời gian thực chất, có cơ hội quan tâm chăm lo cho sức khoẻ của cha mẹ mà vốn trước đây guồng quay tất bật của cuộc sống khiến ta không thể.
Năm nay mùa Vu Lan cũng chuyển sang online. Dạo một vòng các hội Yêu bếp, Thương bếp, không khó để thấy các chị, các mẹ, các anh chia sẻ mâm cơm Vu Lan của gia đình mình. Mọi năm bận rộn đặt ngoài hàng nấu sẵn, năm nay người Hà Nội có thời gian để chuẩn bị cỗ cúng bằng cả tấm lòng. Đồ ăn tự nấu, cũng là một cách hay để gắn kết gia đình giữa mùa dịch bệnh.
Hà Nội trong mùa Vu Lan, tưởng là lặng lẽ, nhưng thực vẫn đong đầy tình cảm đến bất ngờ...
Nguồn: TH&PL