Trung thu mà không đến những địa điểm này check-in thì gọi gì là Trung thu Hà Nội?
Chỉ còn hơn một tháng nữa là lại đến Trung thu rồi. Thời gian thấm thoát thoi đưa, vẫn còn đâu đó quanh đây ngày trung thu nào các bạn trẻ í ới rủ nhau đi sắm vài bộ quần áo mới để còn mặc đi chụp ảnh check-in nhân dịp Tết của "thiếu nhi".
Tết Trung thu năm nào chẳng vậy. Trẻ con thì háo hức được phá cỗ đêm rằm và đi rước đèn cùng các bạn trong phường, trong xóm. Còn người lớn thì háo hức cùng bạn thân, cùng người yêu đi đây, đi đó để thể hiện "cái tình", để kỷ niệm và để vui vẻ.
Nhớ những ngày này của năm ngoái, Hà Nội hình như bình yên hơn. Không phải là bình yên vì quá vắng bóng người như bây giờ, mà là bình yên trước Covid-19. Cũng chính những ngày này năm ngoái, Hà Nội lại "rộn ràng" hơn bao giờ hết, bởi vì sắp đến Trung thu rồi...
Nếu đã là một người sống ở Hà Nội, bạn sẽ không còn xa lạ với các địa điểm "tủ" mà năm nào năm ấy đều tụ tập đông kín người, và nhiều nhất là giới trẻ.
Đông nhất thì phải kể đến "Hàng Mã"
Có thể nói, "Hàng Mã" là biểu tượng Trung thu của Hà Nội. Nhắc đến Trung thu Hà Nội thì không thể không nhắc đến Hàng Mã. Đây là khu trải dài các gian hàng bán đồ dành cho những ngày này. Từ những món đồ chơi dân gian như lồng đèn, mặt nạ, tò he đến những gian hàng ô mai "đặc sản" nhiều màu thích mắt, tất cả đều gói gọn trong Hàng Mã.
Khi thấy Hàng Mã khoác lên mình chiếc áo màu đỏ, điều đó đồng nghĩa với việc thu đã về và Trung thu sắp đến.
Đông nhì có lẽ là "Phố Bích Họa Phùng Hưng"
Phố Bích Họa Phùng Hưng cách Hàng Mã chỉ vài trăm mét, một địa điểm tuyệt vời và tiện lợi cho những tín đồ "sống ảo". Phố Bích Họa đúng như tên của nó, là một con phố đậm chất nghệ thuật. Các bức tường dọc con phố đều được "trang hoàng" bởi những tấm bích họa mang giá trị nghệ thuật và di sản cao.
Chẳng hạn như tranh thiếu nữ mặc áo dài, tranh người phụ nữ gánh hàng rong, tranh vẽ chợ đông người, tranh vẽ ông đồ ngồi viết chữ… Không chỉ vậy, con phố còn được treo rất nhiều đèn lồng đa màu sắc.
Có lẽ, đến phố Bích Họa khiến giới trẻ cảm giác như được trở về với Hà Nội xưa cũ. Vì thế mà năm nào cũng lưu luyến, cũng phải đến một lần mới thấy không còn thiếu cái gì đó.
Địa điểm thứ ba hẳn là thuộc về "Phố đường tàu"
Phố đường tàu tiếp tục là một địa điểm gần với Hàng Mã và phố Bích Họa Phùng Hưng. Cùng "cạ cứng" check-in đã mỏi thì lên phố đường tàu ngồi nhâm nhi ly cà phê "thật chill" cũng là một lựa chọn đúng đắn.
Phố đường tàu đặc biệt ở "đường tàu". Đây là con phố có tàu đi qua, nó thú vị và thu hút giới trẻ cũng ở chỗ ấy. Trong lúc giãn cách này, hẳn là nhiều bạn trẻ nhớ lắm khung cảnh chạy bàn, chạy ghế của các quán nước hai bên đường tàu khi có báo hiệu tàu tới, rồi cả cảm giác ù ù tai khi tàu đi ngang qua ngay trước mặt. Có điều gì đó kỳ diệu, có điều gì đó thật phấn khích.
Và cuối cùng… không thể thiếu "hồ Tây"
Hồ Tây là một trong những địa điểm thu hút giới trẻ nhất ở Hà Nội. Nhiều người đùa rằng họ bị hồ Tây "mê hoặc". Mê hoặc bởi bình minh và hoàng hôn rực rỡ mà mộng mơ trên hồ, mê hoặc bởi làn gió mát lúc chiều khuya, còn mê hoặc cả bởi những giàn hoa giấy và cây cô đơn nữa.
Cây thì có thể cô đơn, nhưng người đến hồ Tây thì luôn có đôi, có cặp. Dù là bạn bè hay người yêu, bất kỳ ai cũng có sở thích được "lượn lờ" hồ Tây. Hồ Tây rất rộng, để đi hết hồ cũng "rất" lâu vì thế mà vừa có thể ngắm cảnh, lại vừa có thể chuyện trò, tâm sự.
Từ ngày hồ Tây phải "giăng dây" do diễn biến phức tạp của Covid-19, thỉnh thoảng lại thấy mạng xã hội xuất hiện những bạn trẻ đăng tải lại hình chụp với hồ Tây từ trước đó kèm dòng trạng thái: "Thèm đi hồ Tây quá", "Thèm bánh tráng hồ Tây", "Thèm được check-in"...
Chỉ mong rằng Hà Nội sẽ sớm "khỏi ốm" để mọi người được trở lại nơi "từng quen", chứ không nhiều bạn bảo "Quên mất hồ Tây trông như nào mất rồi!".
Nguồn: TH&PL