Thất tịch còn được xem là Lễ tình nhân? Ăn chè đậu đỏ sẽ có bồ?
Ngày 7/7 âm lịch hàng năm là ngày Thất Tịch, ngày này có nguồn gốc bắt nguồn gốc từ Trung Quốc, tương truyền trong dân gian vào ngày này thì Ngưu Lang - Chức Nữ sẽ gặp nhau. Không ít người có niềm tin đây là một ngày tốt đẹp để tỏ tình và rủ nhau ăn chè đậu đỏ để sớm có người yêu. Nhưng những sự thật phũ phàng sau đây sẽ khiến bạn "buồn" đấy!
Thất tịch không phải là ngày tình nhân mà còn là một ngày khá xui xẻo!
Trong truyền thuyết, Chức Nữ vốn là một nàng tiên trên trời, phụ trách dệt những đám mây ngũ sắc, có tài và khéo tay nức tiếng gần xa. Một lần xuống trần gian chơi, đi tắm ở sông, Chức Nữ gặp được Ngưu Lang, hai người đã có tình cảm với nhau, rồi trở thành vợ chồng.
Hai người ngày ngày chồng làm ruộng, vợ dệt vải, tình cảm rất sâu đậm, sinh được một trai một gái, cuộc sống gia đình rất đầm ấm. Nhưng chuyện này bị Vương Mẫu biết được, ép Chức Nữ về thiên đình, hai vợ chồng bị cách xa.
Khi Ngưu Lang lên được Thiên Đình tìm Chức Nữ, Vương Mẫu lấy trâm cài trên tóc vạch một đường, bèn xuất hiện sông Thiên Hà rộng lớn. Ngưu Lang và Chức Nữ bị ngăn cách ở hai bờ sông, chỉ có thể nhìn nhau, rơi nước mắt. Vào ngày mùng 7/7 âm lịch, tình yêu của họ đã làm chim khách cảm động, hàng nghìn hàng vạn chim khách bay đến tạo thành cầu, để Ngưu Lang và Chức Nữ gặp mặt nhau.
Lễ Thất Tịch từ đó đã hình thành, dưới câu chuyện lý giải về vị trí xa cách của hai sao Ngưu Lang và Chức Nữ được viết bởi một nhà thi sĩ từ thời Ngụy Tấn Nam Bắc triều, dần dần trở nên phổ biến trong văn hóa đại chúng.
Với người Trung Hoa cổ đại, Thất tịch là dịp các cô gái cùng nhau vui vầy, bỏ kim thêu vào hộp, nhìn ngắm trời sao, cầu mong trời cao cho mình sáng dạ và khéo tay như Chức Nữ. Đồng thời hy vọng có được mối lương duyên tốt đẹp, không bị chia cắt đau khổ như câu chuyện Ngưu Lang Chức Nữ.
Đó chỉ là truyền thuyết và ít ai biết ngày này hoàn toàn không phải là dịp để tình nhân chúc mừng lẫn nhau giống như Lễ Tình yêu (Valentine). Mà đây còn được xem là một ngày khá xui xẻo với nhiều cấm kỵ.
Ví dụ như nên tránh tổ chức đảm cưới, hỏi vào ngày Thất Tịch nếu không sẽ đem lại vận xui cho gia đình hai bên. Vì tuy Ngưu Lang - Chức Nữ có yêu nhau sâu đậm nhưng kết quả lại không thể bên nhau, chính vì vậy nên tránh tổ chức đám cưới vào ngày này. Ngoài ra lễ Thất Tịch còn rơi vào tháng Cô Hồn và cũng là thời điểm mưa ngâu, không khí ảm đạm nên không tốt để tổ chức cưới xin.
Ăn đậu đỏ vào ngày Thất tịch sẽ có bồ?
Truyền thuyết ăn đậu đỏ vào ngày Thất tịch sẽ nhanh có bồ được lan truyền rộng rãi trên mạng, nhưng thực tế đậu đỏ và hồng đậu, hay còn gọi là đậu tương tư, hoàn toàn không liên quan gì đến nhau.
Đậu đỏ của Việt Nam có hình dẹt, màu đỏ trầm ngả về màu chàm, hình thuôn dài, tính mát, thường được dùng phổ biến trong các món chè và đồ ngọt của Việt Nam.
Hồng đậu Trung Quốc có hình giống như trái tim, màu đỏ tươi, hạt cứng, có thể để được rất lâu cũng không mất đi màu sắc, nhưng không ăn được.
Nam nữ có tình ý thời xưa, còn dùng hồng đậu xâu lại thành vòng tay tặng nhau làm tín vật định tình. Do đó, việc Thất tịch ăn chè đậu đỏ vì hồng đậu là biểu tượng cho sự tương tư, hoàn toàn là lỗi của dịch thuật, do lan truyền trên mạng xã hội mới trở thành cơn sốt.
Việc bạn "đã thử và thành công" hoàn toàn là do duyên phận của bạn đến, chứ ăn chè đậu đỏ chỉ ngon miệng chứ không thể "giúp" bạn có bồ.
Nguồn: TH&PL