Bài đăng trên group "NGHIỆN NHÀ" chia sẻ của đông đảo cộng đồng mạng bởi lối kiến trúc xây dựng tối giản, trong lành, cùng câu chuyện đầy xúc động.
Gia đình chính là nơi chúng ta được sinh ra và lớn lên. Xã hội vốn đầy rẫy những bon chen, thị phi thì chỉ có nơi đây vẫn cho ta được thứ tình yêu vô điều kiện.
Người trẻ ngày nay, ai cũng yêu thích sự tự do, khám phá được nhiều điều mới mẻ, được đi thật xa nhưng với bố mẹ họ vốn dĩ chỉ cần một ngôi nhà đủ che nắng che mưa, là nơi để những đứa con sum họp sau những chuyến đi hay đơn giản chỉ là một cuộc sống bình yên ở cái tuổi xế chiều.
Mới đấy một thành viên của group "NGHIỆN NHÀ" đã đăng tải câu chuyện về việc xây nhà cho mẹ sau 10 năm sống xa nhà, cố gắng làm việc để hy vọng về một cuộc sống được thay đổi tốt đẹp. Hầu hết nhiều người không chỉ để lại lời khen cho cặp đôi kiến trúc sư, mà còn dành sự quan tâm đặc biệt cho câu chuyện về trách nhiệm của chàng trai khi đã cố gắng xây dựng một mái ấm đúng nghĩa cho mẹ của mình.
"Ngôi nhà là ước mơ cả đời của mẹ, không đâu thoải mái bằng nhà của mình"
Bài viết hiện đã nhận gần được 10 ngàn lượt chia sẻ, đây là ngôi nhà do chàng trai Nguyễn Quang Tâm, 30 tuổi xây dựng tại quê nhà để dành tặng cho mẹ của mình.
Ngôi nhà với mái dốc đặc biệt mang dáng hình căn nhà ngày trước của gia đình, gói gọn với tất cả niềm tin, sự yêu thương và kí ức. Nhiều người bày tỏ sự thích thú với hình ảnh ngôi nhà có không gian mở, được bao bọc bởi cánh đồng lúa, mang đến cảm giác rất yên bình và ấm cúng.
Không gian mở của căn nhà với nhiều cây xanh
Theo như Quang Tâm kể, bố của anh mắc bệnh hiểm nghèo từ lúc anh còn rất nhỏ, một mình mẹ vừa phải chăm lo cuộc sống cho gia đình, vừa phải chăm sóc bố. Mọi thứ đều phải bán hết để có thể chi trả tiền viện phí. Ngày bố mất, vì để duy trì cuộc sống mà hai mẹ con phải thuê một căn trọ nhỏ ở Hà Nội, một mình mẹ anh làm việc vất vả suốt ngày từ sáng đến tối.
Và rồi đến lúc trưởng thành, Quang Tâm cũng đủ nhận thức để thấy được trách nhiệm của mình với mẹ. "Mình không muốn mẹ phải vất vả thêm nữa, năm 17 tuổi mình vào Sài Gòn, mẹ mình vẫn tiếp tục làm việc ở Hà Nội vì còn phải về quê chăm lo việc gia đình. Sau 10 năm hai mẹ con sống xa nhau, mình cũng dành dụm kiếm đủ tiền, mình nói với mẹ nghỉ làm, con có thể lo cho mẹ được rồi và đón mẹ vào Sài Gòn", Quang Tâm chia sẻ.
Những góc không gian khiến người xem mê mẩn
Nhưng vì để thực hiện mong muốn của mẹ là được sống gần chị em, gần mộ bố và với cánh đồng mình yêu thích chàng trai đã bắt tay cùng các kiến trúc sư để thực hiện một dự án của tình yêu và trách nhiệm với người phụ nữ đặc biệt, đã tần tảo sớm khuya để chăm sóc và nuôi dạy chàng trai trong suốt gần 20 năm, mang tên "Nhà của mẹ".
Hoàn thiện xong ngôi nhà, mẹ Quang Tâm có nói "Ngôi nhà là ước mơ cả đời của mẹ, không đâu thoải mái bằng nhà mình con à". Đâu đó, trong ánh mắt đã vơi dần đi nhiều sự âu lo.
Tuổi trẻ là sự tự do, nhưng đừng quên trách nhiệm với gia đình
Khi ta bắt đầu có những sự va chạm và vấp ngã trong cuộc sống, tự tay chi trả những khoản phí hàng tháng, hiểu được giá trị của đồng tiền, thì bản thân sẽ nhận ra mình yêu thương gia đình đến mức nào. Trưởng thành không phải nằm ở độ tuổi, việc lập gia đình hay kiếm được bao nhiêu tiền, mà là khi chúng ta nhận ra được trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, với sự hy sinh của những người đã yêu thương ta.
Tuổi trẻ luôn mang trong mình nhiều ước mơ và sự kỳ vọng, để rồi cứ thế đâm đầu như những con thiêu thân vào những ảo tưởng mà bản thân tự xây dựng. Chúng ta luôn muốn sự tự do, làm những điều mình thích mà không bị ai cấm cản, điều này hoàn toàn không sai. Nhưng đừng quên trách nhiệm với đấng sinh thành hay biến những điều này trở thành gánh nặng, nỗi lo của họ.
Như chàng trai ở câu chuyện trên, thành công thật sự của anh không phải là xây dựng một ngôi nhà rộng lớn hay kiếm được khoản thu nhập mà nhiều người mơ ước ở tuổi còn trẻ mà là sự trách nhiệm, với những mong muốn về cuộc sống an yên cho mẹ của mình. Anh kể trong câu chuyện "Mình chỉ mong từ giờ sáng sáng mẹ uống trà tưới cây, chiều chiều mẹ làm bánh và nấu những món mẹ thích".
Điều quý giá nhất của chúng ta là vẫn còn một nơi để về
Rồi một ngày sau những bộn bề cuộc sống, những lần miệt mài theo đuổi đam mê hay đôi ba lần đau khổ vì chuyện tình cảm, ta lại trở về nhà.
Nhìn thấy bố đang cặm cụi sửa lại mấy món đồ trong nhà, nghe lời trách hờn lẫn trong cái hương vị của mâm cơm chiều. Ta sẽ nhận ra thứ giá trị lớn nhất với chính mình vẫn là ngôi nhà với gia đình luôn đợi bản thân sau những chuyến đi xa.
Với chúng ta, thế giới còn có quá nhiều điều rộng lớn để khám phá nhưng với bố mẹ thì thế giới của họ chính là những đứa con. Chúng ta đã từng nhiều lần trách hờn vì họ chẳng bao giờ hiểu mình nhưng sau tất cả gia đình vẫn luôn là người chấp nhận và bên cạnh chúng ta bất cứ lúc nào.
Trưởng thành rồi, 2 từ "về nhà" lại rất khó với nhiều người, khi phải mãi lao mình vào những guồng quay của công việc hay đơn giản là vì chưa có được những thành công nên chẳng dám về nhà với bố mẹ.
Nhưng thực ra, thứ mà họ hy vọng không phải là những giá trị cao siêu, mà là nhìn thấy chúng ta được sống hạnh phúc và với họ chỉ cần một cuộc sống bình dị, an yên. Tất cả sự nỗ lực của chúng ta không phải để khẳng định bản thân mình là ai, cốt lõi vẫn cho những điều thiêng liêng của cuộc sống.
Nguồn: TH&PL