Trần Tuyên, từ chàng sinh viên "thợ săn" học bổng đến hành trình học Tiến sĩ ở tuổi 24.
Trần Tuyên, 24 tuổi, cựu sinh viên xuất sắc của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Trong quãng đời sinh viên của mình anh chàng đã xây dựng được một bảng thành tích "khủng" với gần 30 lần nhận học bổng, tham gia nhiều hội thảo khoa học hay các chương trình giao lưu quốc tế.
Vinh dự hơn, Trần Tuyên còn giành được 2 lần danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" cấp Trung ương, giải thưởng "Sao Tháng Giêng" năm 2019 và rất nhiều danh hiệu khác trong quá trình học đại học.
Đến với Nhân Văn là một cái duyên và bắt đầu hành trình, hết mình đi đến!
Sau khi tốt nghiệp Đại học với danh hiệu xuất sắc thủ khoa đầu ra, Trần Tuyên có khoảng thời gian làm việc cho một một công ty nước ngoài. Hiện tại, anh đang làm nghiên cứu viên cho Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Đồng thời anh cũng đang theo học Tiến sĩ về du lịch tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn tại Hà Nội.
Chia sẻ với , chàng "thợ săn" học bổng kể rằng: "Thật ra mình đến với Nhân Văn là một cái duyên. Trong bối cảnh du lịch Việt Nam đang rất phát triển thì mình nghĩ ngành du lịch trong tương lai sẽ có nhiều tiềm năng. Vì vậy mình đặt nguyện vọng vào ngành du lịch của trường. Vậy là nó cũng chỉ xuất phát điểm từ nhu cầu thực tiễn, cũng không phải là dự định hay ước mơ khi còn học phổ thông. Nó đánh thức nhận thức, trong tương lai mình cảm thấy mình phù hợp với điều gì và điều gì sẽ tốt với bản thân mình nên mình quyết định chọn Du lịch ở Nhân văn".
Có thể nói thời đại học của chàng thủ lĩnh sinh viên "Sao Tháng Giêng" là cuộc hành trình bắt đầu rồi hết mình đi đến. Với phương châm sống không để hoài phí và hối tiếc cho nên anh luôn cố gắng chinh phục những danh hiệu giải thưởng qua các hoạt động để bản thân mình tốt hơn từng ngày.
Điều mà anh tâm đắc nhất trong quãng đời sinh viên của mình là ngoài việc đạt được các danh hiệu giải thưởng thì anh có thể tự lập. Và bên cạnh việc tự lập là bản thân có thể đóng góp một số điều nho nhỏ cho các hoạt động đoàn hội, công tác xã hội, các dự án, các chương trình.
Cũng giống như nhiều bạn sinh viên khác, trước khi bước vào giảng đường đại học Trần Tuyên đã không có những kế hoạch hay dự định cụ thể. "Có thể nói ngay từ đầu kỳ hai năm nhất thì mình đã có những kế hoạch cụ thể cho bản thân mình. Chẳng hạn như những kế hoạch chinh phục học bổng, những công việc làm thêm phù hợp, đặt ra những mục tiêu cần làm. Cứ qua mỗi học kỳ như thế thì mình sẽ tổng kết và đúc kết tại học kỳ đó".
Trải qua 4 năm Đại học với loạt "hồ sơ thành tích" cực khủng, Trần Tuyên cũng đã có những chia sẻ thiết thực đối với các bạn đang còn ngồi trên giảng đường Đại học. "Điều đầu tiên mà mình nghĩ các bạn sinh viên nên hướng tới khi đặt chân vào môi trường đại học là cần phải xác định được kết thúc bốn năm đại học bạn muốn trở thành người như thế nào thì mình sẽ có những bước đi cụ thể để xây dựng và tiến tới những giá trị mà mình hướng tới. Muốn thành công thì các bạn phải tự thân vận động.
Tuy nhiên, trải nghiệm bao lâu nó còn tùy thuộc vào mức độ nhạy cảm của mỗi người. Có người là năm nhất, năm hai nhưng thậm chí có người còn đến cả năm tư. Tuy nhiên, thà biết muộn còn hơn là không biết".
Tư duy học cho qua môn là tư duy mang tính hai mặt và hoạt động phong trào chính là hoạt động "sinh lời"
Giảng đường đại học trao cho sinh viên toàn quyền tiêu thụ thời gian một cách chủ động, không cần phải buộc lên trường lớp như phổ thông. Cũng chính sự chủ động đó làm sinh viên thiếu kiểm soát và đánh giá vị trí của nó kém đi.
Chia sẻ về điều này, Trần Tuyên cho biết: "Thật ra tư duy học cho qua môn có hai mặt. Nếu xét về cái tốt thì tư duy học cho qua môn cũng không hẳn xấu. Khi bạn biết rằng là những kiến thức kỹ năng ở môi trường đại học thật sự không cần thiết cho bạn và bạn đang hiểu rõ con đường đi của bản thân mình sau khi tốt nghiệp đại học. Biết được mình sẽ làm gì? Sẽ tham gia môi trường làm việc như thế nào? Có kế hoạch chuẩn bị riêng ra sao? Thì đó vẫn là một hướng suy nghĩ tích cực".
Nhưng thực tế hướng này thì rất ít. Cũng có một số bạn mượn lý do học cho qua môn để thỏa hiệp một điều là bạn không dám đương đầu hoặc là các bạn không tìm được hứng thú học tập, không xác định được con đường tương lai, không hiểu rằng những kiến thức đại học sẽ giúp ích sau này nên cứ học cho qua môn là đủ. Vậy ở phạm trù này, tư duy học cho qua môn đang đi theo chiều hướng tiêu cực".
Khi tham gia vào các hoạt động đoàn hội thì cũng có nhiều người tham gia với nhiều hình thức khác nhau, nội dung, cách thức khác nhau. Tuy nhiên đối với bản thân mình, điều mà Trần Tuyên thấy là những hoạt động phong trào giúp anh có những quan điểm cụ thể, nhiều chiều đối với sự việc trong cuộc sống. "Nó cho mình biết cách mình sẽ thích ứng với khó khăn. Trước những áp lực mình phải chịu đựng, mình sẽ vượt qua điều đó như thế nào" - Trần Tuyên chia sẻ.
Tuổi trẻ chính là thuận lợi lớn nhất khi học nghiên cứu sinh ở tuổi 24
Người ta thường nói, tuổi trẻ là mùa hân hoan nhất của cuộc đời, rực rỡ với đủ sắc màu. Và với Trần Tuyên cũng vậy! Sau khi tốt nghiệp, anh tiếp tục học lên và hiện tại, anh đang học nghiên cứu sinh về du lịch tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn tại Hà Nội. Mới ra trường cùng với tuổi đời còn khá trẻ, anh gặp cũng không ít những khó khăn trong quá trình chinh phục học vị này.
Trần Tuyên chia sẻ: "Xuất phát điểm của mình là từ cử nhân lên nghiên cứu nên gặp phải gặp rất nhiều vấn đề. Thậm chí là so với danh sách người trúng tuyển thì mình chỉ ở top dưới vì không có điểm số cao về các công bố quốc tế hay các bài nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó vì còn trẻ nên năng lực nhận thức của mình cũng chưa nhiều, kinh nghiêm nghiên cứu cũng chưa có nên gặp những khó khăn nhất định trong quá trình học tập".
Tuy nhiên, chàng nghiên cứu sinh tuổi 24 cũng tự hào nói rằng: "Tuy phải gặp rất nhiều khó khăn nhưng mình nghĩ rằng những điều đó mình có thể cố gắng bổ sung trong quá trình học tập. Khó khăn thì có thể khắc phục, chỉ là mình sẽ tìm cách khắc phục nó như thế nào thôi. Chưa bắt đầu nghiên cứu thì mình sẽ nghiên cứu nhiều hơn vì mình có sức trẻ".
Thuận lợi lớn nhất mà anh có mà mọi người cũng hay nói là tuổi trẻ. Tức là khi học ở giai đoạn trẻ, chúng ta còn chưa vướng bận về gia đình, cùng nhiều yếu tố khác thì chúng ta sẽ dành toàn tâm, tâm ý cho việc học hơn. Ngoài ra, anh còn nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của thầy cô và công việc hiện tại cũng bổ trợ việc học tập rất nhiều.
Khi được hỏi về động lực để phấn đấu, Trần Tuyên cho biết: "Mình không đặt áp lực cho mình là sẽ có bằng tiến sĩ ở giai đoạn nào vì đích đến cuối cùng không hẳn là tấm bằng đâu. Đích đến chính là con đường mà mình đã học tập, nó đã thay đổi mình như thế nào. Động lực lớn nhất của mình là trên mỗi hành trình mình đi mình sẽ tiến bộ thêm được từng ngày và nhận thức thêm được nhiều giá trị mới, có thể hiểu được mình nhiều hơn".
Trần Tuyên không quên gửi lời nhắn nhủ đến các bạn trẻ, đặc biệt là thế hệ sinh viên tiếp bước: "Bạn hãy trân trọng khoảng thời gian mà mình làm sinh viên, bởi vì bốn năm đại học nhìn dài như vậy thôi nhưng rất ngắn. Đặc biệt, hãy nghĩ nhiều hơn về những người xung quanh mình. Cố gắng tìm được chỗ đứng của mình. Chỗ đứng đôi khi không quá cao siêu mà chỗ đứng chính là cơ hội để mình được sống trong sự tốt nhất mà bản thân muốn hướng tới".
Vượt qua ranh giới tuổi tác của Gen Z, Gen Y..., Gen Vie - Thế hệ những người trẻ Việt Nam không thiếu câu chuyện truyền cảm hứng và nhiều hành trình thú vị để kể bạn nghe. Tuyến bài Humans of GenVie sẽ giới thiệu đến bạn những gương mặt Việt, và cả trải nghiệm của những người Việt đầy đam mê, năng lượng tích cực trong mọi lĩnh vực.
Nguồn: TH&PL