Bài toán chi tiêu luôn là một bài toán khó với rất nhiều người. Vậy là một sinh viên bạn nên kiểm soát tiền bạc như thế nào là hợp lý nhất?
Đa số các sinh viên đều xa nhà và đến thành phố mới để học tập trong nhiều năm liền. Khác xa so với việc sống chung với gia đình, lần đầu tiên tự quản thúc tất cả tiền sinh hoạt của bản thân chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn nhất là rơi vào cảnh chi tiêu quá đà.
Tiền nhà trọ, ăn uống, tiền xăng,... tất cả phải được tính toán chi tiết nhất có thể để tránh trường hợp cuối tháng lại hết tiền. Hơn nữa là dành cho những mục tiêu sau này của các bạn và đương nhiên tiền sẽ là một công cụ giúp bạn đạt được mục tiêu ấy nhanh hơn.
Sinh viên cần kiểm soát tài chính của mình một cách cẩn thận. Đây là một bài toán không hề đơn giản thế nên cần có một số lưu ý giúp các sinh viên của chúng ta chi tiêu đúng đắn mà không phí một đồng nào.
Ăn nhiều hơn mặc
Có nhiều người quan điểm rằng đổ tiền vào trang phục để làm đẹp vẻ bề ngoài mới là quan trọng nhất. Ở độ tuổi đôi mươi như sinh viên ắt hẳn sẽ có suy nghĩ như vậy. Các bạn trẻ luôn chú trọng đến bên ngoài dẫn đến mua sắm quá đà, quần này áo nọ bằng phần lớn số tiền sinh hoạt của mình.
Hệ luỵ theo sao là phải tiết kiệm tiền ăn uống, có người thà ăn mì gói để được mặc đẹp chứ không quan tâm đến bữa ăn của mình. Nhưng điều đó hoàn toàn sai, chúng ta nên hiểu rằng sức khỏe mới là quan trọng, nhất là khi bạn ở một mình nơi đất khách quê người thì càng phải ưu tiên việc chăm sóc bản thân hơn nữa.
Không ném tiền qua cửa sổ
Tình trạng này hiện nay rất phổ biến, đôi khi chúng ta vẫn không thể kiềm chế bản thân mà vô thức ném tiền qua cửa sổ qua những cuộc giao dịch không đáng có.
Nào là tiền trà sữa, tiền ăn ngoài, mua những đồ lặt vặt,... tuy là không nhiều nhưng sau nhiều ngày tích góp sẽ thành một con số khủng. Chúng ta cần tỉnh táo và suy nghĩ nhiều hơn khi mua món đồ nào đó hoặc dùng tiền cho việc gì. Nếu cần thiết thì không sao nhưng cảm thấy vẫn chưa đáng thì không nên phí phạm.
Đầu tư vào tài liệu, sách vở
Thay vì đầu tư tiền vào những việc không mang lại nhiều lợi ích, tại sao không dành chúng cho việc học tập đặc biệt khi còn là một sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường. Bạn chắc chắn sẽ không bao giờ hối hận vì tiền của mình đã đổi lấy được nhiều kiến thức và sự hiểu biết.
Ở Đại học, bạn cần nhiều tài liệu tham khảo, nghiên cứu cho nhiều môn học. Có những tài liệu lên đến mấy trăm trang giấy buộc chúng ta phải photo hoặc in ra để tiện cho việc học. Đây là một khoản không thể thiếu mà mỗi tháng bạn cần trích ra dành cho nó.
Sách cũng là đam mê của rất nhiều người, có thể nói sách là công cụ giúp bạn nhìn nhận nhiều vấn đề trong cuộc sống mà chỉ khi trải nghiệm thực tế chúng ta mới có được. Mỗi tháng mua tầm 1-2 quyển sách về đọc giúp bạn hiểu biết hơn lại càng không phí phạm đồng nào.
Có một khoản tiết kiệm riêng
Khi còn trẻ, còn nhiều thời gian làm việc và lao động thì nên nghĩ xa hơn để cuộc sống sau này đỡ vất vả. Một khoản tiết kiệm riêng là cách giúp chúng ta tích góp được tiền bạc của mình từ khi còn là một sinh viên.
Không cần quá nhiều, tháng này bạn còn dư ra bao nhiêu hay bạn mặc định mỗi tháng mình sẽ gửi vào sổ tiết kiệm bao nhiêu là không bắt buộc. Tích tiểu thành đại, số tiền ban đầu có thể không nhiều nhưng sau này sẽ lớn mạnh nhanh thôi. Lúc đấy bạn có thể dùng chúng cho bất kỳ việc nào thậm chí là những mục tiêu lớn khác.
Nguồn: TH&PL