Giọng diễn viên “Em và Trịnh” bị chê giả: Giọng Huế thật phải như thế nào?

Vấn đề giọng Huế trong phim điện ảnh Em Và Trịnh đang gây nhiều tranh cãi, bởi diễn viên bị cho là giả giọng không giống.

Sau hơn một năm dài hoãn chiếu vì dịch bệnh, phim điện ảnh về cuộc đời cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ra mắt những ngày qua tạo nên "cơn sốt" với khán giả và giới truyền thông. Đối với nhiều người, đây là một bộ phim có đề tài hấp dẫn, đáng để mong chờ, được đầu tư chỉn chu, về cả thời gian, công sức lẫn kinh phí. 

Sau những suất chiếu đầu, phim nhận về nhiều phản hồi từ khán giả. Bên cạnh việc khen chê nội dung phim, diễn xuất của các nhân vật, bối cảnh và tạo hình, nhiều người cũng quan tâm đến đài từ - một phần linh hồn bộ phim.

giong dien vien em va trinh bi che gia giong hue that phai nhu the nao - anh 0
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Giọng Huế chuẩn phải thế nào?

Trịnh Công Sơn lớn lên ở Huế, giọng nói mang nét đặc trưng của vùng đất này. Dù có lên Đà Lạt hay vào Sài Gòn sinh sống, ông vẫn giữ được giọng nói đặc trưng của xứ kinh kỳ. Bởi thế, diễn viên đảm nhận vai này cũng gặp áp lực phải nói sao cho ra giọng Huế, có chất trữ tình, vừa nhẹ nhàng, vừa lãng mạn như Trịnh Công Sơn.

Tuy nhiên, từ trailer đến phim, giọng của diễn viên bị đánh giá là "không phải giọng Huế". Cả Trần Lực (vai Trịnh Công Sơn trung niên) và Avin Lu (vai Trịnh Công Sơn thời trẻ) đều bị chê là bắt chước giọng không ra, nói tiếng Huế chưa chuẩn, lên phim gây khó chịu. Đối với những người mến Trịnh Công Sơn, thân thuộc giọng nói của ông hay những người con xứ cố đô, việc bắt chước giọng Huế trong phim này bị phản cảm, khó chấp nhận.

Giọng Huế mới nghe nhiều người cảm thấy khó hiểu, học theo không khéo còn dễ bị phát âm sai. Chất giọng của vùng này giàu nhạc điệu, đặc trưng, khó lẫn với vùng miền nào của đất nước. Với những người "nhạy" về ngôn ngữ, giọng Huế dịu dàng, sâu lắng lạ thường. Trịnh Công Sơn ở Huế, bởi thế, giọng của ông cũng là điều quyến rũ đối với nhiều người, đặc biệt là các "nàng thơ".

giong dien vien em va trinh bi che gia giong hue that phai nhu the nao - anh 0
Diễn viên Avin Lu.

Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu, tiếng Việt được chia thành 3 vùng phương ngữ: Bắc, Trung, Nam. Nếu Thanh Hóa là vùng đệm của phương ngữ Bắc - Trung thì Thừa Thiên Huế là vùng đệm của phương ngữ Trung - Nam. Đặc trưng phương ngữ của các vùng đệm thường có nét giao thoa giữa 2 miền. Bởi thế, giọng Huế thừa hưởng cả một chút Trung và một chút Nam.

Về chất giọng, tiếng Huế thuộc Trung nhưng phụ âm cuối thì giống phương ngữ Nam. Vì vậy, đối với phụ âm cuối, người Huế phát âm "n" trở thành "ng", "t" trở thành "c". Ví dụ, "thân phận" họ sẽ nói "thâng phậng", "ướt mi" họ sẽ nói "ước mi". Một đặc điểm riêng của tiếng Huế là vần "oi" được phát âm thành "oai", như "nói" được phát âm thành "nói".

Người Huế phát âm thường không phân biệt thanh hỏi và ngã, thanh sắc và nặng cũng biến đổi nhiều, nghe "lơ lớ" thì thanh sắc thường xuống rất thấp, gần như thanh nặng, thanh ngang cũng hơi cong. Bởi thế nghe giọng Huế thường trầm, thấp hơn các vùng phương ngữ khác.

Tiếng Huế không chỉ đơn giản là "mô, tê, răng, rứa" như thi thoảng xuất hiện trong thơ, nhạc và văn xuôi mà nó phức tạp, phong phú hơn nhiều. Tùy vào từng địa phương của Huế, cách phát âm có nơi nặng nơi nhẹ, lúc thanh tao khi khó hiểu. Nhưng nó là thứ ngôn ngữ giàu cảm xúc, lôi cuốn người nghe. 

giong dien vien em va trinh bi che gia giong hue that phai nhu the nao - anh 0
Diễn viên Trần Lực.

Nhân vật đã cố gắng thế nào về phần giọng

Giọng Trịnh Công Sơn nhẹ nhàng, ấm áp, nghe là ra ngay gốc gác quê hương. Như Khánh Ly từng nói, thời gặp ông ở Đà Lạt - vùng có nhiều người Huế, nói tiếng thường "lai lai", ông nói chuyện với bà bằng giọng Huế rặt, nghe ra là biết ngay.

Với những người mến Trịnh, ngoài những bản tình ca mê đắm lòng người thì giọng nói của ông cũng như một "chất gây nghiện". Vào vai Trịnh Công Sơn, NSƯT Trần Lực và Avin Lu đã rất cố gắng để học giọng, phong thái của ông khi nói chuyện. Tuy nhiên, phần thể hiện này không được đánh giá cao.

Họ bắt chước giọng Huế nhưng không ra Huế, đôi khi pha một chút ngữ âm của miền Bắc, ví dụ các từ có âm cuối là "n" và "t" thì vẫn giữ nguyên, trong khi người Huế thường biến đổi âm cuối "n" thành "ng", "t" thành "c". Ví dụ, với cụm "lần ướt mi", nhân vật vẫn giữ nguyên âm "n" và "t" cuối, còn nếu đúng giọng Huế phải là "lầng ước mi". Ngoài ra, "hát" phải là "hạc", "nói" phải là "noái"... thì mới đúng chất Huế.

Ngay từ trailer, cụm "đóa hướng dương" đã làm mất "chất Huế". Bởi người Huế đọc "dương" là "dương" chứ không phải "giương" như nhât vật thể hiện. "Hướng giương" pha giọng Bắc, thuộc vùng ngoài chứ không phải tiếng Huế.

giong dien vien em va trinh bi che gia giong hue that phai nhu the nao - anh 0

Bỏ qua phần ngữ âm, yếu tố từ vựng Huế trong phim cũng không được thể hiện. Ví dụ những từ biểu lộ sắc thái, từ đệm ở cuối câu của phương ngữ vùng này như "hỉ", "rứa"... bị bỏ qua. Ở những câu thoại này, đôi khi nhân vật bị "quên", biến nó thành "nhỉ", "nhờ" như giọng Bắc.

Khi nhận vai diễn này, cả 2 diễn viên đều đã cố gắng rất nhiều để hoàn thành nó một cách chỉn chu nhất có thể. Về diễn xuất, họ được nhận xét là làm tròn vai. Tuy nhiên, phần giọng bắt chước Huế không giống nên gây cảm giác khó chịu.

Avin Lu từng chia sẻ, anh đã nghiên cứu, đọc và xem nhiều tư liệu về Trịnh Công Sơn để chuẩn bị cho vai diễn này. Phần giọng nói, anh cũng đã cố gắng hết sức để làm sao cho ra cái hồn của nhân vật.

Trần Lực chia sẻ: "Về giọng nói, tôi phải xem băng, clip của anh ấy từ gia đình, chứ tôi chưa có cơ hội gặp Trịnh Công Sơn ngoài đời. Cho nên tôi phải nghe nhiều để nghiên cứu về chất giọng của anh ấy, nói cho nó giống giống giọng Huế của Trịnh Công Sơn".

Nam diễn viên cũng cho biết thêm, có những từ nếu để khán giả xem thì cũng khó mà hiểu được. Cho nên, anh cũng phải chọn cách thể hiện và cảm được tinh thần giọng Huế, chứ không phải bắt chước giọng Huế. 

giong dien vien em va trinh bi che gia giong hue that phai nhu the nao - anh 0

Bắt chước giọng có chấp nhận được không?

Về vấn đề này, Th.S Phan Trần Công - Chuyên ngành Ngôn ngữ học trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho biết, phần giọng trong phim bắt chước không ra tiếng Huế. Dù diễn viên có cố gắng nhưng ngôn ngữ đó không phải tiếng vùng đất kinh kỳ. Ngữ âm của nhân vật này thiên về các tỉnh phía Bắc của Bắc Trung Bộ (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình).

Về việc bắt chước giọng, giảng viên trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM chia sẻ: "Việc giả giọng phải tuân thủ các nguyên tắc của phương ngữ, nếu không người ta sẽ cho là 'pha tiếng'.

Chất giọng của mỗi người là đặc trưng ngữ âm cá nhân nên nói để giả cho giống giọng Trịnh Công Sơn thì không thể. Tuy nhiên, đặc trưng phương ngữ là cái bao trùm ở bên trên của cộng đồng ngôn ngữ. Nên dù có những đặc trưng riêng của cá nhân nhưng cá nhân đó vẫn mang đầy đủ đặc trưng của phương ngữ".  

Thầy Phan Trần Công nhận xét, chất giọng của diễn viên cũng ấm áp, nhẹ nhàng, gần với giọng của Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên, nói tiếng Huế thì chưa giống. Còn về yếu tố từ vựng, thầy cho biết nếu nói hết từ vựng địa phương của Huế đôi khi sẽ rất khó nghe. 

"Ngay cả khi Trịnh Công Sơn phát biểu cũng né các yếu tố từ vựng. Điều này giúp ông tiếp cận với bộ phận công chúng rộng hơn", thầy Phan Trần Công chia sẻ.

giong dien vien em va trinh bi che gia giong hue that phai nhu the nao - anh 0

Theo TS. Đinh Lư Giang - Chuyên ngành Ngôn ngữ học trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, giọng Huế của người Huế tùy người có thể rất "nặng" hay "nhẹ". Giọng của Trịnh Công Sơn ngoài đời rất nhẹ, rất dễ nghe nhưng vẫn mang đầy đủ các đặc trưng của Huế, không bị lẫn. Đó là điều đặc biệt đối với một người Huế đã bôn ba nhều năm ở những nơi khác. Tiếng Huế của ông có các thanh sắc và hỏi ít nặng hơn. Trịnh Công Sơn cũng chọn phát âm rõ ràng từng chữ, có thể do ông ý thức được nếu nói hoàn toàn giọng Huế có thể sẽ khó hiểu với một số người.

"Về phim Em Và Trịnh, có lẽ nhà làm phim đã chọn giải pháp cho giọng Trịnh Công Sơn dễ nghe hơn so với giọng Huế gốc. Mục đích chắc là để cho khán giả dễ nghe, chứ khán giả Bắc/ Nam nghe giọng Huế gốc, lại thêm nhiều từ vựng địa phương thì sợ không hiểu. Nghe Trịnh Công Sơn nói trong phim mà không hiểu thì sẽ làm mất cái hay của bộ phim, chứ đạo diễn nếu muốn tìm giọng Huế thì có khó gì đâu. 

Cho nên vấn đề này chấp nhận được. Chúng ta phải chấp nhận tính chất biểu trưng của điện ảnh. Chỉ cần giọng Trịnh Công Sơn gợi được nguồn gốc xuất xứ của nhạc sĩ là được. Các phim đình đám ở Hollywood với các nhân vật từ Úc, Anh, châu Á cũng nói thứ tiếng Anh hơi Úc, hơi Anh hơi châu Á đấy thôi", thầy Đinh Lư Giang chia sẻ.

Hiện tại, vấn đề về giọng Huế trong phim vẫn gây nhiều tranh cãi.

Phim về cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được chia thành 2 bản chính: Em Và Trịnh (cuộc đời nhân vật giai đoạn từ năm 1950-1990), Trịnh Công Sơn (tuổi trẻ của Trịnh và các bóng hồng đi qua đời ông). Hiện tại, hai bộ phim đều nhận được sự quan tâm của khán giả.

Thảm đỏ công chiếu "Em Và Trịnh": Dàn sao "Mắt Biếc" quy tụ, Nhã Phương cười tươi "hết nấc"

Có biến: Thực hư phim "Em Và Trịnh" hứa tặng NFT nhưng không giữ lời?

Bùi Lan Hương tái hiện hình ảnh Khánh Ly trong buổi công chiếu "Em Và Trịnh": Giống đến cả việc xem lời!

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ