"Dáng người mảnh khảnh, cặp kính trắng tròn, gọng đồi mồi, cặp mắt bồ câu, vầng trán cao, rộng, sống mũi thẳng, nụ cười đẹp tươi với chiếc răng khểnh" - Hình ảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong mắt danh ca Khánh Ly.
Sau hai thập kỷ rời bỏ "cõi tạm", ký ức về Trịnh Công Sơn vẫn sống mãi trong tâm tưởng gia đình, bè bạn và công chúng yêu mến âm nhạc của ông.
Phim Em Và Trịnh, Trịnh Công Sơn là hai phim ra rạp cùng lúc về Trịnh với hai phiên bản và thời lượng khác nhau để hồi tưởng về thời trẻ của ông cùng những mối tình thanh xuân. Cụ thể, phim Em Và Trịnh có thời lượng 136 phút, nội dung trải dài từ khi Trịnh Công Sơn (Avin Lu) còn trẻ đến lúc bước qua tuổi trung niên. Trong khi đó, phim Trịnh Công Sơn dài 95 phút, kịch bản tập trung khai thác tuổi trẻ nhạc sĩ, xoáy sâu vào thời điểm ông sáng tác giữa những năm tháng chiến tranh.
Nội dung liên quan
Tuy vậy, sau buổi ra mắt hai bộ phim về cố nghệ sĩ, những khán giả đầu tiên đã có nhiều nhận xét về tạo hình nhân vật, cho rằng phim làm không phù hợp, chưa đủ tinh tế. Có không ít người cho rằng hình tượng Trịnh Công Sơn trong phim có phần hư cấu quá đà, không đúng với những gì vốn có của cố nhạc sĩ ở đời thật. Đặc biệt, nam chính thủ vai cao và mập hơn, không có được thần thái của cố nhạc sĩ và cũng không nói chuẩn giọng Huế.
"Không thấy hình ảnh của Trịnh trong phim Em và Trịnh", một khán giả kết luận.
Vậy như thế nào mới là Trịnh, từ góc nhìn của những người thân thuộc bên đời ông?
Danh ca Khánh Ly: "Sơn với hai bàn tay gầy guộc, những ngón tay dài, tài hoa"
Trịnh Công Sơn - Khánh Ly là cặp đôi có dấu ấn đặc biệt và độc nhất trong nền âm nhạc Việt Nam. Họ đã làm bàng hoàng, ngất ngây cả một thế hệ vào cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Và giờ đây, khi một người đã ra đi, một người ở độ tuổi thất thập cổ lai hy, âm nhạc của họ vẫn khiến hàng triệu người mê đắm, tôn thờ.
Trong cuốn sách Đằng Sau Nụ Cười, danh ca Khánh Ly đã mô tả về hình dung của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong cuộc gặp gỡ định mệnh tại Đà Lạt như sau: "Dáng người mảnh khảnh, cặp kính trắng tròn, gọng đồi mồi, cặp mắt bồ câu, vầng trán cao, rộng, sống mũi thẳng, nụ cười đẹp tươi với chiếc răng khểnh".
Miêu tả về giọng nói của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nữ danh ca cho biết người con trai này nói với cô bằng giọng Huế với một chất giọng Huế chay. "Dân Đà Lạt đa số nói tiếng Huế nhưng hơi lai, nhưng Sơn là Huế chay. Sơn với hai bàn tay gầy guộc, những ngón tay dài, tài hoa, tháp cho tôi một đôi cánh, xỏ vào chân tôi đôi hài bảy dặm. Cô bé Lọ Lem lột xác. Lột xác để từ một đoạn trường này bước sang một đoạn trường khác", nữ danh ca viết.
Anh Sơn có dáng người mảnh khảnh, cặp kính trắng tròn, gọng đồi mồi, cặp mắt bồ câu, vầng trán cao, rộng, sống mũi thẳng, nụ cười đẹp tươi với chiếc răng khểnh.
Nhắc nhớ về dung mạo thời trẻ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, danh ca Khánh Ly kể rằng, ngày đó người nghệ sĩ tài ba này đẹp trai lắm, ở ngoài còn đẹp hơn cả trong hình. Ông còn nho nhã, dịu dàng, phong cách, nhìn là có cảm tình và tin cậy được.
Sau năm 1975, họ xa nhau. Một người ở Việt Nam, một người ra hải ngoại. Tuy vậy, họ vẫn luôn nghĩ về nhau. Khi nhắc tới Trịnh Công Sơn, người ta vẫn phải nhớ tới Khánh Ly, và dù có bao nhiêu nghệ sĩ hát nhạc Trịnh đi chăng nữa, người ta vẫn không thể quên được dấu ấn đặc biệt của Khánh Ly.
Diva Hồng Nhung: "Nụ cười của anh, tươi thế, trong sáng thế, hiền hậu thế..."
Hồng Nhung là một trong những nàng thơ của Trịnh Công Sơn. Ông là người ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp ca hát của cô. Diva gặp ông khi đang ở lứa tuổi đôi mươi và trở thành giọng ca đại diện cho nhạc Trịnh sau năm 1975 bởi màu sắc hiện đại, mới mẻ mà cô mang đến cho mỗi ca khúc.
Kể về lần gặp gỡ đầu tiên cùng cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nữ diva cho biết: "Đó là một người đàn ông nhỏ bé, gầy guộc bước vào chiếc cổng sắt lớn. Anh đội chiếc mũ bạc màu vừa đi vừa đá nhẹ mấy hòn sỏi dưới sân. Và nụ cười của anh, tươi thế, trong sáng thế, hiền hậu thế, làm sao mà không cảm thấy thân thương ngay được".
Sau này chia sẻ lại, cô kể đã cảm thấy thân thương, gần gũi, được che chở ngay từ lần đầu tiên gặp Trịnh Công Sơn. Thân thiết với nhạc sĩ nổi tiếng bậc nhất, nữ ca sĩ đối diện không ít gièm pha, ganh ghét. "Nhiều người bực bội vì một con bé mới 21 tuổi, đen, gầy, xấu, răng khấp khểnh, lính mới từ Hà Nội vào, lại quen và thân với anh Trịnh Công Sơn. Thế nhưng tôi không quá bận tâm vì cùng lúc đi học, đi hát, chăm lo cho bố. Và quan trọng là, anh Sơn quá yêu thương, chiều chuộng Bống (PV: Tên gọi thân thuộc của Diva Hồng Nhung). Tình yêu ấy đủ để xoa dịu những đố kỵ, hờn ghen", ca sĩ nói.
"Em hãy thoải mái vẫy tay chào cuộc đời" là câu nói ông thường khuyên Hồng Nhung.
Đầu năm 2022, Diva Hồng Nhung tiết lộ về lần đầu viết sách kể chuyện từ bé đến trưởng thành, trong đó có 10 năm gắn bó nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nghệ sĩ lên ý tưởng về 22 câu chuyện, phần ký ức về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một câu chuyện dài trong số đó, thậm chí có thể viết một cuốn sách riêng. Tác phẩm chưa có tên, dự định ra mắt trong hai năm tới.
Đó là một người đàn ông nhỏ bé, gầy guộc bước vào chiếc cổng sắt lớn. Anh đội chiếc mũ bạc màu vừa đi vừa đá nhẹ mấy hòn sỏi dưới sân. Và nụ cười của anh, tươi thế, trong sáng thế, hiền hậu thế, làm sao mà không cảm thấy thân thương ngay được.
Nhiếp ảnh gia Dương Minh Long: "Không còn âm nhạc, chỉ còn một mình anh và khói thuốc. Đấy là những tâm trạng ăn ảnh của anh Sơn"
11 năm theo đuổi việc chụp ảnh tư liệu Trịnh Công Sơn và 4 năm ở chung nhà đã giúp nhiếp ảnh gia Dương Minh Long hiểu hơn về người nhạc sĩ tài danh.
"Ông hoàng ảnh tư liệu" Dương Minh Long cho biết đã ở trong nhà của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ năm 1993 - 1997. Từ một người yêu nhạc Trịnh, hâm mộ Trịnh Công Sơn, anh đã trở thành người bạn, người em, người sống cùng nhà và người ghi lại một khối lượng tư liệu hình ảnh quý giá về nhạc sĩ Hạ Trắng.
"Anh luôn sống vì bạn bè. Nhà anh lúc nào cũng đầy bạn bè. Tôi suốt ngày lẽo đẽo đi theo anh từ chỗ này tới chỗ kia và làm công việc của một người em: chụp lại những khoảnh khắc đời thường của anh. Những khi bạn bè về hết, hai anh em rủ nhau đến ăn hoặc ngồi ở góc nào đó, anh lại chia sẻ những câu chuyện riêng tư của anh. Nhiều khi, tôi phải chủ động hỏi, anh không bao giờ nói.
Những lúc anh Sơn ngồi một mình. Những hôm anh đứng bên cửa sổ hoặc ngồi trên ghế da… Không còn âm nhạc, chỉ còn một mình anh và khói thuốc. Đấy là những tâm trạng ăn ảnh của anh Sơn.
Những lúc anh Sơn ngồi một mình. Những hôm anh đứng bên cửa sổ hoặc ngồi trên ghế da… Không còn âm nhạc, chỉ còn một mình anh và khói thuốc. Đấy là những tâm trạng ăn ảnh của anh Sơn.
Trong khoảng 10.000 bức ảnh tư liệu về Trịnh Công Sơn, chỉ có khoảng 3 - 5 kiểu nhạc sĩ cười. Đa phần, ông ở trong trạng thái suy tư. Thi thoảng, nhạc sĩ xem lại ảnh. Vừa xem, ông lẩm bẩm: "Cái này buồn nhỉ, không nhận ra mình". Một lần, ông chỉ vào bức ảnh đang ngồi trên bàn tiệc đông người, gương mặt buồn và hỏi: "Long chụp ở đâu nhỉ, sao anh lại có tâm trạng lạ thế?".
Không chỉ lưu giữ khoảng 10.000 tấm ảnh về Trịnh Công Sơn, nhiếp ảnh gia Dương Minh Long còn là người giữ hơn 1.000 tư liệu bao gồm các bài báo, thư tình, bản ghi lời nhạc gốc đầy vết tẩy xóa đến cả những văn bản hành pháp cấm nhạc Trịnh,... Hiện ông đã trao lại cho gia đình của cố nhạc sĩ.
Từ câu chuyện của những người thân thuộc, có thể thấy cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một hình tượng riêng, một biểu tượng trong ký ức của nhiều người. Và rõ ràng, việc đưa hình tượng Trịnh Công Sơn lên màn ảnh là một quyết định không chỉ cần sự nỗ lực, tìm tòi mà còn cần quá trình hiểu biết, thấu tỏ.
Hình tượng Trịnh Công Sơn hấp dẫn với mọi thế hệ nhưng để làm ra được "thần thái" của cố nhạc sĩ trên màn ảnh thật không phải chuyện dễ dàng!
Nguồn: TH&PL