Gen Z chia sẻ về ứng dụng giải trí trực tuyến Việt và cái nhìn khách quan với vai trò giữ gìn văn hóa.
Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ... đều có "sân chơi" cho riêng mình với các ứng dụng giải trí trực tuyến cho khán giả nội địa. Trung Quốc sở hữu một số nền tảng như iqiyi, WeTV; Hàn cũng không thua kém với Tving và Viki, Mỹ thì nổi bật với CBS. Với các nền tảng này, các nhà quản lý dễ dàng kiểm soát nội dung và cũng là "sân nhà" cho nhà làm phim nội địa dễ dàng chia sẻ và tiếp cận với khán giả trong nước. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng với nhiều ứng dụng tiện lợi như VieON, FPT Play, Galaxy Play,...
Bên cạnh đó, vẫn có một số nền tảng quốc tế "đặt chân" vào thị trường Việt. Thế nhưng câu chuyện về kiểm duyệt và giới hạn nội dung luôn là đề tài đáng ngại khi một số nền tảng quốc tế gần như có thể tự đăng tải mọi thứ. Khiêu dâm, bạo lực hay những chủ đề về nhạy cảm xuất hiện ngày càng nhiều trên các ứng dụng trực tuyến quốc tế nhằm thu hút người dùng. Điều này về lâu dài có thể ảnh hưởng không nhỏ đến cách nhìn nhận của giới trẻ về nhiều góc độ.
Mới đây, lắng nghe những chia sẻ của các bạn Gen Z về ứng dụng giải trí trực tuyến quốc tế và Việt Nam. Trong đó, nhiều Gen Z đồng ý rằng các nền tảng quốc tế rất sinh động nhưng dù sinh động cỡ nào, khán giả Việt cũng khó có thể tìm thấy câu chuyện Việt, văn hóa Việt trên đó.
Nội dung liên quan
Netflix "thả cửa" nội dung nhạy cảm ở Việt Nam
Không thể phủ nhận những nền tảng quốc tế có sự phong phú, đa dạng về nội dung vì phục vụ cho nhiều đối tượng khán giả nhưng một câu hỏi được đặt ra rằng sự đa dạng "táo bạo" đó có phù hợp với văn hóa của mỗi quốc gia hay không?
Một số Gen Z cho biết mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ đều có bản sắc văn hóa riêng. Chính bản sắc tạo ra sự khác biệt.
Bạn Đặng Thi chia sẻ rằng trên các nền tảng quốc tế bạn thường xuyên thấy xuất hiện những màn khỏa thân 100%, thậm chí như Netflix còn từng "thả cửa" với việc xuất hiện nội dung xâm phạm chủ quyền lãnh thổ. Điều này cần phải dừng lại và lên án triệt để.
"Sex, thể loại phim 18+, vi phạm lãnh thổ hay bạo lực vẫn là câu chuyện mà khán giả Việt cần phải tỉnh táo và kiểm soát chính mình trước những văn hoá phẩm độc hại tràn lan trên ứng dụng không được kiểm duyệt", bạn Đăng Thi bày tỏ quan điểm.
Không ít lần, Netflix khiến người Việt phẫn nộ khi xuất hiện loạt phim có hình ảnh vi phạm chủ quyền của Việt Nam như Pine Gap, Gửi Thời Thanh Xuân Ấm Áp Của Chúng Ta, Bà Ngoại Trưởng,... Nói về điều này, bạn Dương Dương chia sẻ thẳng thắn: "Sex hay 18+ vẫn chưa đáng sợ bằng việc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ ngang nhiên khi một số phim Trung Quốc được đưa lên Netflix mang nội dung xuyên tạc đến lịch sử, chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam".
Đồng quan điểm với Dương Dương, bạn Ngọc Ánh (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) chia sẻ về mối nguy hại của thể loại phim nhạy cảm với giới trẻ: "Xét về văn hóa của người Việt thì những phim 18+, khiêu dâm,... không phù hợp và gây phản cảm. Còn về phía các bạn trẻ khi vô tình tiếp nhận nhiều bộ phim không qua kiểm duyệt là một vấn đề đáng lo ngại. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gây nên những hậu quả khó lường bởi các trào lưu, suy nghĩ độc hại trong giới trẻ".
Thế giới giải trí bao la với đủ các thể loại nhưng không có nghĩa là không có giới hạn. Chính vì thế các đơn vị phát triển ứng dụng giải trí trực tuyến Việt Nam đóng vai trò to lớn trong hành trình tạo ra một nền công nghiệp giải trí "sạch" với những tác phẩm, sản phẩm "Việt nhất".
Nội dung liên quan
Vì sao Gen Z ủng hộ nền tảng giải trí Việt?
Bà Đinh Thị Nam Phương - Giám đốc chiến lược phát triển nội dung VieON từng chia sẻ: "Người dùng OTT VN có nhu cầu xem content nội địa cao nhất Đông Nam Á. Đây là tín hiệu đáng mừng dành cho các nhà sáng tạo nội dung trong nước. Tôi nghĩ xu thế và nội dung không quan trọng bằng cách mình làm ra sao. Có một số tiêu chí về nội dung bên tôi đặt nặng để đảm bảo nội dung đưa đến người xem có ý nghĩa, đó là Thật và Đời".
Nhu cầu khán giả Việt tăng, đồng nghĩa với việc cơ hội của các đơn vị phát triển nền tảng giải trí trực tuyến càng được mở rộng. Khán giả đã dần "cởi mở" hơn với nhiều ứng dụng chất lượng trong nước. Tính đến tháng 7/2021, Cây Táo Nở Hoa đạt được hơn 188 triệu lượt xem, Rap Việt với 42 triệu lượt và Running Man 24 triệu lượt trên nền tảng VieON, những con số này chứng minh một điều nội dung và chất lượng của ứng dụng nội địa đang dần chiếm được cảm tình của khán giả.
Bạn Đăng Khoa chia sẻ về quyết định lựa chọn nền tảng Việt để giải trí: "Thực tế những nền tảng streaming quốc tế như Netflix hầu như phù hợp hơn với những người trẻ có cái nhìn cởi mở hơn về phim ảnh. Còn riêng với thế hệ trước, những người có tuổi chẳng hạn thì thực sự khó để tiếp cận nếu không có sự hỗ trợ. Và ứng dụng Việt thân thiện với đa dạng người dùng hơn là một lợi thế".
Nền tảng Việt dễ dàng hiểu và cảm nhận khán giả Việt đang cần gì nhất. Sở hữu giao diện thân thiện với khán giả ở tất cả độ tuổi từ ông bà cha mẹ đến Gen Z. Chỉ cần một cú click chuột đơn giản, khán giả có thể thưởng thức một kho giải trực tuyến đầy màu sắc.
Nền tảng Việt vẫn đang trong hành trình phát triển đầy tiềm năng, có những yếu điểm nhưng cũng có những điểm tích cực phù hợp với xã hội Việt Nam. "Thực tế, nền tảng streaming Việt hiện nay vẫn còn nhiều thiếu sót nhưng cái mà chúng ta đạt được là sự tiện lợi và thân thiện với người Việt. Hơn thế, chất lượng phim cũng ngày càng được cải thiện từ Á sang Âu đều đủ cả, vậy thì tại sao chúng ta không lựa chọn ứng dụng Việt, phim Việt và vì người Việt!", bạn Huỳnh Thơm khẳng định.
Nhìn nhận đúng rằng, thị trường Việt vẫn còn khá nhỏ vì thế ứng dụng quốc tế khó có thể tập trung phục vụ cho khán giả Việt và đồng hành cùng người Việt gần nhất vẫn là nền tảng nội địa.
Chấm dứt "tệ nạn" xem phim lậu
Khán giả sẽ không biết họ muốn xem gì cho đến khi họ nhìn thấy thứ họ muốn thưởng thức. Và nhiệm vụ của nền tảng giải trí trực tuyến Việt là mang đến và cung cấp cho khán giả nhu cầu xem phim dù là khi họ chưa có ý định. Chúng ta không thể đợi khán giả tìm đến mình mà hãy là người tìm đến khán giả bằng nhiều cách.
Chia sẻ về một trong những yếu tố thu hút của ứng dụng giải trí Việt, bạn Đăng Khoa bày tỏ: "Nếu khán giả cảm thấy 'hời' khi đăng ký những nền tảng nội địa, thì vấn đề tôn trọng bản quyền cũng như xem phim lậu cũng sẽ không còn là cái gai của các nhà làm phim". Đúng là như vậy, chỉ một khi khán giả cảm nhận được giá trị mà họ nhận được nhiều hơn cái giá mà họ phải trả thì trung thành với nền tảng Việt là điều không khó để thực hiện.
Theo Đăng Khoa, một trong những ứng dụng có mức phí khá thấp nhưng chất lượng phim luôn đạt chuẩn phải kể đến VieON. Chỉ bỏ ra một món tiền nhỏ nhưng khán giả dễ dàng tiếp cận kho phim và chương trình giải trí khổng lồ, đa dạng chủ đề. Hơn thế, một số chương trình đình đám Running Man hay Rap Việt còn được miễn phí hoàn toàn. Không những thế, tại đây còn sở hữu kho phim của HBO dành cho những tín đồ yêu thích phim bom tấn, hành động.
Tuy nhiên, nhiệm vụ phát triển nền tảng trực tuyến với nội dung "sạch" không đơn thuần là trách nhiệm của một hay hai tổ chức mà còn là hành trình đoàn kết từ đa chiều.
Dương Dương chia sẻ quan điểm về hành trình đưa ứng dụng Việt gần hơn với khán giả Việt: "Không chỉ là nhà điều hành ứng dụng Việt cần chủ động hơn mà cả nhà sản xuất phim, nhà làm phim, quản lý điện ảnh phải chung tay tạo ra những tác phẩm thuần Việt và hấp dẫn. Hơn hết, chính khán giả mà gần nhất là những người trẻ phải là một bộ lọc nghiêm khắc, công tâm với phim ảnh".
Tạm kết:
Khán giả chính là bộ lọc mà không thể thay thế được. Chỉ một khi khán giả thấy và chọn lọc ra những điều tích cực cho bản thân khi đó cơ hội của ứng dụng Việt sẽ ngày càng rộng mở. Không sex, không khiêu dâm, không đi trái với lịch sử chủ quyền đất nước là những điều "rất sạch" mà ứng dụng Việt đã làm được và đang phát triển nhằm tăng sức cạnh tranh với ứng dụng quốc tế.
Trong tọa đàm "Thuần phong mỹ tục trong điện ảnh Việt Nam từ 1990 đến nay'' đạo diễn Phan Đăng Di và Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Quý Hà đã đặt ra câu hỏi rằng: ''Khán giả muốn là người được bảo vệ hay là người được quyết định?''. Khán giả Việt cần đồng hành cùng nhà phát triển ứng dụng nội địa để văn hóa Việt giữ nguyên bản sắc vốn có.
Hiện nay có nhiều nền tảng ứng dụng giải trí trực tuyến quốc tế du nhập vào Việt Nam nhưng không được kiểm soát chặt chẽ, thậm chí xâm phạm văn hóa và lịch sử. Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng chỉ có OTT nội địa mới giữ vai trò chuyển tải văn hóa Việt Nam đến với khán giả một cách trọn vẹn, chỉn chu và phù hợp nhất với pháp luật - xã hội Việt Nam.
Bà Đinh Thị Nam Phương (Giám đốc Chiến Lược Nội dung VieON) nhận định OTT không đơn thuần là giải trí mà còn mang theo giá trị văn hóa, hệ tư tưởng của một quốc gia. Trong khi, nhà báo Đức Hòa (Phó ban Thanh Thiếu Niên, Đài Truyền hình Việt Nam) cũng khẳng định đã đến lúc các ứng dụng giải trí trực tuyến nội địa cần hợp tác, chung tay bảo vệ sứ mệnh của văn hoá Việt, cũng như nâng tầm văn hoá cuộc sống người Việt.
.vn đăng tải tuyến bài Ứng dụng giải trí trực tuyến Việt - Bảo vệ bản sắc văn hóa và con người Việt nhằm đưa đến nhiều góc nhìn về vấn đề này.
Nguồn: TH&PL