Đứng giữa lúc văn chương trở nên "khó nuốt" khiến nhiều Gen Z "chao đảo", liệu phim chuyển thể có phải là giải pháp?
2015, Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh được mua bản quyền phát hành quốc tế và được công chiếu tại LHP Cannes 2015. 2019, Mắt Biếc là phim điện ảnh đại diện Việt Nam được gửi đi dự sơ tuyển cho hạng mục Phim ngoại ngữ hay nhất tại Giải Oscar lần thứ 93 và đoạt giải Bông Sen Vàng 2021. Hai tác phẩm điện ảnh chuyển thể điển hình của Việt Nam mang vẻ đẹp dung dị, đậm chất thơ. Từng câu chữ của hai tác phẩm văn học Mắt Biếc và Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh được hiện hữu một cách rõ ràng và sống động qua những thước phim của hai bộ phim điện ảnh cùng tên.
Và rồi, bỗng nhiên trào lưu phim chuyển thể từ sách nở rộ từ đó. Có những tác phẩm lấy được cảm tình của khán giả nhưng có những bộ phim "treo đầu dê bán thịt chó" khiến cho phim chuyển thể mất đi hình ảnh đẹp vốn có.
Nhưng dù thế nào, phim chuyển thể từ sách vẫn là một hướng đi tiềm năng của nhà làm phim Việt. Hiện nay - khi dòng chảy văn học dần xa rời thế hệ trẻ, văn chương được xem là một môn học khó nuốt bởi những câu chữ phi thực tế so với đời sống hiện đại. Không ít những tình huống "dở khóc dở cười" của học sinh khi mang "râu ông này cắm cằm bà kia". Nhưng khi dòng phim chuyển thể từ sách ra đời lại mang đến một "hơi thở " mới cho văn học.
Cùng lắng nghe những chia sẻ của các bạn Gen Z về phim chuyển thể từ văn học.
Điện ảnh chuyển hóa văn chương thành hình thành dạng
Phim chuyển thể từ sách được khán giả đón nhận nhiệt tình, đặc biệt là giới trẻ. Mắt Biếc ra mắt được giới chuyên môn đưa ra nhiều lời khen ngợi cho tác phẩm, đặc biệt nhấn mạnh vào phần diễn xuất, kỹ thuật sản xuất, hình ảnh, âm nhạc và sự trung thành với tinh thần của nguyên tác gốc
Không ngoa khi nói phim chuyển thể từ sách là những tác phẩm đáng xem và đáng ủng hộ, đương nhiên bộ phim nào cũng phải chỉn chu về nội dung và hình ảnh thì mới mong nhận được đón nhân từ khán giả. Phim chuyển thể không chỉ tác động đến những điều trước mắt về du lịch, văn hóa mà còn mang đến những giá trị lâu dài khi chuyển hóa văn chương thành hình ảnh.
Chia sẻ về những điều mà phim chuyển thể làm được, bạn Duy Phúc - sinh viên chuyên ngành Biên kịch bày tỏ: "Cá nhân mình thích các tác phẩm văn học được chuyển thể thành phim hay cả MV. Bởi lẽ nếu chỉ đọc thì mình chưa chắc đã cảm nhận đúng các chi tiết miêu tả nhân vật trong truyện. Văn học trở nên sống động hơn dưới góc nhìn điện ảnh, bởi sự bổ trợ của kỹ thuật quay phim, hiệu ứng âm thanh và hơn nữa".
Nói về mối liên hệ giữa phim chuyển thể và sách, bạn Thành Thông - sinh viên khoa Địa Lý chia sẻ: "Sách lột tả qua câu văn bao hàm nhiều góc độ nhân vật thì phim chuyển thể như một lăng kính tán sắc". Đúng vậy, văn chương và phim ảnh có thể là những người bạn đồng hành với nhau trên con đường nghệ thuật. Phim ảnh là phương tiện đưa văn học hiện lên thành hình thành dạng chứ không còn là một môn học khó nuốt với đôi ba dòng văn không phải ai cũng hiểu.
Khác với suy nghĩ của Duy Phúc và Thành Thông, bạn Quỳnh Như đang hoạt động ở mảng báo chí khẳng định văn chương "ngấm" hay không phụ thuộc vào năng khiếu của mỗi người."Mình nghĩ, phim chuyển thể từ các tác phẩm văn học thì thú vị và gây tò mò cho người xem. Còn yếu tố có 'ngấm' học văn dễ hơn không thì nó nằm ở trí tưởng tượng của mỗi người. Vốn dĩ học văn là để phát huy trí tưởng tượng", Quỳnh Như chia sẻ.
Muốn phim chuyển thể thành công thì cần những người yêu và hiểu văn chương
Để mang đến một tác phẩm chuyển thể chỉn chu không đơn giản như việc "copy paste" từ sách sang hình, đó là một hành trình được nuôi dưỡng bởi những người yêu và hiểu văn học. Ở thời điểm hiện tại, số lượng phim chuyển thể chất lượng còn rất ít, hay nói cách khác là "nhỏ giọt" trong khi Việt Nam có một nền văn học đồ sộ.
Giải thích về điều này, bạn Duy Phúc chia sẻ quan điểm: "Có hai nguyên nhân chính khiến Việt Nam rất ít phim chuyển thể nào thành công. Thứ nhất là chưa tìm ra bộ ngũ sản xuất có đủ kiến thức chuyên môn để biến sách thành phim. Thứ hai là kinh phí sản xuất vẫn chưa đủ để tái hiện khung cảnh được vẽ ra trong sách, đặc biệt là những tác phẩm cổ trang.
Tuy nhiên, mình nghĩ người dân Việt Nam lúc nào cũng dư tình yêu để đón chờ và ủng hộ cho tác phẩm nước nhà, ngặt nỗi điện ảnh Việt Nam cần thêm thời gian để tìm ra những con người tâm huyết và đủ năng lực làm chuyện đó".
Không dừng lại ở câu chuyện kinh phí, phim chuyển thể từ sách còn gặp những khó khăn khi lựa chọn nhân vật. Bởi lẽ mỗi người đều có một cách cảm thụ văn học khác nhau, sự bất đồng về suy nghĩ của nhà làm phim và một bộ phận khán giả khiến cho phim chuyển thể từ sách có thể mất điểm trước công chúng.
"Các tác phẩm văn học Việt Nam được viết với nhiều ẩn ý, phác họa chiều sâu nội tâm nhân vật qua nhiều ngôn từ sáng tạo mà khó thể hiện bằng người thật việc thật. Hơn thế yêu cầu khắt khe trong việc xây dựng nhân vật đời thực và bối cảnh của khán giả cũng là điểm đáng quan tâm", bạn Thành Thông chia sẻ.
Phim chuyển thể sẽ mang nhiều gánh nặng hơn những tác phẩm đơn thuần, bởi nguyên nhân dễ vướng phải tình trạng không sát sách hoặc diễn viên không có tố chất phù hợp. Bên cạnh đó, ngay chính khán giả cũng là một "bộ lọc" cởi mở đúng lúc, nghiêm khắc đúng nơi: "Khán giả cần tự nâng cao kiến thức để nhìn nhận hoặc phản bác các tác phẩm điện ảnh 'xưng danh chuyển thể' nhưng lại làm méo mó những giá trị mà nguyên tác mang đến", Duy Long chia sẻ.
Chuyển thể nhưng cần biết giới hạn và thuần phong mỹ tục là điểm dừng cần chú ý
Hành trình phát triển phim chuyển thể tại Việt Nam luôn là điều đáng kỳ vọng nhưng cũng là thách thức của nhà làm phim. Ranh giới giữa nghệ thuật và thảm họa luôn là điều đáng ngại, bởi lẽ chỉ cần "sai một ly sẽ đi một dặm".
Phim chuyển thể mang tính cá nhân rất cao bởi lẽ rất dễ bị soi xét bởi một vài ý kiến cá nhân. "Sự sáng tạo trong phim ảnh đi quá đà so với trí tưởng tượng của khán giả, họ sẽ gào thét lên và tẩy chay nó ngay lập tức. Điều đó làm các nhà làm phim trở nên rụt rè hơn trong hành trình chuyển thể. Nó khó hơn cả việc 'làm dâu trăm họ' nữa, nên ai can đảm lắm mới dám làm", Quỳnh Như chia sẻ.
Nói về một tác phẩm được chuyển thể Duy Phúc kể: "Mình đã từng xem Trăng Nơi Đáy Giếng của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn. Bản thân mình chưa đọc bản truyện ngắn của nhà văn Trần Thùy Mai, tuy nhiên sau khi theo dõi xong bộ phim, câu chuyện của nhân vật Hạnh tạo cho mình cảm giác khá là day dứt. Đặc biệt, thương cho phận phụ nữ không được tròn hạnh phúc chỉ vì không thể sinh con. Nếu bộ phim đã chìm đắm nhiều xúc cảm khác nhau thì mình nghĩ phiên bản truyện ngắn chắc hay dữ nữa".
Tuy nhiên, bên cạnh sự thành công đó vẫn tồn tại những cơn "ác mộng" điện ảnh khi có một Cậu Vàng "giống Nhật" hay tệ hơn nữa là Truyện Kiều phiên bản "pha-ke" lố lăng, phản cảm. Chính vì thế mới thấy, phim chuyển thể từ sách phải cần có một giới hạn đặc biệt là đảm bảo yếu tố thuần phong mỹ tục. Không phải chi tiết nào cũng nên chuyển thể, bởi lẽ nếu không khéo thì tác phẩm điện ảnh bước ra từ sách sẽ "méo mó" lệch lạc với những hình ảnh đi trái với bản sắc văn hóa.
Điện ảnh là nơi cầu thị bởi nó phản ánh bản chất và nói lên thông điệp của xã hội - văn hóa - con người. Vì thế yêu cầu mỗi tác phẩm sinh ra phải tuân theo một khuôn khổ nhất định để đảm bảo tính logic và sự phù hợp với thời đại.
Nguồn: TH&PL