Gen Z Huế nói gì về "văn hoá gia trưởng" trong những gia đình Huế?
Những ngày qua, mạng xã hội có một phen bùng nổ vì một "chàng trai Huế" đã "can đảm" bước lên một gameshow hẹn hò để tuyển vợ nhưng lại đưa ra nhiều tiêu chuẩn hà khắc và cổ hũ khiến nhiều người phẫn nộ. Cụ thể, Công Hoàng (30 tuổi) cho biết bản thân là người bị ảnh hưởng nhiều từ bố mẹ, dòng họ nên hướng tới lối sống truyền thống. Anh đưa ra các tiêu chí như: không được phép sơn móng tay hay nhuộm tóc, chỉ yêu người có trình độ và khẳng định: "Chúng ta sẽ ly hôn nếu em không sinh được con trai".
Loạt tiêu chí vô lý và "sặc mùi" sự gia trưởng giữa thế kỉ 21 khiến nhiều người "nổi trận lôi đình". Hơn cả việc tranh cãi thông thường, phần lớn người Huế sẽ cảm thấy văn hóa Huế đang bị xúc phạm và "đánh đồng" lên toàn bộ.
Kỉ lục gia trí nhớ Dương Anh Vũ cũng đăng đàn trên MXH bày tỏ quan điểm rằng: "Đi đâu người ta cũng lôi cụm từ "Chàng trai Huế" ra để nói, điều này sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến thương hiệu của người Huế, đặc biệt là "Nam giới". Chúng ta đang vô tình lấy suy nghĩ và tính cách của một cá nhân để áp đặt cho cả một cộng đồng người".
đã nối máy ngay đến các bạn Gen Z nơi cố đô để tìm hiểu xem thực tế sự gia trưởng trong gia đình Huế có hà khắc đến vậy?
Đó đích thị là một "chàng trai Mama boy" chứ không phải "chàng trai Huế"
Trước tiên, chúng ta cần khái niệm "Mama boy" là gì? Thuật ngữ trên mạng này dùng để chỉ một người con trai luôn nghe lời mẹ, luôn nghĩ rằng mẹ mình đúng và lấy mẹ mình làm trung tâm.
Điều này đúng với thể hiện của chàng trai Công Hoàng trên gameshow hẹn hò khi liên tiếp đưa ra loạt tiêu chí và nói đó là truyền thống gia đình từ trước đến nay và muốn "tuân thủ" những điều đó thay vì đưa ra tiêu chí chọn vợ từ tiêu chuẩn của mình.
Nói về vấn đề này, bạn Nguyễn Khoa Đức Huy, sinh năm 2000, hiện đang là sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (TP.HCM) cho rằng việc đưa ra quan điểm cá nhân là một việc rất bình thường và được chấp nhận vì chúng ta có quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, Đức Huy cho biết cách truyền đạt của chàng trai này có phần ngây ngô, cách thể hiện cứng nhắc, thẳng thắn và hơi áp đặt nên đã không diễn đạt được đúng suy nghĩ của mình.
Mình cảm thấy chàng trai này hơi có một chút "mama boy", tuân theo quy tắc của những người mẹ có phần "lạc hậu" khi ta đang sống trong một xã hội mở như hiện tại.
Hay như bạn Văn Đức Thành, sinh năm 2000, hiện là người con của cố đô Huế và đang học tập tại Học viện Bưu chính Viễn Thông (TP.HCM) cũng bày tỏ quan điểm của mình rằng, việc chàng trai kia lên truyền hình và đặt ra những tiêu chuẩn từ gia đình lên cô gái đã khiến người ở nơi khác suy nghĩ một cách tiêu cực về Huế.
Đây chỉ là tiêu chuẩn của những người quá gia trưởng và lạc hậu, không phải của người Huế chúng tôi.
Không chỉ dừng lại ở những tranh cãi đơn thuần, mà chúng ta còn thấy rõ một sự đánh đồng vùng miền từ những phát ngôn của chàng trai trên sóng truyền hình.
Khi được hỏi về việc cảm thấy như thế nào khi nét văn hoá, phong tục và người Huế đang bị "gom đũa" rất nhiều trong sự việc này, hầu hết các bạn Gen Z đều cho rằng không chỉ riêng người Huế mà rất nhiều vùng miền khác đang bị mang mang tiếng xấu vì một vài cá nhân có quan điểm ấu trĩ hay lệch lạc. Tương tự như vị tiêu huỷ 15 chú chó ở Cà Mau cũng khiến người Cà Mau bị mang tiếng xấu là "moi di, man rợ" trong một khoảng thời gian dài.
Sự gia trưởng không do yếu tố vùng miền quyết định. Vậy nên không thể đánh đồng người Huế là gia trưởng chỉ qua sự việc này.
Thực tế sự gia trưởng của các gia đình Huế không cao, còn bị hiểu lầm tai hại!
Là những bạn trẻ được sinh ra và lớn lên tại Huế, các bạn đều cho rằng sự gia trưởng tại các gia đình Huế vẫn còn tồn tại, nhưng không cao. Tức, không quá hà khắc như việc "sẽ ly hôn khi em không sinh được con trai" hoặc "mâm dưới ăn đồ thừa của mâm trên".
Chia sẻ về hiểu lầm của nét văn hoá "mâm trên - mâm dưới" tại các gia đình Huế, bạn Đức Huy lý giải rằng: "Mâm trên ở đây là mâm "nhậu" của các anh các bác các chú và đồ ăn ngon ở đây cũng chỉ là những món hợp với việc nhậu mà thôi. Mâm dưới là mâm của cô dì chị em được chia ra để dễ dàng tán gẫu nói chuyện, và thường các bác sẽ chuyển đồ ăn còn nguyên từ mâm nhậu xuống cho các cô dùng nữa chứ không có việc đồ ăn thừa mới đưa xuống, rất sai luôn!
Lời nói của anh chàng này mang lại một sự hiểu nhầm không hề nhỏ đối với người Huế, và cần phải nhấn mạnh đây là quan điểm cá nhân của một anh chàng 30 tuổi, không phải của toàn bộ người dân Huế".
Bên cạnh đó, Đức Huy cũng cho rằng các tiêu chuẩn như không sơn móng tay, hay nhuộm tóc cũng là những lời răn đe nhắc nhở của bậc làm cha mẹ dành cho con cái để không phải mang tiếng là ăn chơi đua đòi từ những chiếc "camera chạy bằng cơm" (hàng xóm).
Đồng quan điểm với Đức Huy, bạn Đức Thành cũng cho rằng, vấn đề mâm trên hay mâm dưới trong bữa ăn gia đình thì không có, tuy nhiên trong những bữa tiệc kỵ hay dòng họ thì những người lớn trong nhà hay người có vai vế lớn trong dòng họ vẫn nên ngồi mâm khác so với những người khác để thể hiện sự tôn trọng họ.
Việc mâm dưới ăn thức ăn thừa của mâm trên là không có, mỗi mâm đều phải có chất lượng đồ ăn như nhau và lượng đồ ăn tùy thuộc vào số người của mỗi mâm, không ai phải phục vụ ai mà là sự giúp đỡ qua lại lẫn nhau giữa mọi người. Điều đó thể hiện truyền thống "kính trên nhường dưới" chứ không phải mình phải phục vụ người khác, đó là quan niệm sai lầm.
Có thể khẳng định một lần nữa, ngày nay tính gia trưởng vẫn còn tồn tại khá nhiều tại các gia đình ở Việt Nam nhưng đã được "lược bớt" những lễ nghi cầu kì và đề cao hơn vai trò của người phụ nữ.
Chia sẻ với , bạn Lê Cảnh Kỳ Duyên còn khẳng định: "Với gia đình mình sự gia trưởng này không hề tồn tại. Ở nhà mình mọi người đều bình đẳng, không phân biệt gái trai. Mình là con gái còn được cưng chiều nhiều hơn, trong những ngày giỗ hay lễ, tết mình luôn được mọi người nhường cho phần ngon nhất chứ không có chuyện phải ở mâm dưới ăn đồ không ngon".
Tạm kết
Những bạn trẻ Gen Z ngày nay đã được tiếp nhận rất nhiều tư tưởng và nền văn hoá khác nhau, và những định kiến xưa cũ sẽ không thể "làm khó" được họ, thậm chí chính các bạn Gen Z còn đang góp phần giúp phá vỡ những điều "lỗi thời" để cuộc sống dần trở nên bình đẳng và có tính cân bằng hơn.
Còn sự gia trưởng như chàng trai Công Hoà chỉ là một khía cạnh nhỏ đến từ những người chưa có tư tưởng thông thoáng và vẫn còn bị vướng suy nghĩ với lối tư tưởng của xã hội cũ.
Mình chỉ muốn nói là hãy sống cởi mở hơn, thoải mái hơn với bản thân, tiếp thu sự đổi mới và enjoy cái moment này thôi, đừng make it complicated!
Nguồn: TH&PL