Liệu việc sinh con có còn là gánh nặng xã hội cho nữ giới khi nam giới vẫn còn gò mình vào những định kiến có sẵn: Có con trai để nối dõi tông đường?
Mới đây, xuất hiện trên show hẹn hò Hành lý tình yêu, chàng trai Huế - Công Hoàng khiến khán giả đứng hình khi tiết lộ bí mật "Chúng ta sẽ li hôn nếu em không sinh được con trai".
Lập tức quan điểm của chàng trai này gây ra nhiều tranh cãi khiến nhiều người bức xúc. Tại sao ở thế kỷ 21 lại còn đặt nặng chuyện sinh con trai hay con gái?
Tại sao người ta lại cổ xúy cho việc việc sinh con trai?
Câu chuyện về việc sinh con trai hay con gái cho đến tận bây giờ vẫn còn là một đề tài không có hồi kết. Bởi vì theo như ông bà ta quan niệm "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" hay sinh con trai là để "nối dõi tông đường". Và điều này vô tình tạo ra áp lực rất lớn đối với cả hai giới. Tuy nhiên những người phụ nữ, những bà, những mẹ, những nàng dâu vẫn được ghi nhận là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Người ta vỡ lẽ khi một câu nói sặc mùi định kiến lại được thốt ra bởi một chàng trai được sinh ở thế kỷ 21: "Chúng ta sẽ ly hôn nếu em không sinh được con trai". Tưởng chừng những quan điểm cũ rích về định kiến sinh sản chỉ tồn tại ở thế hệ trước, tuy nhiên nó vẫn còn len lỏi vào tư tưởng của nhiều gia đình, ẩn mình trong xã hội hiện đại.
Bởi vì sinh con trai người ta cảm thấy an tâm hơn về việc nối dõi tông đường và một phần để khẳng định con trai mình có đủ sức mạnh về mặt thể trạng của một người đàn ông để duy trì nòi giống. Đặc biệt, do tư tưởng vùng miền và nhất là ở miền Bắc và miền Trung bị ảnh hưởng bởi tính lịch sử, văn hóa nên việc sinh con trai bị áp đặt hơn. Do tác động của những người xung quanh, họ hàng, dòng tộc và thậm chí là bạn bè trên bạn nhậu khi "ai có con trai thì hãnh diện, ai không có con trai thì im re".
Việc đặt nặng vấn đề sinh con trai hay con gái còn đến từ nguyên nhân chủ quan là do những người làm cha, làm mẹ khi muốn sinh con do điều kiện về phong thủy. Cũng có thể một phần do điều kiện hoàn cảnh muốn có con trai để "giữ của".
Ngày nay, còn rất nhiều phụ nữ vẫn còn đang khổ sở với việc sinh con trai hay con gái vì nhiều lý do. Một mặt là do bên gia đình chồng mong đợi. Một măt là do bản thân họ muốn sinh con trai để sau này không phải chịu khổ. Bời vì trong đầu họ vẫn nghĩ "con gái chịu nhiều cái khổ lắm", con gái xấu quá thì sợ nó tủi thân, đẹp quá thì phải đề phòng vì được ví như "bom nổ chậm trong nhà".
Con gái đến tuổi mà không lấy chồng thì được xem là ế, chưa đến tuổi mà yêu đương thì được xem là hư hỏng. Chưa tính đến chuyện, lấy nhau về phụ nữ sinh được con trai thì được xem như "hổ phụ sinh hổ tử" mà không sinh được con thì bị đay nghiến "cây độc không trái gái độc không con".
Sinh con là trách nhiệm của người phụ nữ, nhưng giới tính của con không phải do người phụ nữ định đoạt
Người ta cho rằng, sinh con là trách nhiệm của người phụ nữ. Nhưng trách nhiệm này lại nặng gánh khi sinh con là phải sinh được con trai. "Con cái lộc trời cho", hà cớ chi lại có sự phân biệt? Nhưng rõ ràng người phụ nữ lại chịu nhiều áp lực hơn đàn ông về chuyện sinh nở.
Trong khi, theo khoa học chứng minh, giới tính thai nhi phụ thuộc phần lớn vào đàn ông và nhiều yếu tố khác. Việc lựa chọn giới tính thai nhi trước khi mang thai là một vấn đề đang còn nhiều tranh luận có liên quan đến khía cạnh đạo đức và cân bằng sinh học về mặt giới tính.
Y học đã xác định việc sinh con trai hay gái phụ thuộc vào tinh trùng mang nhiễm sắc thể X hay Y của người chồng; trứng của người vợ chỉ mang một loại nhiễm sắc thể giới tính X. Nếu tinh trùng của người chồng mang nhiễm sắc thể X thụ tinh với trứng của người vợ sẽ tạo ra con gái; khi tinh trùng của người chồng mang nhiễm sắc thể Y thụ tinh với trứng của người vợ sẽ tạo ra con trai.
Như vậy vấn đề sinh con trai hay gái phụ thuộc nhiều vào người chồng, không phải do người vợ nhưng người ta lại nuôi dưỡng cái tư tưởng bao đời là người phụ nữ quyết định giới tính con cái. Đặc biệt là ông bà lớn tuổi thường cho rằng nguyên nhân con cháu không sinh được con trai để nối dõi họ tộc là do người vợ không có khả năng này.
Bình thường hóa chuyện sinh con trai hay con gái?
Lớn lên tại Việt Nam, tôi đã từng chứng kiến cảnh mẹ tôi và rất nhiều người phụ nữ Việt khác chịu áp lực rất lớn chuyện sinh con trai hay con gái. Nếu cho rằng sinh sản là trách nhiệm xã hội thì đây vừa là sự đền đáp và hình phạt đối với người phụ nữ. Sự đền bù là ca ngợi thiên chức được hoàn thành. Còn hình phạt là sự áp đặt, chì chiết khi họ không sinh được con trai theo ý của gia môn, dòng tộc.
Việc sinh con trai hay con gái vẫn luôn là câu chuyện của thế hệ, nhưng đặt trong suy nghĩ của một Gen Z, nó có phần cởi mở hơn rất nhiều. Thoát ra những tư tưởng lỗi thời của xã hội, bạn Trọng Tín, 22 tuổi cho rằng: "Đối với mình, việc sinh con trai hay con gái, thậm chí nó thuộc giới tính thứ ba thì mình vẫn chấp nhận. Vì xã hội ngày nay đa phần đã cởi mở hơn rất nhiều. Vả lại, dù gái hay trai nếu chúng ngoan ngoãn, trưởng thành là được".
Cùng cũng là một chàng trai được sinh ra ở thế kỷ 21, xuất hiện trên show hẹn hò Hành lý tình yêu, Công Hoàng khiến khán giả đứng hình khi tiết lộ bí mật "Chúng ta sẽ li hôn nếu em không sinh được con trai".
Anh giải thích thêm, dòng tộc của anh rất coi trọng con trai, ba mẹ cũng muốn anh phải có con trai để nối dòng, trong gia đình anh, đàn ông là trụ cột ngồi mâm trên, còn phụ nữ phải ngồi mâm dưới. Mâm trên có những của ngon vật lạ, sau khi ăn xong còn đồ thì mang xuống mâm dưới. Và anh muốn giữ gìn truyền thống đó của gia đình.
Chuyện mâm trên, mâm dưới đã gắn liền với những tư tưởng cổ hũ từ thời xưa. Tuy nhiên, đâu đó nó vẫn còn tồn tại le lói trong xã hội hiện đại. Xét trên phương diện bình đẳng giới thì rõ ràng đây là một định kiến mang đầy tính hà khắc đối với nữ giới khi có sự trọng nam khinh nữ rất rõ ở đây. Người ta cổ vũ nhau hãy ủng hộ cho phong trào bình đẳng giới, thế thì tại sao lại mạnh dạn nói ra câu nói này?
Trong vài thập kỷ qua, vị thế của phụ nữ đã thay đổi rất nhiều, tạo thế cân bằng hơn cho phụ nữ trong một xã hội vốn được định hình dành phần định đoạt nhiều cho nam giới. Diễn tiến bình đẳng đó, tất nhiên, không bằng phẳng khi các định kiến về phụ nữ vẫn cản lối họ trên rất nhiều con đường.
Chúng ta hãy nhận ra rằng, giới tính con cái không còn là điều quan trọng nữa và sự kì thị ngay trong bụng mẹ này cần được chấm dứt. Tuy nhiên, nhìn về phía tích cực, các gia đình trẻ hiện nay cũng rút ra bài học từ chính bản thân mình, chính bản thân họ cũng từng là nạn nhân của sự kì thị hoặc chứng kiến những hệ quả tiêu cực từ vấn đề đẻ con trai hay con gái.
Nguồn: TH&PL