Liệu Gen Z có sẵn sàng chi tiền để mua một sản phẩm đạo nhái.
Ngày nay, gần như ở bất cứ thị trường quốc gia nào, người tiêu dùng thời trang cũng có thể "theo đuổi" phong cách của các nhà mốt danh giá hàng đầu thế giới với chi phí "vừa túi tiền". Điều này khiến cho ngành copy các sản phẩm thời trang trở nên phổ biến.
Thị trường thời trang Việt Nam cũng trở nên "lộn xộn" với loạt local brand bị tố đạo nhái thương hiệu nước ngoài ầm ĩ thời gian qua. Gần đây nhất, hai local brand có tiếng là Mikenco, Dear José đã liên tục bị réo tên trên diễn đàn anti local brand vì tội copy-paste mẫu mã thiết kế từ các nhà mốt lớn.
Liệu Gen Z sẽ là thế hệ "dễ tính" và có cái nhìn tích cực với những vấn đề đạo nhái, hay cực kì khắt khe?
Nội dung liên quan
Local brand Việt đa dạng, nhưng...
Mặc dù xuất hiện trên thị trường từ lâu, nhưng các local brand chỉ mới tạo được tiếng vang từ khoảng 4 - 5 năm gần đây. Từ 2018 đến nay, sức hút của các sản phẩm local brand đem lại không kém các thương hiệu quốc tế là bao. Lướt qua tủ đồ của Gen Z, có thể dễ dàng bắt gặp rất nhiều sản phẩm đến từ các local brand nổi tiếng. Thậm chí, giới truyền thông còn khẳng định local brand đang là xu hướng mới của thế hệ trẻ Việt Nam.
Chia sẻ về độ phủ sóng của local brand trong thời trang Gen Z, bạn Trọng Tín (sinh năm 2000, hiện đang làm việc tại một cơ quan truyền thông) cho biết các local brand Việt hiện tại khá đa dạng, đáp ứng được đa số thị hiếu và gu thời thời trang của khách hàng. Trọng Tín cho rằng các sản phẩm của local brand không bị bó buộc trong khuôn khổ như áo sơ mi, áo thun mà đa số đều có sự đột phá để thoả được gu người mặc.
Bạn Kim Tâm (sinh năm 1997, hiện đang làm việc cho agency) cũng cho rằng các local brand Việt hiện tại mọc lên như nấm. Từ đó có sự đa dạng trong phân khúc, mẫu mã, chất liệu, giá cả,...
Nói về giá cả của những sản phẩm ra lò từ local brand, Trọng Tín chia sẻ rằng đa phần ngày trước các hãng thời trang nội địa rất được lòng giới trẻ vì có giá rẻ hơn so với các thương hiệu quốc tế. Nhưng trong thời đại bây giờ các local brand phải chi trả nhiều hơn cho việc quảng bá hình ảnh, nên mức giá của các sản phẩm local brand cũng ngày càng "đội lên".
"Khi các local brand ngày càng hét giá quá cao thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu và sức mua của người tiêu dùng nữa", Trọng Tín cho biết.
Local brand Việt đạo nhái rồi hét giá cao, chi phí này trả cho cái gì?
Nói về những ồn ào đạo nhái của các local brand Việt hiện nay, bạn Trọng Tín cho rằng nguồn sáng tạo hiện nay đang bị bão hoà nên vấn đề đạo nhái xảy ra là chuyện không thể tránh khỏi.
"Mình nghĩ việc trùng lặp ý tưởng đôi khi chỉ là sự vô tình thôi, và có rất nhiều những local brand người ta không nghĩ là nó bị trùng lặp. Còn những trường hợp cố tình đạo nhái thì mình nghĩ cần phải loại trừ hoặc phải có cách xử lý triệt để", Trọng Tín nói.
Việc một số local brand đạo nhái nhưng lại bán giá rất cao, đối với Trọng Tín đây là một điều cực tối kỵ. Thứ nhất, họ đã không bỏ chất xám hoặc chịu chi tiền ra để thuê một người có thể thiết kế nên một sản phẩm độc quyền cho thương hiệu của mình. Thứ hai, hành động này đã không tôn trọng chất xám của người làm ra mẫu mã đó.
"Hoặc là bạn chấp nhận mua lại hình ảnh độc quyền với giá cao, nên khi bán giá đắt, bạn có thể giải thích rằng do mua lại bản quyền từ nhà mốt nổi tiếng. Khách hàng họ sẽ hiểu và cảm thấy hợp lý khi mua. Còn việc bạn không xin phép, không mua lại, mà bạn tự lấy làm sản phẩm của mình và bán ra với giá cao, chi phí này trả cho cái gì?", Trọng Tín chia sẻ.
Nội dung liên quan
"Những thương hiệu quốc tế họ cũng đạo nhái"
Với Kim Tâm, khi nhìn theo một chiều hướng "nhẹ nhàng" hơn thì thời trang là một lĩnh vực luôn luôn thay đổi và cập nhật, đó là Fast Fashion. Nếu như một bên nào đó đã tạo ra xu hướng mới thì bắt buộc các brand khác phải "chạy theo" để cập nhật. Vô tình điều này sẽ tạo ra một cuộc chạy đua từ mẫu mã, chất liệu để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
"Mình nghĩ việc đạo nhái trong thời trang không chỉ dừng lại ở local brand, thậm chí là những thương hiệu quốc tế họ cũng đạo nhau chứ không riêng gì hàng hiệu bình dân. Tuỳ người làm thời trang họ định hướng brand mình như thế nào, có một số thương hiệu họ sẵn sàng chấp nhận với việc mình đạo nhái, còn nếu họ đặt nặng tính sáng tạo với sản phẩm của họ thì sẽ có hướng đi riêng, khách hàng riêng cho mình", Kim Tâm chia sẻ.
Tuy nhiên, khi được hỏi liệu người trẻ có sẵn sàng chi tiền để mua một sản phẩm đạo nhái, đa số đều trả lời rằng là "Không". Đơn cử như Kim Tâm, cô cho biết việc biết rõ một sản phẩm bị tố đạo nhái và ồn ào trên mạng xã hội đã làm cho bản thân người mặc không còn cảm hứng với sản phẩm đó nữa.
Nội dung liên quan
Tuy vậy, tuỳ vào mức độ có thể chấp nhận của người tiêu dùng và điều kiện kinh tế, mà mỗi người sẽ có câu trả lời khác nhau: "Khi kinh tế của người tiêu dùng đó không đủ để mua một sản phẩm real thì họ có thể mua một sản phẩm nhái... nếu họ thích mẫu mã đó. Với những người nếu họ có điều kiện kinh tế và có cái tôi thời trang cao thì họ sẽ từ chối việc mặc lên người một sản phẩm đạo nhái. Giả sử như mình, tại sao sản phẩm đó đã sai trái như vậy rồi mà mình còn mặc làm gì nữa?", Kim Tâm nhấn mạnh.
Cuối cùng, Gen Z cho rằng, để hạn chế hết mức nạn đạo nhái xảy ra trong thời trang thì người bán và người mua cần phải đồng lòng thay đổi tư duy về vấn đề "bản quyền trí tuệ". Người tiêu dùng thì cần khắt khe hơn còn các local brand cần phải đầu tư nhiều hơn vào chất xám, chất liệu, nhân lực để tạo ra một sản phẩm chân chính. Khi cả hai phía cùng "hợp tác" thì giá trị của một sản phẩm sẽ nâng tầm.
Nguồn: TH&PL