Vòng xoáy tố cáo - chỉ trích - chìm lắng - cho qua, đã khiến câu chuyện đạo nhái trong thời trang không thể rút ra được một bài học thích đáng để răn đe.
Suốt những ngày qua, Ngọc Trinh trở thành cái tên gây ồn ào trên mạng xã hội khi bị một thương hiệu đăng bài bốc phốt. Theo đó, bộ váy "tím mộng mơ" mà cô khoe dáng trên bờ biển đã từng được người mẫu Kendall Jenner diện trong chiến dịch quảng bá BST của nhà thế kế Haixi Ren. Ngay sau đó, cô bị chính nhà thiết kế này đăng ảnh so sánh bản gốc kèm lời lẽ bức xúc.
Nội dung liên quan
Câu chuyện này lại làm dấy lên một vấn nạn "xấu xí" muôn thuở: Đạo nhái thời trang. Trong suốt ngần ấy thập kỷ, người ta vẫn ráo riết phân bua về lằn ranh mong manh giữa sao chép ý tưởng và lấy cảm hứng sáng tác.
Có một "đại dịch" mang tên: Đạo nhái thời trang?
Ngành công nghiệp thời trang cũng giống như bất kỳ ngành công nghiệp sáng tạo nào khác, về cơ bản đều bắt nguồn từ tính độc đáo và sáng tạo của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, đáng tiếc là đã có không ít những "tiền án" liên quan đến đạo nhái thời trang trải dài qua nhiều thập kỉ.
Những cuộc tranh cãi và nghi vấn "đạo nhái" cứ như xảy ra ở khắp mọi nơi. Các cuộc kiện cáo vi phạm luật sở hữu trí tuệ luôn ầm ĩ trên truyền thông từ quy mô nhỏ đến lan rộng toàn cầu. Đã vài thế kỷ trôi qua, vấn đề vi phạm bản quyền trong thời trang có thể nói là trầm trọng hơn rất nhiều, nhưng mức độ phức tạp và "lằn ranh mỏng manh" giữa cướp đoạt và vay mượn ý tưởng đã khiến hàng rào pháp lý đối với vấn nạn này bị trì hoãn lâu dài.
Những khối óc thì vẫn cật lực sáng tạo trong khi nguy cơ cao họ bị "tước đoạt" ý tưởng vẫn luôn rình rập, chưa tính đến trường hợp họ hoàn toàn không biết ý tưởng của mình đang bị sao chép ở đâu.
Quay trở lại câu chuyện của Ngọc Trinh và vô số những sự việc "đấu - tố" về đạo nhái thiết kế trong thời trang Việt trước đây, song việc tố cáo chỉ dừng lại trên góc độ "ông nói qua bà nói lại"... và rồi không có sau đó nữa. Sự nóng giận và chỉ trích của dư luận cũng chỉ "nóng" lên trong ngày một, ngày hai chứ ít ai xem đó là một công cuộc cần phải đấu tranh dai dẳng để đòi lại công bằng.
Vòng xoáy tố cáo - chỉ trích - chìm lắng - cho qua, đã khiến câu chuyện đạo nhái trong thời trang không thể rút ra được một bài học thích đáng để răn đe.
Cần có một bên chủ động "cải cách" tư duy
Có những cá nhân/tổ chức làm xấu đi hình ảnh thời trang Việt trong mắt mọi người, chỉ bằng một phương thức đơn giản nhất là: Đạo nhái!
Với những người làm thời trang đích thực, khái niệm đạo nhái và lấy cảm hứng sáng tác sẽ là khai khái niệm hoàn toàn tách biệt với nhau. Nhưng nếu quần áo chỉ là miếng mồi béo bở của những người có tư tưởng "đồng tiền đi trước" thì ranh giới của hai khái niệm này lại bằng không. Thậm chí, lý do "lấy cảm hứng sáng tác" còn được đem ra là cái cớ "hợp tình hợp lý" để bảo vệ cho hành vi đạo nhái trắng trợn.
Tuy nhiên, một điều chúng ta có thể khẳng định: Những thương hiệu có tư tưởng đạo nhái sẽ không bao giờ tìm được chỗ đứng vững chãi trong cộng đồng và dần bị khai tử.
Khi nhận thức và hiểu biết của người tiêu dùng đi lên, chỉ có những người và tổ chức thật sự có cái tâm sẽ ở lại. Đó là mối quan hệ cộng sinh và tất yếu phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức của cộng đồng.
Dù hành trình thay đổi nhận thức vẫn còn rất xa, nhưng cần có một bên chủ động "cải cách" để đẩy phần thắng về phía mình. Tôn trọng bản quyền cũng là tôn trọng mọi tài nguyên thuộc về một sản phẩm và tự nâng cao giá trị của bản thân trong thời đại số. Đã đến lúc cần nói không với đạo nhái trong thời trang.
Nguồn: TH&PL