Cùng trò chuyện với Fuonk Nguyen - một Freelance Art Director kiêm Fashion Stylist, đồng thời anh cũng là chủ bút của cuốn sách hiếm hoi về nghề stylist trên thị trường "Fashion Stylist - Vén màn hậu trường của những bước chân 4.0" từ chính 15 năm kinh nghiệm trong nghề của mình.
Ngành thời trang tại Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh và ngôn ngữ của thời trang thể hiện khắp nơi trong cuộc sống. Mỗi bộ phim, sản phẩm âm nhạc, tạp chí, bộ ảnh, sự kiện... đều không thể thiếu công sức thầm lặng của các stylist.
Stylist được hiểu là người chịu trách nhiệm trong việc tạo dựng phong cách thời trang cho khách hàng của mình, chủ yếu là ca sĩ, diễn viên, người mẫu hoặc bất kỳ ai có sức ảnh hưởng lớn đến công chúng. Việc có cơ hội tiếp xúc ở cự ly gần với người nổi tiếng, mức thu nhập hấp dẫn, mặc quần áo hàng hiệu… đó là điều mà nhiều người hình dung về "chiếc nghề sang chảnh" này. Nhưng, có những bí mật cũng như góc khuất mà chỉ người trong cuộc mới tỏ tường.
Fashion Stylist Fuonk Nguyen
Freelance Art Director kiêm Fashion Stylist với 15 năm kinh nghiệm trong nghề, từng cộng tác với rất nhiều ngôi sao và nhãn hàng lớn tại Việt Nam.
Stylist cần thẳng thắn nhìn nhận “tai nạn nghề nghiệp” mình gây ra
Anh đã chứng kiến toàn cảnh cuộc biến chuyển, thích ứng của nghề stylist trước tác động của công nghệ số. Vậy theo anh, Việt Nam bây giờ đã có “đất diễn” hơn cho các bạn trẻ đam mê công việc stylist chưa?
Nếu so với thời kỳ trước thì hiện tại nghề stylist đang có quá nhiều tiềm năng và sự hỗ trợ. Thời kỳ 15 năm trước, muốn theo đuổi nghề stylist, sẽ chẳng có cách nào khác là tự tìm hiểu, xin làm trợ lý theo chân các đàn anh để tự góp nhặt kiến thức. Đến ngay cả chuyện cập nhật tin tức thời trang cũng chẳng có gì khác ngoài tạp chí giấy.
Còn hiện tại mọi thứ đã thay đổi quá nhiều. Đã có những trường lớp bài bản, workshop chia sẻ kinh nghiệm, các khóa học online hay sự bùng nổ của social media cũng giúp các bạn trẻ tiếp cận rất nhanh với các xu hướng thịnh hành trên thế giới.
Một phần mình nghĩ có cầu thì mới có cung, sự gia tăng đột biến này cũng dựa trên nhu cầu thực tế của thị trường dành cho nghề Fashion Stylist và cả những bạn trẻ đang muốn theo đuổi nghề này.
Nghề Fashion Stylist nói riêng và thời trang nói chung rất đề cao tính sáng tạo, nhưng việc “ý tưởng lớn gặp nhau” cũng rất hay xảy ra. Giới hạn trong thời trang bé nhỏ quá hay sao?
Vấn đề này khá phức tạp và nó sẽ cần tuỳ vào những trường hợp cụ thể. Vì thời trang hoạt động theo quy tắc riêng của nó, sẽ có những xu hướng mới được dự báo trên các trang trend forecast (dự báo xu hướng), hoặc những xu hướng hoạt động theo quy tắc vòng lặp trong khoảng thời gian từ 10-15 năm.
Ngành công nghiệp thời trang phần đông cũng sẽ dựa trên những bản dự báo xu hướng để lấy cảm hứng và phát triển thành cái riêng. Nên đôi lúc nếu bạn thấy có gì đó quen quen thì cũng chưa chắc đó là đạo nhái.
Chuyện "lấy cảm hứng" từ cùng một hình mẫu cũng còn tùy vào mục đích của người làm ra sản phẩm ấy: để tôn vinh tác phẩm gốc, để tái hiện lại một hình ảnh iconic (mang tính biểu tượng) trong thời trang hay đôi lúc chỉ là làm theo yêu cầu từ phía khách hàng.
Vậy làm thế nào để mình tránh né chuyện “ý tưởng lớn gặp nhau” trong công việc này?
Thay vì việc cứ phải tìm cách tránh né, thì mình nghĩ nên dành thời gian cho việc cập nhật kiến thức và hiểu tường tận cách vận hành của ngành thời trang. Mình tin khi bạn có một nền tảng kiến thức vững vàng, thì các sản phẩm bạn làm ra sẽ có giá trị riêng và chuyện lấy cảm hứng từ một hình mẫu có sẵn sẽ có chừng mực và hợp lý hơn.
Nếu vô tình “ý tưởng lớn gặp nhau” trong thời trang, sẽ có cách giải quyết như thế nào?
Sẽ chẳng có cách giải quyết nào có thể làm hài lòng toàn bộ số đông. Nên cũng không có một khuôn mẫu chung cho việc giải quyết từng trường hợp cụ thể. Vấn đề mình nghĩ quan trọng nhất là sự thẳng thắn nhìn nhận của bản thân về "tai nạn nghề nghiệp" này và khắc phục sự bất tiện mình gây ra cho những người liên quan.
Nghề Fashion Stylist không hào nhoáng và dễ dàng như mọi người thấy
Theo anh, quy tắc cần có của một Fashion Stylist khi làm nghề là gì?
Có rất nhiều quy tắc bạn cần phải nằm lòng khi làm bất cứ nghề nghiệp nào chứ không riêng gì stylist. Với mình, việc giữ uy tín là một quy tắc quan trọng. Uy tín với khách hàng, uy tín với ekip, với nhà thiết kế hay các thương hiệu sẽ quyết định cơ hội tiến xa hay không của một stylist trong ngành công nghiệp thời trang. ̣
Vậy “cái khó” của Fashion Stylist là gì?
Với những bạn mới bắt đầu thì khó khăn chắc sẽ là thiếu mối quan hệ. Stylist là một ngành đặc thù cần có sự hợp tác nhịp nhàng từ rất nhiều phía: ekip (photo, makeup artist, hair stylist, model...), nhà thiết kế, nhãn hàng hay những nhà cung cấp (studio, đạo cụ,...). Nên chắc chắn sẽ rất vất vả trong việc xây dựng portfolio và tìm sự tài trợ cho những dự án của bản thân.
Còn sau giai đoạn ấy thì khó khăn sẽ được chia thành nhiều trường hợp cụ thể như về sức khỏe đảm bảo (để có thể chạy công việc liên tục, gấp rút, kéo dài), khách hàng không rõ ràng về hợp đồng hay khối lượng công việc quá tải, quá áp lực… Những điều này sẽ được chia sẻ nhiều hơn trong quyển sách về nghề stylist của mình đã được phát hành vào đầu năm 2022.
Những lầm tưởng của người ngoài về Fashion Stylist là gì? Và sự thật đằng sau những lầm tưởng đó?
Lầm tưởng thì rất nhiều, cũng do một phần Fashion Stylist là một ngành nghề khá mới, nên chuyện phần đông mọi người vẫn chưa có những nhận định chính xác về ngành nghề này cũng là dễ hiểu.
Nhưng nói chung Fashion Stylist là người có khả năng đưa ra những tư vấn về phong cách và biến chúng thành những sản phẩm thực tế, để giúp khách hàng có những vẻ bề ngoài phù hợp với nhu cầu và cập nhật xu hướng thịnh hành.
Còn sự thật thì nghề Fashion Stylist cũng không hào nhoáng và dễ dàng như mọi người thấy trên phim ảnh, stylist cũng phải lăn lộn mướt mồ hôi giữa trời nắng, hay đi on set dài ngày tại những nơi thời tiết khắc nghiệt, hoặc cũng gặp rất nhiều khó khăn, xui rủi như bao ngành nghề khác mà thôi.
Nhiều người nói Fashion Stylist thì không được phép mặc xấu. Nhưng chuyện xấu đẹp sẽ dựa vào gu của mỗi người. Anh có áp lực việc mình phải sáng tạo nên cái gì đó chiều lòng gu của số đông, và áp lực cả việc ăn mặc hàng ngày của mình?
Áp lực việc cân bằng giữa sản phẩm mình làm ra tiệm cận được với số đông là có nhưng với việc ăn mặc hàng ngày thì không.
Với mình, thử chứng tỏ khả năng và gu thẩm mỹ của một stylist là portfolio chứ không phải bộ quần áo stylist mặc ra đường. Việc ăn mặc đẹp đúng là một cách tiếp thị bản thân rất hiệu quả nhưng đó cũng không phải là điều bắt buộc để stylist chứng tỏ mình có khả năng hay không.
Chỉ cần "lên đồ" đúng lúc, còn bình thường thì gọn gàng, không luộm thuộm và ưu tiên cho tính tiện dụng vì công việc stylist phải di chuyển, vận động rất nhiều, nhất là khi on set.
Stylist có thể sống thoải mái với nghề và có rất nhiều cơ hội để gia tăng thu nhập
Người ta nói làm Fashion Stylist thì rất dễ dính drama. Nếu có, những drama đó thường xoay quanh vấn đề gì?
Nghề nào cũng sẽ có những drama của riêng mình, không riêng gì Fashion Stylist. Nên nếu nói nghề stylist dễ dính drama hơn thì mình thấy đánh giá này cũng khá phiến diện.
Có thể do Fashion Stylist có một mối liên hệ công việc với các celebs, kols - những nhân tố rất thu hút giới truyền thông nên cũng dễ bị chú ý hơn khi drama xảy ra. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, mình cũng thấy hiện nay rất nhiều anh chị em đồng nghiệp stylist chuyên nghiệp và nói không với drama.
Khi Fashion Stylist làm việc với celeb, ai là người có quyền quyết định nhất?
Cũng tùy vào sự thỏa thuận hợp tác trong từng trường hợp cụ thể. Với những khách hàng chưa thực sự tự tin vào gu thẩm mỹ của bản thân, thì thường stylist sẽ là người được giao trọng trách quyết định. Nhưng với những khách hàng có cái tôi mạnh và gu thẩm mỹ nhất định, sự quyết định sau cùng sẽ vẫn là của khách hàng, những người trực tiếp đầu tư và chi trả cho dự án ấy. Nói chung là để đôi bên cùng vui vẻ với sản phẩm sau cùng.
Một trang phục được stylist tư vấn nhưng lại bị netizen chê xấu. Vậy “xấu” ở đây có phải là lỗi không? Nếu có thì thuộc về ai? Và cách xử lý “lỗi” này như thế nào?
Chuyện gặp ý kiến trái chiều về thẩm mỹ là chuyện thường ngày mà bất kì stylist nào gặp phải. Như chính bạn cũng nói "xấu" hay "đẹp" cũng phải tùy gu và là khách quan, điều quan trọng là stylist, khách hàng nhìn nhận thế nào về những phản hồi ấy.
Sẽ rất thiếu chuyên nghiệp nếu chỉ vì những comment của netizen mà ekip quay qua đổ lỗi cho nhau, hãy thẳng thắn đón nhận mọi ý kiến và cùng nhau xem xét, khắc phục (nếu cần) để những sản phẩm sau được đón nhận nhiều hơn.
Thu nhập của nghề Fashion Stylist thường sẽ dao động trong khoảng bao nhiêu?
Không có một con số cụ thể cho nghề Fashion Stylist ở thời điểm hiện tại. Mức thu nhập sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố về tuổi nghề, năng lực hay mối quan hệ. Nhưng có điều mình có thể chắc chắn là nếu chăm chỉ và cầu tiến, stylist có thể sống thoải mái với nghề và có rất nhiều cơ hội để gia tăng thu nhập đến mức mơ ước.
Nhìn chung mức catse dành cho stylist đã có những bước tăng rất đáng kể so với thời kì 5-10 năm trước.
Vậy theo anh Fashion Stylist có phải là một công việc có đam mê với thời trang là sẽ dễ dàng thành công tại Việt Nam? Để trở thành một Fashion Stylist danh tiếng, cần có những yếu tố gì?
Đam mê thời trang là điều bắt buộc và hiển nhiên với một người theo đuổi nghề Fashion Stylist. Còn chuyện dễ dàng thành công thì chắc chắn không, nghề nào cũng cần có kiến thức, kinh nghiệm và còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố khách quan khác.
Thị trường ở Việt Nam hiện tại vẫn còn rất mới và nhiều tiềm năng, số lượng stylist đã tăng theo cấp số nhân nhưng nhu cầu thì cũng tăng trưởng không kém. Nên chỉ có thể nhận định stylist sẽ là một nghề còn có nhiều cơ hội phát triển chứ không có nghề nào dễ thành công cả.
Còn để trở thành một stylist thì ngoài chuyện đam mê thời trang, gu thẩm mỹ còn rất nhiều khía cạnh khác như kiến thức, sự nhanh nhạy, kinh nghiệm, giao tiếp, kỹ năng teamwork,... mà mình nghĩ cũng quan trọng không kém. Trong giới hạn một câu trả lời rất khó để có thể liệt kê một cách đầy đủ và chi tiết về những yếu tố này.