"Em Và Trịnh là phim hư cấu nên chúng mình không thể copy - paste hình ảnh của nhân vật ngoài đời vào phim"

Theo Tô Quốc Sơn, stylist trong “Em Và Trịnh” chia sẻ về cách xây dựng trang phục cho các nàng thơ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Ngoài nội dung, thời trang trong "Em và Trịnh" cũng là một chủ đề được bàn tán sôi nổi trên các diễn đàn mạng xã hội. Nhiều luồng ý kiến đồng tình cũng như phản bác, trong đó có người cho rằng: "Trang phục trong phim chưa bám sát với nhân vật ngoài đời". 

Stylist Tô Quốc Sơn - người tạo dựng trang phục cho 5 nàng thơ trong "Em và Trịnh", cho rằng bộ phim mang tính hư cấu nhưng đội phục trang đã cố gắng để thực hiện chỉn chu và cận thực tế nhất.

picture

Tô Quốc Sơn

Stylist cho các nàng thơ trong bộ phim "Em và Trịnh"

 Sơn đã chuẩn bị trang phục cho Em Và Trịnh như thế nào?
Em Và Trịnh là một trong những tác phẩm điện ảnh nhiều trang phục nhất tại Việt Nam. Số lượng trang phục trong phim có thể nói là khủng khiếp vì nhân vật trong phim hơn 50 người.

Về diễn viên chính và phụ, số lượng trang phục lên tới hơn 200 bộ đồ. Trong đó, trang phục của nhân vật Trịnh Công Sơn có 53 bộ, hai nhân vật Dao Ánh gồm 20 bộ, Michiko là 20 bộ, Khánh Ly thì 18 bộ, Thanh Thúy là 5 bộ, còn Bích Diễm là 4 bộ và hội bạn là 12 bộ.

Ngoài ra, gia đình của Trịnh Công Sơn cũng chiếm nhiều trang phục vì có hai giai đoạn trẻ và trưởng thành. Dân làm nghề ai cũng biết để có 200 mấy bộ trang phục thì trước đó phải chuẩn bị tầm gấp 3 lần số lượng trang phục để chắt lọc thì mới ra được con số cuối cùng như vậy.

Khi lên set quay Sơn cũng phải chuẩn bị đồ dự phòng nữa. Chẳng hạn như quay một cảnh trong khu rừng, áo của nhân vật có màu lục bị ảnh hưởng bởi yếu tố như ánh sáng, cây cối thì Sơn phải lập tức thay đổi ngay tức thời để không ảnh hưởng tiến độ của phim.

Chưa kể là diễn viên quần chúng, có những cảnh đòi hỏi 300 400 người. Có lúc mưa phải tìm đồ thay thế đợi những món đồ kia khô thì thay phiên mặc tiếp. 
em va trinh la phim hu cau nen chung minh khong the copy paste hinh anh cua nhan vat ngoai doi vao phim - anh 0
Michiko là một nàng thơ hiếm tư liệu, Sơn đã tạo hình như thế nào cho nhân vật này?
Về Michiko, cô là một người Nhật yêu thích nhạc Trịnh và từng dịch nhiều tác phẩm của Trịnh Công Sơn sang tiếng Nhật. Michiko được khắc họa có tính cách năng động, khỏe khoắn và tràn đầy năng lượng nên tạo hình của cô cũng được chăm chút với mái tóc bồng bềnh.

Sơn định cho Michiko mang đồ thể thao như giày bốt, quần jean và áo sơ mi với tinh thần trẻ, khỏe. Có một chi tiết, trái ngược với Michiko lần đầu đến Việt Nam với phong cách sặc sỡ màu sắc. Trải qua nhiều thăng trầm và cảm thụ lời nhạc Trịnh, cô dần trở nên nhẹ nhàng và trầm hơn.

Cuối cùng, khi Michiko rời khỏi Việt Nam, cô mặc một gam màu xám và đội duy nhất cái nón màu đỏ - tín hiệu cô vẫn muốn sống cuộc sống của riêng mình khi Trịnh Công Sơn vẫn chưa quên được mối tình với Dao Ánh. 
em va trinh la phim hu cau nen chung minh khong the copy paste hinh anh cua nhan vat ngoai doi vao phim - anh 0
Vậy còn Dao Ánh, nàng thơ cũng là rất ít tư liệu?
Michiko lẫn Dao Ánh là hai nàng thơ lớn và rất là lâu nhưng đúng là họ rất ít tư liệu trên truyền thông.

Về cô Dao Ánh, cô quen biết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ lúc còn là cô nữ sinh khá là bé, hồn nhiên và trong sáng. Trong Em Và Trịnh, hình tượng Dao Ánh lúc trẻ và khi lớn vẫn được mình xây dựng theo tinh thần dễ thương và tươi trẻ.

Nếu để ý, mọi người sẽ thấy trang phục của Dao Ánh thường mang màu vàng tượng trưng cho hoa hướng dương, thể hiện tính cách trẻ trung. Có thể thấy, nhân vật Dao Ánh luôn chủ đạo với sắc vàng, chỉ duy nhất một cảnh buồn thì trang phục của cô mang màu tím.

Màu vàng cũng có nhiều khung bậc, màu vàng sẽ chuyển đậm mỗi cảnh quay cao trào của nhân vật Dao Ánh. Từ những phom dáng như đầm xòe, rồi phụ kiện, tóc tai đều được tạo hình hoa bướm nhằm tôn lên tâm hồn nhẹ nhàng và bay bổng của Dao Ánh.
Dao Ánh là nhân vật được nhiều khán giả yêu thích nhất, Sơn chia sẻ thêm về câu chuyện tạo hình nhân vật này?
Để kể riêng về cô Dao Anh, chi tiết chiếc áo dài lúc cô hoài niệm giữa biển sau khi trở về Việt Nam rất ấn tượng.

Nếu tìm kiếm trên Internet, hình ảnh cô Dao Ánh ngồi cùng bác Trịnh Công Sơn trong tà áo dài xanh ngả tím giống trong phim. Ekip đã phải tìm kiếm khắp các chợ vải nhưng màu chỉ tương tự thôi.

Anh đạo diễn không chịu, chị Hà Đỗ cũng không chịu nên phương án cuối cùng là Sơn cùng chị Thủy Nguyễn - founder THUY DESIGN HOUSE in lại vải mới.

Sau khi in vải, câu chuyện thiết kế phom dáng và mặc thử cũng là một quá trình dài. Khi chuẩn bị quay, trong phần thử đồ, anh Nhật Linh có nói là màu vải in rực rỡ có thể ảnh hưởng đến màu sắc chung của phim.

Thế là, chúng mình phải đi in lại từ đầu và hạ tông màu xuống. May là chị Phạm Quỳnh Anh khi mặc lên phim màu rất đẹp và giống thật với hình tư liệu màu áo của cô Dao Ánh ngoài đời.
em va trinh la phim hu cau nen chung minh khong the copy paste hinh anh cua nhan vat ngoai doi vao phim - anh 0
Nhân vật như Khánh Ly và Thanh Thúy là những gương mặt kinh điển. Sơn có xem đây là một lợi thế hay bất lợi khi tạo hình hai nhân vật này?
Tất cả những nhân vật này đều có thật. Họ vẫn là những danh ca lừng lẫy và nổi tiếng ở mọi thế hệ, từ ông bà, cha mẹ đến cả bản thân mình đều biết. Cho nên công tác tạo dựng hình ảnh cho hai nhân vật này tốn nhiều thời gian nghiên cứu chứ chúng mình không dám làm bừa.

Do đó, việc tạo hình cho hai nhân vật này rất dễ nhưng cũng rất khó. Dễ ở đây là không cần phải xây dựng hình ảnh mới vì đã có tư liệu đời thật. Tuy nhiên, việc này vô tình tạo nên một áp lực rất lớn. Hình ảnh của các cô đã ăn sâu vào tâm trí của khán giả từ thế hệ này qua thế hệ khác. Cho nên, trong quá trình tạo hình nếu xảy ra sơ sót, mọi người chắc chắn sẽ phản ứng ngay.

Vì đây là bộ phim tái hiện lịch sử, những bộ đồ thời trước không thể xuất hiện được nhưng ekip đã cố gắng mang lại phần nào đó hình ảnh hoài cổ sống lại trên màn ảnh. 
em va trinh la phim hu cau nen chung minh khong the copy paste hinh anh cua nhan vat ngoai doi vao phim - anh 0
Điểm nhấn của nhân vật Thanh Thúy nằm ở bộ áo dài?
Cô Thanh Thúy mặc rất nhiều áo dài vào thời điểm đó. Nghe áo dài cứ tưởng là đơn giản nhưng thực sự để làm đúng là cả một quá trình tìm hiểu và nghiên cứu.

Áo dài được xem là quốc phục và đã trải qua nhiều thời kỳ phát triển. Thời điểm những năm 60, áo dài phổ biến ở dạng  áo dài tay liền nên sẽ tốn nhiều thời gian và vải hơn để may hơn áo dài tay raglan (tay ghép).

Phần ngực của chiếc áo dài này phải nhọn và phần nhọn do chiếc áo ngực mặc bên trong. Phần eo được chiết lại khá chặt để tạo cảm giác eo thon.

Việc thắt eo này đến từ phương Tây khi giới nhà giàu Việt Nam áp dụng chiếc corset ở nước ngoài vận dụng lên chiếc áo dài theo kiểu thắt đáy lưng ong. Ngực nhọn, eo thon và tay liền được xem là hình tượng áo dài phổ biến lúc bấy giờ.
Nhiều người nói hình tượng Khánh Ly trong phim quá điệu đà, Sơn cảm thấy như thế nào?
Còn về Khánh Ly, cô là một người cá tính. Mình có đọc một số bình luận nhận xét rằng Khánh Ly trong Em Và Trịnh khá điệu đà. Chia sẻ thật lòng, đây là nhân vật có thật và Sơn không dám làm lố đâu. Việc tạo hình trang phục của cô Khánh Ly cũng phải làm "cho ra" hành trình từ Lệ Mai thành Khánh Ly.

Những hình tư liệu về cô Khánh Ly, nếu mọi người có tìm hiểu, cô có sơn móng tay, quần áo và trang điểm cũng lồng lộn từ tóc tai phụ kiện cũng rất là nghệ sĩ. Cô ăn mặc rất là đẹp và thích điệu. 

Mình dành một tháng trời chỉ để đọc tin tức, xem talkshow để biết được sở thích và phong cách thời trang của cô Khánh Ly. Sơn còn tìm đến những hình ảnh thời cô Khánh Ly ở Quán Văn để phân tích lối ăn mặc và trang điểm từ quần áo đến tóc tai, cho đến màu sắc cô sử dụng lúc bấy giờ.
em va trinh la phim hu cau nen chung minh khong the copy paste hinh anh cua nhan vat ngoai doi vao phim - anh 0
 Sơn đã làm gì để có được trang phục mang tính hoài cổ như trong phim?
Tính hoài cổ của Em Và Trịnh được tạo nên từ tổng thể chứ không riêng trang phục. Để tìm được những bộ trang phục trong phim, bản thân Sơn đã phải ngồi xem mock-up (bản dựng tham khảo) với chị Hà Đỗ - Giám đốc sáng tạo của phim.

Đầu tiên, mình phải xem tham khảo màu sắc, đạo cụ trong bối cảnh để làm cơ sở lựa chọn trang phục hài hòa với không gian lẫn nhân vật. Ngoài những bộ trang phục phải thiết kế riêng như áo dài, tất cả quần áo còn lại 90% là đồ "si đa".

Ekip đã phải tìm kiếm ở khắp các khu chợ đồ cũ từ Sài Gòn, Huế đến Đà Lạt. Nói thật, đồ "si đa" không phải là đồ dỏm và có những chi tiết cũng như câu chuyện mà đồ mới không có được.
Tại sao "Em và Trịnh" phải dùng đồ "si đa"?
Em Và Trịnh là bộ phim mang màu hoài niệm nên trang phục cũng cần sự "từng trải" và đồ "si đa" là lựa chọn tốt nhất cho thời trang của phim. Đồ "si đa" có nhiều điều hay ho không phải ai cũng biết. Ví dụ, bây giờ người ta hay xử lý phần lai áo theo kiểu cuốn biên (may chân vịt). 

Thời xưa, những trang phục của giới nhà giàu hay các ngôi sao tại miền nam thường được xử lý theo kiểu rô đê (thêu lắc tay) để cố định phần viền. Còn đồ cuốn biên chỉ dành cho tầng lớp bình dân và thấp hơn nữa. Ngoài ra, một số đường chỉ và đường thêu vào thời kỳ trước chỉ mỗi đồ "si đa" mới có. 

Ngoài đồ "si đa", những trang phục mới điển hình là chiếc áo trắng của nhân vật Trịnh Công Sơn. Màu trắng trên chiếc áo không được là màu trắng tin, thay vào đó phải là trắng ngà.

Cho nên, những món đồ như vậy khi mua về, Sơn đều phải nhờ bên phục trang giặt rồi ngâm bã trà cho xuống màu trắng đục. Còn những món đồ màu khác, bên phục trang đã phải chà giấy nhám tạo hiệu ứng sờn, phai để tạo cảm giác cũ và quen thuộc đối với nhân vật.  

Trang phục của nhân vật phải tạo cảm giác là họ tự mặc lên chứ không phải người khác mặc cho họ.
em va trinh la phim hu cau nen chung minh khong the copy paste hinh anh cua nhan vat ngoai doi vao phim - anh 0
Có nhiều ý kiến cho rằng hình tượng của nhân vật trong phim chưa sát với nhân vật thật. Bạn nghĩ như thế nào?
Không thể nào đưa một câu chuyện thật lên màn ảnh vì tất cả những gì mình kể trên phim đều mang tính hư cấu nhất định, và phục trang cũng vậy.

Đây không phải là phim tài liệu mà là một tác phẩm "kể chuyện" cho nên việc hư cầu một số chi tiết để gây thích thú cho người xem. Quan trọng là về cái đẹp, mình phải làm cho nó đẹp.

Em Và Trịnh rõ ràng là bộ phim hư cấu chứ không phải phim tài liệu cho nên trang phục sẽ chỉn chu và trang trọng hơn. Tuy nhiên, chúng mình vẫn làm trong phạm vi cái đẹp cận thực tế và không quá diêm dúa.

Bên cạnh việc thêm thắt vài chi tiết cho hoàn thiện, việc cho rằng trang phục không bám sát nhân vật thật là không đúng.

Nhắc lại một lần nữa, Em Và Trịnh là bộ phim hư cấu cho nên chúng mình không thể copy + paste hoàn toàn hình ảnh của các nhân vật ngoài đời vào phim được. Chúng mình chỉ muốn hoàn thiện lại để đem đến tạo hình chỉn chu nhất về những nhân vật lớn như vậy.

Giọng diễn viên “Em và Trịnh” bị chê giả: Giọng Huế thật phải như thế nào?

Hình ảnh Trịnh Công Sơn trong phim “Em và Trịnh”: Nhiều chi tiết sai, thiếu tinh tế, nhất là tay áo

[Độc quyền] Nam chính "Em và Trịnh": "Tôi có giảm cân cũng không giống được Trịnh Công Sơn"

Khán giả phản hồi sau khi xem phim "Em và Trịnh": "Không thể chấp nhận"

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ